Lo ách tắc đại dự án du lịch: Địa phương và doanh nghiệp tính cách 'lách' luật

Mai An - 19/10/2023 13:59 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia pháp lý BĐS Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, cần thu hồi đất với cả các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần không có chức năng ở. Nếu không cho phép thu hồi đất thì không thể triển khai được các dự án quy mô lớn.

VNF
Hiện cả nước có khoảng 239 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Lo sợ ách tắc vì không thuộc trường hợp thu hồi đất

Trong các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được nêu tại điều 79 dự thảo Luật Đất đai hiện nay vắng bóng các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí thông thường.

Qua ngiên cứu các quy định hiện có, dự thảo và thực tế, các chuyên gia chỉ ra rằng, dự án phải “dính” một phần chức năng ở (không quy định mức độ nào, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm) thì Nhà nước mới được thu hồi đất.

Đây là một vấn đề được thảo luận khá nóng tại Hội thảo khoa học “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch”,.

Chuyên gia pháp lý BĐS Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, cần thu hồi đất với cả các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần (không có chức năng ở), thậm chí trong một số trường hợp loại hình dự án này cần khuyến khích hơn cả các dự án phát triển nhà ở.

Chẳng hạn, tại những địa điểm phù hợp để làm du lịch như ở các địa phương ven biển còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn... thuộc địa bàn cần thu hút đầu tư thì cần ưu tiên thu hồi đất để thực hiện các dự án du lịch trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, thậm chí tạo động lực lan tỏa cho cả vùng, khu vực.

“Thực tế cho thấy, nếu không cho phép thu hồi đất thì không thể triển khai được các dự án quy mô lớn. Ví dụ các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn hàng nghìn hecta, vốn đầu tư vài tỉ USD từ các nhà đầu tư tiềm năng, giàu năng lực. Nếu giữ quy định như dự thảo luật hiện nay thì việc triển khai các dự án du lịch trọng điểm sẽ gặp ách tắc”, ông Đỉnh nói.

Theo ông Đỉnh, để thực hiện các dự án du lịch, vui chơi, giải trí thì địa phương buộc phải “nhét” một phần đất ở (có thể tỷ lệ rất nhỏ) vào trong đồ án quy hoạch của dự án nhằm đáp ứng điều kiện thu hồi đất.

Hình thức “lách” này được cảnh bảo sẽ gây ra hệ lụy là quỹ đất ở không được sử dụng, gây lãng phí nguồn lực; hoặc nếu sử dụng thì sẽ hình thành chức năng ở trong phạm vi dự án du lịch. Việc cư dân sinh sống lâu dài trong dự án đi kèm đó phải có các chức năng giáo dục, y tế, văn hóa hay hạ tầng xã hội khác kèm theo... sẽ làm giảm mức độ sang trọng của một dự án du lịch nghỉ dưỡng, khiến du khách mất thiện cảm.

Bổ sung cơ chế cho thuê, giao đất

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng đồng quan điểm nên bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô hoặc tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo… Việc bổ sung trên có thể giúp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.

Ông Lực nhấn mạnh rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần làm rõ tiêu chí để xác định các dự án lớn, tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như an sinh xã hội.

Ngoài ra, ông Lực cũng cho rằng, nên xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng; từ đó tạo điều kiện để thu hút hơn nữa nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho phân khúc này.

Để tránh lợi dụng quy định pháp luật, ở đây cần “luật hóa” cùng với việc tăng cường chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về quy hoạch, về đầu tư phát triển du lịch, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí và tranh chấp đất đai.

“Tránh tình trạng xin làm dự án du lịch 10ha nhưng chỉ làm một rạp chiếu phim, khu vui chơi… rồi bỏ không 9,5ha còn lại”, ông Lực nói.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), hiện cả nước có khoảng 239 dự án bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, ước tính trị giá dự án condotel khoảng 297.128 tỉ đồng, dự án villa 243.990 tỉ đồng, dự án shophouse khoảng 154.245 tỉ đồng. Tổng trị giá của 3 thứ sản phẩm này khoảng 681.886 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ USD.

Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nóng, những năm gần đây, phân khúc này đã bị chững lại. Thị trường gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác