LienVietPostBank điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh

An Thơ - 15/08/2018 13:06 (GMT+7)

(VNF) - Không được tăng hạn mức (room) tín dụng, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phải điều chỉnh giảm các chỉ tiêu tổng tài sản, lợi nhuận và cổ tức. Đáng chú ý, khi giảm huy động thị trường 1, ngân hàng đối mặt hy sinh một tỷ lệ khách hàng ruột.

VNF
LienVietPostBank điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh vì bị "mất" 6% dư địa tăng trưởng tín dụng so với mục tiêu

Sáng 15/8, LienVietPostBank công bố thông tin về hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018; một trong những trọng tâm là điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh.

Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống 1.200 tỷ đồng; tổng tài sản từ 190.000 tỷ đồng xuống còn 180.000 tỷ đồng.

Huy động vốn thị trường 1 từ 170.000 tỷ đồng xuống còn 160.000 tỷ đồng và dư nợ thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng. Kéo theo đó, tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%.

Theo giải thích của ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng, lý do đầu tiên dẫn đến việc điều chỉnh chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ thị trường 1 là để tương ứng với “room” tín dụng 14% năm 2018 mà Ngân hàng Nhà nước đã giao từ đầu năm.

“Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank là 25%, cứ nghĩ năm nay có thể tăng 20% nên chúng tôi xây dựng kế hoạch theo tỷ lệ này. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chỉ phê duyệt tăng 14% nên phải điều chỉnh theo”, bà Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc ngân hàng bổ sung.

Lý do thứ hai, cũng theo ông Thắng, trong năm 2018 và 2019, ngân hàng tập trung đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới, ngốn một lượng chi phí rất lớn nhằm phục vụ mục tiêu bán lẻ; trong đó có mục tiêu khai thác tối đa công suất của Ví Việt nên làm giảm mục tiêu lợi nhuận.

Ngoài ra, huy động vốn của LienVietPostBank tăng trưởng rất tốt theo định hướng bán lẻ trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017, với tỷ trọng bán lẻ tăng từ 48% lên 56%. Về mặt tích cực, nguồn vốn trung dài hạn của LienVietPostBank ổn định hơn. Nhưng trong ngắn hạn, chi phí giá vốn tăng cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận ngân hàng trong giai đoạn hiện tại.

Cũng theo ông Thắng, tính từ khi thành lập đến nay, cổ tức chi trả của ngân hàng lên tới 105% nên những nhà đầu tư đã hoà vốn. Hết 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 600 tỷ đồng, theo đó mục tiêu 1.200 tỷ đồng trong năm nay là khả thi.

Hiện tại, ngân hàng cũng đang “ngổn ngang trăm mối tơ vò” khi mà Ví Việt đã triển khai nhưng không làm thế nào để người dùng cho tiền vào Ví. “Muốn cho tiền vào Ví, phải đến ngân hàng để xác thực, Nhà nước chưa cho phép xác thực trực tuyến, chúng tôi chưa biết tính sao”, ông Thắng thổ lộ.

Cùng chuyên mục
Tin khác