Thị trường

Lạm phát đang tạo cơ hội cho vàng tăng giá tiếp

(VNF) - So với cuối tháng 6, giá hiện tại của vàng đã tăng gần 80 USD, từ vùng giá 1.750 USD/ounce, tương đương mức tăng ròng hơn 4% sau 2 tuần.

Lạm phát đang tạo cơ hội cho vàng tăng giá tiếp

Lạm phát đang tạo cơ hội cho vàng tăng giá tiếp

Sau 13 giờ ngày 16/7, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 56,75 – 57,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này đang ở mức 1.825,7 USD/ounce.

So với hôm qua, giá vàng trong nước hôm nay giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào lẫn chiều bán ra; giá vàng thế giới cũng giảm 7 USD/ounce (khoảng 160.000 đồng).

Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại lại đứng yên tại mức 51,4- 52,1 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá mua - bán hôm nay tiếp tục được công ty SJC giữ ở mức 750.000 đồng/lượng, đây là mức rất cao so với bình quân 400.000 đồng ở các tháng trước. 

Tại TP. HCM cũng như nhiều tỉnh thành khác, chính quyền đang áp dụng giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, nên hầu hết các tiệm kinh doanh vàng, trang sức đã tạm ngừng hoạt động.

Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC gần 7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đêm 15/7 thấp hơn khoảng 3,7% (71 USD/ounce) so với cuối năm 2020. So với cuối tháng 6, giá hiện tại của vàng đã tăng gần 80 USD, từ vùng giá 1.750 USD/ounce, tương đương mức tăng ròng hơn 4% sau 2 tuần.

Giá vàng thế giới trong ngày 15/7 chỉ biến động nhẹ, dòng tiền trên thị trường vẫn tập trung vào giá vàng. Khi lãi suất trái phiếu Mỹ từ 1,33%/năm xuống còn 1,31%/năm, nhiều người hạn chế mua trái phiếu và dịch chuyển một phần vốn vào vàng. Giá vàng thế giới có lúc tăng 10 USD/ounce, từ 1.825 USD/ounce lên 1.835 USD/ounce.

Tuy vậy, khi giá của USD đảo chiều đi lên, một số nhà đầu tư ngắn hạn mạnh tay bán ra. Giá vàng thế giới lúc 23 giờ ngày 15/7 giảm 15 USD/ounce xuống còn 1.820 USD/ounce. Ở mức giá này, những nhà đầu tư vàng dài hạn liền tăng sức mua. Giá vàng lúc 6 giờ ngày 16/7 giành lại 10 USD/ounce vọt lên 1.830 USD/ounce. Sau đó giá vàng tế giới tiếp tục điều chỉnh, đến 8 giờ 30 được giao dịch ở mức 1.829 USD/ounce, giảm nhẹ so với giá đầu giờ sáng.

Giá vàng trên thị trường quốc tế giữ ở mức cao sau vài phiên tăng vọt trong bối cảnh người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa thế giới. Giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh góp phần đẩy lạm phát Mỹ lên mức cao nhất trong 13 năm. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 tăng 5,4%.

Vàng được dự báo có thể còn đi lên do lợi tức trái phiếu ở Mỹ giảm sâu về ngưỡng 1,3%. Dù vậy, đà tăng giá của vàng bị kìm hãm do đồng USD tăng giá và các quỹ giao dịch vàng lớn trên thế giới, trong đó có SPDR vẫn bán ra.

Theo nhà phân tích của HSBC Holdings Plc, giá dầu thô tăng cũng đang thúc đẩy hoạt động mua vàng của các nước xuất khẩu dầu, trong đó có Kazakhstan. Theo nhà phân tích của Chartered Plc, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đang góp phần ngăn chặn dòng chảy đầu tư mạnh ra khỏi các quỹ giao dịch ngoại hối. Căng thẳng địa chính trị, nhu cầu đa dạng hóa và sự bất ổn gia tăng đã tiếp tục làm tăng nhu cầu với vàng.

Theo nhà phân tích của Citigroup Inc., trong kịch bản lạc quan, khi kinh tế toàn cầu phục hồi, các ngân hàng trung ương có thể mua khoảng 1.000 tấn. Ngân hàng này dự báo lượng vàng được mua sẽ tăng lên 500 tấn trong năm 2021 và 540 tấn trong năm tới.

Theo một khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), khoảng 1/5 số ngân hàng trung ương dự kiến tăng lượng vàng dự trữ trong năm tới.

Từ khoá: vàng, giá vàng,
Tin mới lên