LienVietPostBank nhắm đến hoạt động M&A, tham gia tái cơ cấu các TCTD

Minh Tâm - 27/03/2018 08:37 (GMT+7)

(VNF) - HĐQT LienVietPostBank cho biết sẽ nghiên cứu phương án tăng vốn kết hợp với tái cơ cấu cổ đông, trong đó có đối tác nước ngoài. Đồng thời nghiên cứu hoạt động mua bán, sáp nhập; tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

VNF
Năm 2018, LienVietPostBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khá khiêm tốn, chỉ 1.800 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,8% so với năm 2017.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông 2018 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày mai (28/3) – đúng ngày kỷ niệm 10 năm thành lập ngân hàng này.

Theo nội dung tài liệu, năm 2018, LienVietPostBank đặt kế hoạch đạt tổng tài sản 190.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2017. Huy động vốn thị trường 1 kế hoạch đạt 170.000 tỷ đồng, tăng 25,4%.

Dư nợ thị trường 1 theo kế hoạch đạt 123.500 tỷ đồng, tăng 19,8%. HĐQT LienVietPostBank cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang cho phép LienViePostBank tăng trưởng tín dụng 14%, nghĩa là tổng dư nợ được tăng lên là 117.558 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT đặt mục tiêu cao hơn vì sẽ xin NHNN nới room vào thời điểm thích hợp.

Năm 2018, LienVietPostBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khá khiêm tốn, chỉ 1.800 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,8% so với năm 2017.

Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2018 dự kiến là 12%, thấp hơn mức 15% của năm 2017, do ngân hàng vẫn phải tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư hạ tầng và ứng dụng CNTT.

Năm nay, LienVietPostBank đặt mục tiêu phấn đấu đứng trong top 10 NHTM mạnh nhất về tổng tài sản, vốn cấp 1, cấp 2, cho vay khách hàng và lợi nhuận (hiện xếp thứ 11/35 về lợi nhuận và xếp thứ 13/35 về tổng tài sản). Hướng tới quy mô nguồn vốn lên vị trí NHTM cổ phần top 5 Việt Nam.

Về chiến lược, một trong những điểm đáng chú ý nhất là HĐQT LienVietPostBank cho biết sẽ nghiên cứu phương án tăng vốn kết hợp với tái cơ cấu cổ đông, trong đó có đối tác nước ngoài. Đồng thời nghiên cứu hoạt động mua bán, sáp nhập; tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Về hoạt động cho vay, LienVietPostBank cho hay sẽ đẩy mạnh bán lẻ (tỷ trọng bán lẻ của ngân hàng này đã tăng từ 35% năm 2016 lên 42% năm 2017, tập trung vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao); đẩy mạnh cho vay ngắn hạn nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn; đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn có tài sản bảo đảm, cho vay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

HĐQT LienVietPostBank cũng tiết lộ sẽ nghiên cứu phát triển giải pháp công nghệ Ví Việt thành Ngân hàng số và triển khai để trở thành công cụ huy động vốn nhàn rỗi, cho vay tiêu dùng, phát triển tín dụng vi mô online 24/7.

Về hợp tác chiến lược, ngân hàng này cho biết sẽ xây dựng các chính sách, cơ chế chăm sóc đặc biệt để duy trì mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác cũ như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Viễn Thông Quân đội… Cùng với đó là phát triển, mở rộng quan hệ với các đối tác chiến lược mới khác nhằm tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi, các dự án trọng điểm theo hướng ưu tiên của Chính phủ, NHNN…

HĐQT LienVietPostBank dự kiến sẽ trình đại hội đồng cổ đông phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ đồng lên 7.499 tỷ đồng trong ngày mai (28/3).

Cùng chuyên mục
Tin khác