Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Chúng ta đang sống trong một thế giới vô cùng khác biệt so với trước đây. Con người “tiêu dùng” thông tin nhiều chưa từng thấy, trên rất nhiều nền tảng khác nhau và từ số lượng nguồn tin nhiều hơn tất thảy từ trước đến nay. Điều đó đã thay đổi cách chúng ta tìm hiểu về thế giới. Nó cũng thay đổi cách chúng ta hình thành quan điểm về thế giới.
Rõ ràng đang có một khoảng cách lớn giữa cách mọi người nhìn nhận thế giới xung quanh và cách họ nhìn nhận về thực tế của cộng đồng mà họ đang sinh sống. Không khó để lý giải về sự tồn tại của khoảng cách đó. Mỗi ngày mở trang báo in, bật kênh phát thanh, truyền hình, lên mạng Internet là chúng ta đọc được đủ loại thông tin về những vụ tấn công khủng bố, những vụ bắt cóc, cưỡng hiếp, giết người, tai nạn giao thông kinh hoàng, thực phẩm bẩn tràn lan, buôn bán gian lận, rồi những vụ con đánh cha, trò đánh thầy, người bệnh hành hung bác sỹ, nhân viên công quyền tham nhũng hay thậm chí tiếp tay cho tội phạm…
Tại sao cuộc sống có cả điều hay điều dở mà trên báo chí thì những câu chuyện tiêu cực lại chiếm đa số?
“Có máu chảy là có tin” - Câu thần chú của nhiều tòa soạn báo, được sử dụng hàng trăm năm qua, giờ đây còn chạy qua cái loa khuyếch đại của truyền thông xã hội, đang vẽ nên một bức tranh vô cùng đen tối, vô cùng kinh khủng về xã hội! Bức tranh này thường không cân xứng với thực tế, thậm chí méo mó so với thực tế. Chúng ta thường nói báo chí phản ánh cuộc sống, vậy tại sao cuộc sống có cả điều hay điều dở mà trên báo chí thì những câu chuyện tiêu cực lại chiếm đa số? Và rồi chúng ta biến trải nghiệm riêng khi đọc những nội dung đó, dù chính xác hay không, thành nhận thức về cuộc sống trong cộng đồng của chính chúng ta.
Một vụ tấn công chết người, một tai nạn đau thương xảy ra... Thế là báo chí đăng tải dồn dập mấy ngày liền. Tất nhiên những sự kiện đó là quan trọng, được nhiều người quan tâm. Nhưng trong mấy ngày đó cũng xảy ra nhiều chuyện khác, cũng quan trọng không kém, ấy vậy mà lại ít được chú ý hơn.
Có một khái niệm mới trong tiếng Anh là “infoxication” - tình trạng ngộ độc về thông tin. Cũng không sai nếu nói rằng chúng ta đang sống trong một xã hội bị ngộ độc về thông tin. Sự dư thừa thông tin khiến mỗi người chúng ta bị ngợp, bị ong đầu, bị chói mắt. Mỗi người dùng đều muốn nắm mọi thông tin, còn mỗi cơ quan báo chí đều chạy đua quyết liệt với nhau, và với mạng xã hội, để không chỉ cung cấp tin tức nhanh nhất mà cả những thông tin kiếm được nhiều lượt truy cập nhất.
Nỗi ám ảnh về lượng pageview, về SEO, về thang bậc trên Internet, và việc báo chí đang tác nghiệp dựa theo thuật toán của các máy tìm kiếm cũng như mạng xã hội thực sự đang hủy hoại chất lượng của báo chí cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí với độc giả. Không sai nếu nói rằng chúng ta đang sống trong một xã hội bị ngộ độc về thông tin
Tính chỉ trích trong báo chí đã đi quá xa. Tất nhiên, nhà báo cần đảm đương vai trò giám sát, nhưng việc có quá nhiều thông tin tiêu cực trên báo đài đang làm nản chí độc giả. Những người khoan dung thì sẽ có thái độ chờ xem, còn những người khác sẽ “ngắt kết nối” - cả với các cơ quan báo chí lẫn với thực tế. Không hiếm người thậm chí thốt lên rằng họ không muốn đọc báo nữa vì quá sợ hãi.
Nếu theo dõi sát những diễn biến trong hoạt động báo chí toàn cầu, chúng ta chắc đã nghe tới khái niệm “báo chí mang tính xây dựng” (constructive journalism). Báo chí xây dựng, còn được biết đến với tên gọi “báo chí giải pháp” (solutions journalism), đang thách thức cái quan niệm truyền thống của các tòa soạn rằng “có máu chảy là có tin”.
Nói cách khác, theo quan niệm trước đây, các sự kiện hay vấn đề sẽ được đưa tin nếu nó mang ý nghĩa tiêu cực. Góc nhìn tiêu cực chủ đạo về tin tức như thế không có lợi cho các cơ quan báo chí cũng như cho xã hội. Tư duy tiêu cực đang khiến người dân xa rời tin tức, thậm chí rơi vào tình trạng gọi là “ngắt kết nối” kể trên, và góp phần làm suy giảm số lượng độc giả quan tâm tới tin tức. Nó khiến mọi người cảm thấy bất lực và không còn động lực hành động trước những vấn đề quan trọng của xã hội.
