Lãnh đạo Techcombank tiết lộ chiến lược huy động vốn rẻ và tệp khách hàng mục tiêu mới
Hải Đường -
23/10/2021 11:22 (GMT+7)
(VNF) - Song song với việc tiếp tục tập trung huy động vốn rẻ, Techcombank sẽ đặt trọng tâm vào phát triển khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và khách hàng cá nhân mua nhà thứ cấp.
Vì sao CASA mảng khách hàng cá nhân giảm?
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân diễn ra mới đây, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) cho biết tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (CASA) trong quý III đạt 155.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 10% so với quý II/2021.
Tỷ lệ CASA của Techcombank tại thời điểm cuối quý III là 49%, là mức cao so với toàn ngành.
Xét về CASA theo phân khúc khách hàng, CASA đến từ khách hàng cá nhân trong quý III đạt 79 tỷ đồng, mảng doanh nghiệp đạt 77 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và tăng 115% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nếu so với quý liền trước (quý II/2021) thì CASA phân khúc khách cá nhân lại có xu hướng giảm 6%, trong khi đó CASA từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh ở mức 53%.
Biến động ngược chiều trên trong quý III đã dẫn tới việc thu hẹp khoảng cách giữa CASA từ khách hàng cá nhân và CASA từ khách hàng doanh nghiệp.
Cụ thể, từ quý III/2020 tới nay, chiếm phần lớn trong CASA của Techcombank đều đến từ phân khúc khách hàng cá nhân. Giữa CASA khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng luôn duy trì khoảng cách từ 1,5-2 lần.
Tuy nhiên, đến quý III/2021 thì khoảng cách này được thu hẹp lại khi CASA từ khách hàng cá nhân đạt 79 tỷ đồng, CASA từ khách hàng doanh nghiệp đạt 77 tỷ đồng. Khoảng cách hiện tại chỉ là 2 tỷ đồng, và nếu xu hướng tăng – giảm của CASA vẫn duy trì như trong quý III/2021 thì rất có thể CASA từ khách hàng doanh nghiệp sẽ vượt khách hàng cá nhân.
Giải thích về việc CASA mảng khách hàng cá nhân có xu hướng giảm, ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc thường trực Techcombank cho rằng việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong quý III đã làm giảm chi tiêu của khách hàng cá nhân, từ đó số dư CASA của phân khúc khách hàng này cũng giảm theo.
Cụ thể, theo ông Phùng Quang Hưng, số dư CASA đến từ nhiều nguồn tiền khách nhau của khách hàng, có thể phát sinh từ hoạt động thanh toán chi tiêu hàng ngày, hoạt động tích lũy hay hoạt động đầu tư.
Trong đó, hoạt động tạo ra CASA lớn nhất theo Phó tổng giám đốc Techcombank là thanh toán hàng ngày.
“Khi khách hàng cá nhân không có những hoạt động thanh toán thì số dư CASA tương ứng sẽ giảm đi. Nguồn tiền của khách hàng có thể được đầu tư hoặc lưu giữ trong những hình thức tài sản khác để sinh lời trong ngắn hạn”, ông Phùng Quang Hưng cho biết.
Ngoài ra, ông Hưng cũng tiết lộ khi hoạt động giãn cách xã hội được dừng áp dụng, kinh tế mở cửa thì CASA của khách hàng cá nhân ngay lập tức tăng trở lại, trong đó ở 2 tuần gần đây nhất thì mức độ tăng trưởng CASA của phân khúc khách hàng này tại Techcombank khá ấn tượng.
Để duy trì CASA dài hạn trong bối cảnh cạnh tranh với các ngân hàng khác, phía Techcombank tiết lộ bên cạnh việc lựa chọn phân khúc, lĩnh vực kinh tế trọng tâm thì còn cần phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong các lĩnh vực trọng tâm này, trên cơ sở am hiểu nhu cầu của khách hàng.
