Thị trường

Lãnh đạo đường sắt nói gì sau loạt tai nạn xảy ra trong 4 ngày?

(VNF) - Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết 5 tháng đầu năm 2018, đường sắt xảy ra 122 vụ tai nạn, giảm 30 vụ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự cố chạy tàu (không gây hậu quả) là 460 vụ, tăng 13 vụ so với cùng kỳ. Cũng theo ông, chỉ số an toàn vẫn rất tốt chứ không phải tăng đột biến. 

Lãnh đạo đường sắt nói gì sau loạt tai nạn xảy ra trong 4 ngày?

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Bày tỏ sự đau buồn sau khi 4 vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong 4 ngày, trả lời báo chí mới đây, ông Hoạch cho hay: “Chúng tôi đã có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn đường sắt, song tai nạn vẫn xảy ra. 3 trong 4 vụ tuần qua đều liên quan yếu tố chủ quan của người lao động, chúng tôi đang phân tích, sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể liên quan sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng”.

Đối với vụ việc hai tàu hàng đâm nhau trong ga Núi Thành (Quảng Nam), ông cho biết vụ tai nạn giữa hai tàu hàng không phải lần đầu tiên xảy ra, thỉnh thoảng vẫn có va chạm trong ga hàng hóa. Tuy nhiên, các vụ trước đây không gây đổ tàu nghiêm trọng và hư hỏng toa xe như ở Núi Thành.

“Theo quy định, khi đang đón tàu vào ga thì nghiêm cấm dồn dịch tàu khác trong ga. Tuy nhiên, tại Núi Thành, khi chuẩn bị đón tàu thì vẫn có đoàn tàu dồn dịch nên xảy ra tai nạn. Có 3 khâu liên quan là trực ban, trưởng dồn chỉ huy đoàn tàu dồn và nhân viên lái đầu máy. Trực ban ra lệnh cho việc tác nghiệp trong nhà ga, trưởng dồn cầm cờ điều khiển tàu, lái máy thực hiện theo tín hiệu của trưởng dồn. Trong 3 vị trí làm việc này, chỉ cần một người thực hiện đúng quy tắc thì dù hai người có vi phạm tai nạn vẫn không xảy ra”, ông Đoàn Duy Hoạch cho hay.

Cũng theo ông Hoạch, trong vụ này, các nhân viên này đã không thực hiện đúng quy trình tác nghiệp, có thể là lỗi của người trực ban cho phép dồn tàu, hoặc lái máy vẫn lái khi đã có yêu cầu dừng, hoặc nhân viên phụ trách dồn toa hướng dẫn không đúng.

“Chúng tôi sẽ phân tích trong vài ngày tới, căn cứ vào hồ sơ để xem bộ phận nào vi phạm quy tắc kỹ thuật nhà ga”, ông nói.

Đối với vụ tàu SE19 tông vào xe tải ở Thanh Hóa làm 2 người chết, 10 người bị thương, ông cho hay hồ sơ vụ này đang được công an thụ lý.

“Theo đánh giá của chúng tôi, đường ngang tại khu vực xảy ra tai nạn đã được đầu tư hệ thống giàn chắn điều khiển bằng động cơ, đường rộng và hiện đại, phòng gác chắn tiện nghi, có đủ thiết bị phục vụ cho hoạt động chắn tàu.

Cơ quan điều tra đang xem xét hai nhân viên gác đã thực hiện đầy đủ quy định khi có tàu sắp qua chưa và sự phối hợp giữa nhân viên này, trực ban khi báo cho tàu qua chắn. Thông tin của trực ban ga và tổ gác chắn có kịp thời, đúng quy định theo quy trình tác nghiệp hay không?”, ông Hoạch nói.

Cũng theo Phó tổng giám đốc VNR, hiện trường vụ tai nạn ghi nhận không đóng giàn chắn là nhiều khả năng nhân viên chủ quan không đóng, hoặc do nhận giờ đóng chắn muộn hơn giờ tàu chạy, nhận được thông tin giờ tàu đến không chính xác. “Hiện các ga đều có ghi âm để xác nhận quá trình trao đổi điều hành với đóng chắn, có thể giúp điều tra chính xác”, ông thông tin.

Được biết, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt báo cáo đầy đủ tai nạn từ đầu năm đến nay, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị vi phạm. Đại diện VNR, ông Hoạch cho biết 5 tháng đầu năm nay, đường sắt xảy ra 122 vụ tai nạn, giảm 30 vụ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự cố chạy tàu (không gây hậu quả) là 460 vụ, tăng 13 vụ so với cùng kỳ.

"Theo tính toán, 80% vụ tai nạn là do khách quan, còn lại do người lao động trong khi làm việc. Chỉ số an toàn vẫn rất tốt chứ không phải tăng đột biến. Tuy nhiên, 4 vụ tai nạn xảy ra liên tục khiến dư luận nóng lên", Phó Tổng giám đốc VNR nói.

Cũng theo ông, ngành đường sắt có quy định rất chặt chẽ, thường xuyên bổ sung, xây dựng thành quy tắc cho từng chức danh. Nếu người lao động nghiêm túc thực hiện theo quy tắc đó thì tai nạn không xảy ra.

"Ngoài ra, chúng tôi tổ chức kiểm tra giám sát, nếu tai nạn do chủ quan thì xử lý cảnh cáo, miễn nhiệm từ tổng công ty xuống đến đơn vị. Chúng tôi đã sa thải 6 người lao động, kéo dài thời hạn nâng lương và cách chức 12 người, khiển trách 47 người. Với người đứng đầu liên quan, Tổng công ty đã khiển trách một lãnh đạo, phê bình 9 người", ông cho biết thêm.

Trước đó, 0h30 ngày 24/5, tàu SE19 từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi gần đến ga Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã đâm vào xe tải. Kết quả, vụ tai nạn đã khiến hơn 10 người thương vong, đầu máy và 6 toa xe bị lật. Công an đã bắt 2 nhân viên gác chắn do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vào 16h20 ngày 26/5, tại ga Núi Thành (Quảng Nam), tàu hàng ASY2 đi vào ga theo hướng Nam Bắc. Cùng thời điểm, lái tàu hàng 2469 đang dồn toa hướng ngược lại khiến hai đoàn tàu đã tông nhau trực diện... 4 toa xe hàng trật khỏi đường ray, hai đầu máy hư hỏng nặng.

Chỉ 20 phút sau, lúc 16h40 ngày 26/5, tàu hàng chạy hướng Nam Bắc kéo theo 27 toa xe trong lúc vào đường ray số 3 tại ga Yên Xuân (Nghệ An) để tránh tàu ngược chiều thì bất ngờ bị trật bánh tại hai toa 3 và 4. 30 m đường ray, hàng trăm tà vẹt bị hư hỏng, đường sắt qua khu vực này tắc 3 giờ.

13h ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy Bắc Nam, khi tới xã Diễn An (Diễn Châu, Nghệ An) đâm trúng xe bồn trộn bê tông băng qua đường ngang dân sinh. Đầu máy tàu bị hư nhẹ, đầu xe bồn hỏng nặng. Vụ tại nạn khiến tài xế xe bồn bị thương nhẹ.

Tin mới lên