Báo chí xây dựng là một xu hướng nhằm đáp trả tình trạng lá cải hóa, giật gân câu view và định kiến tiêu cực ngày càng tăng trong báo chí hiện đại. Đó là một cách tiếp cận nhằm cung cấp cho độc giả và khán thính giả một bức tranh chính xác, công bằng và phù hợp bối cảnh về thế giới xung quanh, không quá nhấn mạnh đến những điểm tiêu cực. Dẫu một liều lượng vừa phải thông tin tiêu cực trên báo chí là điều cần thiết, sự quá đà kinh niên về thông tin tiêu cực dẫn đến tình trạng định kiến ẩn giấu trong báo chí, làm xói mòn xã hội mà chúng ta đang sống.
Báo chí xây dựng thực thi chức năng phản biện xã hội một cách có trách nhiệm, vì thế nó không chỉ hỗ trợ những cuộc tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng mà còn đề ra những giải pháp khả thi để cải thiện chất lượng và mức độ của các tranh luận đó.
Sự quá đà kinh niên về thông tin tiêu cực dẫn đến tình trạng định kiến ẩn giấu trong báo chí, làm xói mòn xã hội mà chúng ta đang sống
Báo chí xây dựng không đơn giản là cung cấp những tin tức tích cực - những câu chuyện xúc cảm, mang tính giải trí, tạo cảm giác tươi đẹp về một số chủ đề giới hạn trong cuộc sống - chẳng hạn như “cứu được chú mèo sau 10 ngày mắc kẹt trên cây” hay “thanh niên nghèo trả lại tiền tỷ rơi trên phố”. Tin bài theo quan điểm báo chí xây dựng đề cập đến cả những vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, tranh chấp thương mại… có điều nó đều thực hiện theo cách thức khác. Bên cạnh 5 chữ W mà các nội dung báo chí phải trả lời - Điều gì xảy ra? Ở đâu? Khi nào? Tại sao? Liên quan đến ai? - thì báo chí xây dựng đặt ra câu hỏi “Vậy bây giờ có thể làm gì?” để có được một xã hội tốt đẹp hơn.
Ngày càng có nhiều cơ quan báo chí quan tâm đến báo chí xây dựng. Và trong khi những ý tưởng đằng sau quan niệm về báo chí xây dựng không phải hoàn toàn mới, với tất cả những xu hướng báo chí chất lượng cao đang diễn ra song song nhằm giảm bớt tình trạng chạy đua tốc độ và thiếu kiểm chứng, chẳng hạn như cái gọi là báo chí chậm (slow journalism), cộng thêm một thực tế là tình trạng tin giả ngày càng lan tràn, phức tạp và tinh vi, dường như cả các nhà báo lẫn độc giả, khán thính giả đang ngày càng mong mỏi những nội dung mang tính xây dựng.
Tại Copenhagen, nhà báo Ulrik Haagerup đã lập ra một phong trào dựa trên quan niệm “báo chí xây dựng”. Từ “xây dựng” là chìa khóa. Nó không phải là những tin tức khiến người đọc “cảm thấy tươi đẹp”. Nó không phải là thứ báo chí chỉ ca ngợi. Đó là việc đăng tải thông tin mang tính xây dựng - giúp người dân hiểu được họ nên tư duy theo cách nào, chứ không bảo họ nghĩ về cái gì. Những nỗ lực áp dụng mô hình “báo chí xây dựng” đã dẫn đến sự tăng trưởng ngoạn mục về số lượng độc giả và cải thiện đáng kể nhận thức về niềm tin. Ông Ulrik tin rằng chúng ta phải nghĩ lại về cách báo chí có thể giúp đỡ xã hội một cách tích cực nhằm thông hiểu các thách thức và nhận rõ những giải pháp khả thi.
Báo chí không đơn thuần là việc cung cấp thông tin. Các nhà báo còn mang trên mình trách nhiệm với xã hội. Sản phẩm báo chí không phải là một sản phẩm thông thường, bởi độc giả chỉ đến với sản phẩm đó khi họ có niềm tin vào cơ quan báo chí và chính những người phóng viên, biên tập viên.
Thực tế đã chứng minh rằng “làm báo tử tế” cũng sống được, tuy không dễ. Nhưng chắc chắn kiểu làm báo câu khách với đầy những thông tin tiêu cực và định kiến khó tồn tại bởi nó không phải là thứ mà độc giả cần. Thực tế chứng minh rằng báo chí xây dựng sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Thực tế cũng chứng minh rằng sản xuất nội dung chất lượng cao để độc giả sẵn sàng chi tiền mới là mô hình phát triển bền vững.
Thực tế chứng minh rằng báo chí xây dựng sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
Trong khi đó, chúng ta cần những nhà báo có thể trả lời câu hỏi: Tại sao tôi làm báo? Tôi làm báo vì muốn học và hiểu biết và vì có những câu chuyện (tối tăm hoặc tươi sáng) cần được nói tới. Những câu chuyện này dạy cho chúng ta và nói cho chúng ta biết về xã hội, về những cá nhân, giúp chúng ta hiểu thế giới và hiểu bản thân mình, khơi dậy niềm hạnh phúc và lột tả nỗi buồn, đánh thức sự căm phẫn hoặc lòng trắc ẩn của chúng ta. Những câu chuyện đó như những tấm gương phản ánh tiếng nói tập thể hoặc cá nhân về những giấc mơ của chúng ta, và xã hội cần những câu chuyện đó vì nó khiến chúng ta nhân văn hơn.
Chúng ta là nhà báo vì chúng ta tin tưởng rằng báo chí không chỉ là công cụ để đưa tin về thế giới xung quanh, mà còn góp phần làm thay đổi nó, theo hướng tích cực. Mỗi tòa soạn, mỗi phóng viên hãy làm báo với tinh thần xây dựng, mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí từng phút, giây.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.