Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Nhiều ngân hàng Việt bán vốn cho cổ đông ngoại
Sau một thời gian ‘im hơi lặng tiếng’, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều ngân hàng mới báo tin chào đón cổ đông ngoại.
Theo tin của DealStreetAsia (website tin tức tài chính có trụ sở tại Singapore), ngày 11/7, Ngân hàng số Việt Nam Timo đã gọi vốn thành công 10 triệu USD từ các nhà đầu tư từng tham gia rót vốn tại các vòng gọi vốn trước đó.
Trước đó, chuyên trang theo dõi dữ liệu startup CrunchBase cho biết, tính đến trước vòng gọi vốn mới nhất, Ngân hàng số Timo đã gọi vốn thành công 20 triệu USD thông qua vòng gọi vốn Venture Round năm 2022.
Các nhà đầu tư đã rót vốn vào Ngân hàng số Timo là: Jungle Ventures, Kredivo Holdings, Phoenix Holdings, Granite Oak và Square Peg Capital.
Còn nguồn tin từ Reuters cho biết, SHB đang thực hiện các bước chuẩn bị để chào bán 20% vốn cổ phần cho một đối tác chiến lược trong năm nay. Giá trị dự kiến của thỏa thuận có thể nằm trong khoảng từ 2-2,2 tỷ USD. Việc hoàn tất thỏa thuận sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 và cần có sự chấp thuận từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Một số nhà đầu tư tiềm năng từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những cuộc tiếp xúc với SHB. Hiện giá trị vốn hóa thị trường của SHB khoảng 1,7 tỷ USD, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn T&T.
Tuần trước, HĐQT Ngân hàng SeABank đã phê duyệt kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,63% số cổ phần hiện có và hơn 3,7% sau khi hoàn thành phát hành, cho một quỹ đầu tư Na Uy. Việc phát hành này được dự đoán mang về cho SeABank ít nhất hơn 1.200 tỷ đồng.
Sau khi thông báo kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, cổ phiếu của SHB và SeABank liên tục tăng cao và chính thức lọt vào rổ VN30 vào hôm 17/7.
Trước đó, vào tháng 3, VPBank gây xôn xao thị trường khi ký kết thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược được cho là lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, với giá trị 1,5 tỷ USD.
Theo đó, VPBank thoả thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc Tập đoàn tài chính SMFG). Thoả thuận này chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
Nhiều ngân hàng khác vẫn đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đang có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Trong ĐHCĐ vừa qua, BVBank cũng tiết lộ đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để cùng nhau phát triển.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ lâu, nhưng vẫn chưa thực hiện thành công.
Còn "ông lớn" Vietcombank tiết lộ đang lựa chọn cổ đông nước ngoài cho kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, dự kiến trong năm 2023-2024.
Ngân hàng Việt hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Được ví là cổ phiếu “vua” nên nhóm ngân hàng không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất tích cực mua và nắm giữ.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược cho thấy niềm tin rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của ngân hàng Việt. Các chuyên gia dự báo dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt trong thời gian tới. Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN, luôn tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngân hàng Việt Nam.
Cuối tháng 3 vừa qua, NHNN có tờ trình Chính phủ về việc nâng tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc từ 30% lên 49%.
Theo lý giải của NHNN, việc này sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao tăng cường được năng lực tài chính (khi thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài, tăng vốn chủ sở hữu), nâng cao năng lực quản trị điều hành, đổi mới công nghệ..., tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho tổ chức tín dụng được chuyển giao, góp phần thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngân hàng Việt là điều tốt cho các nhà băng nội. Việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng là cần thiết.
Nhiều chuyên gia nhận định, khi được tăng room, ngân hàng sẽ có điều kiện dễ dàng huy động vốn nước ngoài, giúp cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động, cũng như tăng cường chỉ tiêu an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động.
Hơn nữa, lợi ích chiến lược của việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp cung cấp nguồn vốn, mà còn mang đến kinh nghiệm quản trị, điều hành, giúp ngân hàng Việt tiếp cận thị trường, chuẩn mực quốc tế và khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.