'Lãi suất Việt Nam cao khủng khiếp' và 'những thứ tạo nên nhiều rủi ro, bất định'

Hoàng Sơn - 13/08/2023 00:08 (GMT+7)

(VNF) - Theo TS Lê Xuân Nghĩa, không nước nào trên thế giới có lãi suất cao như ở Việt Nam. Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung cảnh báo đang có những thứ tạo nên nhiều rủi ro, chi phí, bất định hơn cho DN. Đây là những phát ngôn đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, không nước nào trên thế giới có lãi suất cao như ở Việt Nam.

"Có những thứ tạo nên nhiều rủi ro, chi phí, bất định hơn"

Theo TS Nguyễn Đình Cung, trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.  Thời gian gần đây không có những thứ như thế, thậm chí có những thứ tạo nên nhiều rủi ro, chi phí, bất định hơn.

Dẫn chứng về thực tế này được nêu ra là các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy động chạm đến tất cả các ngành trong nền kinh tế, làm tăng chi phí tuân thủ cực kỳ cao và mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã lên tiếng nhưng vẫn không thay đổi. Thực trạng này gây bức xúc không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

"2 điểm nóng cần gỡ ngay, đó là hoàn thuế VAT và vấn đề phòng cháy chữa cháy. Và theo kinh nghiệm của ông thì "Thủ tướng phải đích thân xuống làm việc để tháo gỡ vướng mắc", ông Cung đề xuất.

Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, mặc dù Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhưng trên thực tế, ông chưa thấy cải cách, thay đổi bên trong chưa đủ bù đắp khó khăn từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, "Chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đang tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt thấp", ông Cung nói.

>>>Xem thêm: TS. Nguyễn Đình Cung: 'Thủ tướng phải đích thân xuống làm việc để tháo gỡ vướng mắc'

"Không nước nào trên thế giới có lãi suất cao như ở Việt Nam"

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia kể rằng: “Một người bạn của tôi vay của một ngân hàng khá tên tuổi để đầu tư vào điện mặt trời với lãi suất 17%/năm và tới đây ngân hàng có hứa sẽ giảm xuống 15%. Đầu tư dài hạn mà lãi suất như vậy thì… quá cao”, ông Nghĩa nói và cho biết lãi suất thực (trừ đi lạm phát) còn tới 10% là rất cao.

“Không nước nào trên thế giới có lãi suất cao khủng khiếp như vậy”, vị chuyên gia từng là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh

Theo quan điểm của ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng lãi suất vẫn ở mức “rất cao chứ không phải là cao”. Có thể NHNN lo ngại sự biến động khó lường của tỷ giá.

>>>Xem thêm: TS Lê Xuân Nghĩa: 'Không nước nào trên thế giới có lãi suất cao như ở Việt Nam'

"Liên kết hợp tác giữa các địa phương còn đơn lẻ"

Bình luận về vấn đề liên kết vùng hiện nay, Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết trên thực tế, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

“Liên kết vùng dù là câu chuyện đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: Thể chế hình thành và thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Cho đến năm 2021, các đánh giá vẫn cho thấy, một thách thức cản trở sự phát triển của các vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng chính là thiếu các thể chế đủ mạnh.

Bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với thúc đẩy liên kết vùng. Dưới tác động tiêu cực của hội nhập, cùng với đặc điểm nền kinh tế còn phát triển manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết,… đòi hỏi các vùng ở Việt Nam phải có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế.

>>>Xem thêm: Liên kết vùng kinh tế: 'Muốn đi xa phải đi cùng nhau'

'Sau giai đoạn tăng mạnh, nhà đầu tư cần thận trọng'

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, mức tăng trưởng của Việt Nam từ đầu năm đến nay khoảng hơn 20-21% là mức tương đương với sự phục hồi chung của các thị trường. Tuy nhiên, sau một giai đoạn dài thị trường tăng trưởng, đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư sẽ cần có sự thận trọng nhất định trong việc phân bổ dòng vốn của mình.

Theo đó, có 2 xu hướng ngành được chuyên gia khuyến khích. Cụ thể, những nhóm ngành cơ bản nhưng chưa tăng giá quá nhiều trong giai đoạn phục hồi vừa qua như ngân hàng, bán lẻ. Bên cạnh đó là nhóm ngành có những lợi thế nhất định về chu kỳ kinh doanh so với những ngành khác, được sự hỗ trợ về mặt chính sách hay có thị trường quốc tế thuận lợi như: Dầu khí, hóa chất, phân bón hay, liên quan đến lương thực, thực phẩm.

Còn theo ông Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh. về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam có rất nhiều triển vọng. Trong đó, việc tỷ lệ người mở tài khoản chứng khoán vẫn chưa nhiều được đánh giá là một triển vọng rõ nhất. Bên cạnh đó, khi thu nhập người dân tăng lên, một phần sẽ được chuyển vào các tài khoản tiết kiệm. Với việc ngày càng có nhiều sản phẩm tài khoản tiết kiệm kết nối với chứng khoán, sẽ trở thành xu thế đẩy dòng tiền vào thị trường.

>>>Xem thêm: Chuyên gia: 'Sau giai đoạn tăng mạnh, nhà đầu tư cần thận trọng phân bổ nguồn vốn'

"Chọn cổ phiếu có định giá thấp, ưu tiên chốt lời các mã tăng nóng"

Bình luận về diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay, ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, cơ hội không nằm ở doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, mà cơ hội tốt nằm ở doanh nghiệp đang từ vùng đáy phục hồi đi lên.

Dưới góc nhìn của mình, ông Khánh cho rằng, việc tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận là yếu tố cần quan tâm, nhưng nhà đầu tư phải nhìn vào chu kỳ, từ vùng đáy đi lên, nhóm nào sẽ vận động tốt hơn. Thị trường luôn có sự vận động như nhóm đầu cơ dẫn sóng, nhóm blue chip giúp tăng điểm… đó là đặc điểm riêng của từng nhóm cổ phiếu.

Chẳng hạn, giai đoạn tháng 4/2020 tới cuối năm 2021, vào nhịp hồi phục, tạo đáy sau Covid, nhóm đầu tư công, ngân hàng, sản xuất thực phẩm dẫn đầu, tiếp theo là nhóm bất động sản, bank - chứng – thép, cuối sóng có dầu khí,…

"Từ nay tới cuối năm, nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu có định giá thấp, ưu tiên chốt lời cổ phiếu đã tăng nóng, quản lý danh mục linh hoạt và phân bổ tỷ trọng cổ phiếu phù hợp theo nhóm. Các nhóm cổ phiếu được dự báo có tiềm năng tăng trưởng bao gồm nhóm xây lắp và vật liệu xây dựng, nhóm dầu khí, công nghệ, bán lẻ và nhóm tiện ích", ông Khánh khuyến nghị.

>>>Xem thêm: 'Chọn cổ phiếu có định giá thấp, ưu tiên chốt lời các mã đã tăng nóng'

Cùng chuyên mục
Tin khác