Sản phẩm dịch vụ bám sát nhu cầu của khách hàng sẽ được đón nhận và sử dụng nhiều hơn, kéo theo các hoạt động thanh toán hàng ngày hay hoạt động trung và dài hạn khác đều tăng và cuối cùng là CASA của ngân hàng cũng tăng theo.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Quang Hưng, việc thực hiện không hề “dễ như nói”, đòi hỏi quá trình thực hiện dài hơi chứ không chỉ là những chiến thuật ngắn hạn.
Tập trung phát triển khách hàng SME và khách hàng cá nhân mua nhà thứ cấp
Cũng tại buổi gặp gỡ, ban lãnh đạo Techcombank đã tiết lộ chiến lược phát triển ngân hàng trong thời gian tới.
Cụ thể, về triển vọng quý IV sắp tới, đại diện Techcombank cho biết với việc kinh tế mở cửa và dự kiến phục hồi tốt hơn, ngân hàng này kỳ vọng sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, việc huy động thành công 800 triệu USD vốn nước ngoài với lãi suất thấp cũng giúp Techcombank duy trì triển vọng tăng trưởng CASA và duy trì tỷ lệ NIM ở mức cao trong quý IV. Các loại phí như bancassurance, phí thẻ cũng kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm.
Đại diện Techcombank cũng cho biết ngân hàng này tin tưởng sẽ vượt kế hoạch về lợi nhuận 19.800 tỷ đồng đề ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.
Về tầm nhìn 12 tháng tới, Techcombank kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng vào phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là 2 phân khúc khách hàng trọng tâm chiến lược của ngân hàng này.
Ba lĩnh vực mà Techcombank sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới là ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), lĩnh vực tiện ích và lĩnh vực viễn thông.
Chiến lược 5 năm từ 2021-2025 theo chia sẻ của đại diện Techcombank là tập trung vào nguồn vốn rẻ, đặc biệt là tăng trưởng CASA.
Cụ thể, Techcombank cho hay sẽ cập nhật đổi mới ứng dụng cho dịch vụ mobile banking đối với khách hàng cá nhân, đồng thời ra mắt ứng dụng mobile banking cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong đầu năm 2022.
Techcombank dự kiến cơ cấu lại vốn huy động, không chỉ phụ thuộc vào huy động khách hàng mà sẽ mở rộng sang các nguồn khác như vay nước ngoài, phát hành trái phiếu, để đảm bảo nguồn vốn trung và dài hạn, tối ưu hóa vốn huy động.
Bên cạnh đó, ngân hàng này dự kiến tập trung phát triển mảng khách hàng cá nhân, trong đó đặc biệt là phân khúc cho vay mua nhà. Theo đó, ngoài việc cho vay mua nhà thuộc các dự án, Techcombank dự kiến mở rộng thêm cho vay mua nhà thứ cấp - mảng mà ngân hàng này cho là rất phát triển cũng như nhu cầu khách hàng lớn.
Về khách hàng doanh nghiệp, Techcombank cho biết đã đầu tư vào dự án xây dựng mô hình tín dụng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022, giúp đánh giá tín dụng cho phân khúc khách hàng SME.
Ngân hàng cũng chia sẻ về việc tập trung tăng trưởng về phí, trong đó phí bancassurance là một trong những mục tiêu trọng tâm của Techcombank, bên cạnh các mảng phí khác như phí thẻ, phí phát hành và phân phối trái phiếu,... Ngân hàng cũng cho biết sẽ tiếp tục quản lý chi phí cùng với việc áp dụng điện toán đám mây, đầu tư vào công nghệ để đưa ra những đổi mới về nền tảng.
Một trong những kế hoạch tương lai mà phía Techcombank tiết lộ trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư là mô hình hợp tác với Tập đoàn Masan qua dự án CVLife (convenient life). Mục tiêu của dự án này là mang đến cuộc sống dễ dàng, thuận tiện cho khách hàng thông qua việc tích hợp nhiều tiện ích tại 1 điểm.
Vừa qua vào ngày 16/10, Techcombank đã triển khai thử nghiệm tại TP. HCM về dự án này, trong đó tích hợp 4 tiện ích bao gồm Winmart, Techcombank, Phúc Long và Dược phẩm Phano. Dự án hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm với 3 điểm ở phía bắc và 1 điểm ở phía nam.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.