Lãi suất cho vay vượt 15%, còn lâu mới có hy vọng giảm

Minh Dũng - 23/12/2022 09:42 (GMT+7)

(VNF) - Mức giảm lãi suất cho vay hiện không đáng kể và xu hướng giảm vẫn chưa diễn ra đại trà nhưng đây là một tin tích cực. Hy vọng lớn nhất là khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay sẽ có cơ hội hạ nhiệt.

VNF
Đồng thuận giảm lãi suất huy động nhưng bao giờ mới hạ lãi suất cho vay?

Lãi suất cho vay cao, mức giảm không đáng kể

Lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng thương mại thời gian qua tăng nhanh. Các ngân hàng cho vay với mức lãi suất trung bình 12-14%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng có lãi suất cho vay ở kỳ hạn 12 tháng tới 15-16%/năm.

Sau đà tăng mạnh lãi suất cho vay, mới đây, một số ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay nhằm cung ứng vốn, tháo gỡ khó khăn, giúp khách hàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng thông tin đến nay đã có 16 tổ chức tín dụng đăng ký, cam kết giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5-2%/năm, cá biệt có đơn vị giảm lãi suất cho vay tới 3,5%/năm.

Dù các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay nhưng rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang phải vay với mức lãi suất cao.

Dù lợi nhuận giảm sút, nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất lên đến 15%/năm để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới hoặc duy trì hoạt động hiện tại. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ chấp nhận từ chối bớt các đơn hàng, không dám vay vốn vì lãi suất cao.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Nội cho biết, do thuộc nhóm ngành ưu tiên về vay vốn lẫn lãi suất nên hồi đầu năm, Công ty vay vốn lưu động chỉ phải chịu lãi suất từ 5,3-5,5%/năm. Nhưng đến nay, Công ty phải trả mức lãi suất tới 9,3-9,5%/năm. Công ty mới nhận được thông báo xem xét giảm lãi vay trong thời gian tới nhưng chắc phải sang năm mới được giảm.

Chủ một cơ sở chế biến thực phẩm (TP.HCM) cho biết từ tháng 8 đến nay, lãi suất mà doanh nghiệp này phải trả tăng từ 9%/năm lên 12,7%/năm. Số tiền lãi mà doanh nghiệp này phải trả hiện tăng 50-100% so với thời điểm đang trong dịch Covid-19.

Không chỉ lãi vay cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngân hàng cũng đã tăng lãi suất cho vay mua nhà, mua xe lên khá cao. Lãi suất cho vay mua nhà, mua xe hiện phổ biến từ 12,5-15%/năm. Lãi suất với các khoản vay tiêu dùng dao động từ 12-15%/năm.

Thông thường, lãi suất cho vay được nhiều nhà băng áp dụng cho các doanh nghiệp, người dân là cộng thêm biên độ 3-4% theo lãi suất huy động cao nhất. Với công thức tính lãi suất vay này thì khi mặt bằng lãi suất huy động cao thì việc giảm lãi vay là điều khó.

Dù các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5-2%/năm, nhưng so với mức lãi vay trung bình hiện nay từ 12-14%/năm thì mức giảm trên vẫn không đáng kể. Người vay tiền ngân hàng vẫn phải chịu mức lãi suất trên 10%.

Các ngân hàng cũng sẽ không áp dụng giảm lãi vay đại trà mà chỉ hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh cụ thể, ưu tiên các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.

Hi vọng từ việc giảm lãi suất huy động

Cuộc đua lãi suất huy động đã có dấu hiệu lắng lại sau thời điểm đua nhau tăng cao, có ngân hàng vọt lên 12%/năm. Sau lời kêu gọi giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm xuống dưới mức này.

Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ chưa thể giảm ngay khi chi phí vốn huy động trước đó tăng cao. Lãi suất cho vay chỉ giảm khi lãi suất huy động hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, các ngân hàng vẫn đang "nhìn nhau" trong việc kéo giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm. Áp lực huy động vốn cuối năm dẫn đến thị trường cũng đã xuất hiện tình trạng ngân hàng tặng thêm tiền, quà bên ngoài cho khách gửi tiết kiệm. Trước tình hình này, lãi vay của nhiều ngân hàng vẫn chưa thể hạ nhiệt trong ngắn hạn.

Song hiện đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực về việc giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây vừa tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 1,5-2% cho toàn hệ thống, tương đương 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Với quyết định này, việc giải ngân vốn của ngân hàng sẽ “dễ thở” hơn.

Mới đây, 16 ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay. Đây được xem là tín hiệu khả quan, giúp hạ nhiệt áp lực về lãi vay. Mức giảm lãi suất cho vay càng có ý nghĩa hơn khi được áp dụng vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao.

NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Việc giảm lãi suất cho vay có thể chưa ngay lập tức diễn ra trên quy mô toàn hệ thống nhưng dẫu sao nó cũng là một tin vui đối với các doanh nghiệp đang “mỏi mắt” tìm vốn hay đang phải chịu một mức lãi suất rất cao trong thời điểm này. Khi những ngân hàng đầu tiên điều chỉnh lãi vay sẽ tạo "hiệu ứng domino", tăng sức cạnh tranh cho các nhà băng khác. Từ đó, có thể giúp hạ nhiệt cơn nóng lãi suất trong thời gian tới.

Hơn nữa, trong thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ có nhiều dư địa để điều chỉnh giảm khi tỷ giá USD/VND đã dần ổn định những ngày qua và lãi suất liên ngân hàng cũng không còn quá căng thẳng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, lãi suất cho vay hết quý I/2023 sẽ hạ nhiệt, còn khoảng 10-14%. Vị chuyên gia này cũng cho biết, quý IV/2022 sẽ ổn định được hệ thống ngân hàng thương mại, quý I/2023 ổn định hệ thống trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Đến quý II/2023, hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với doanh nghiệp sản xuất.

Cùng chuyên mục
Tin khác