'Lỗ chổng vó' khi nhận thanh toán bằng CNY

Nguyễn Hoài - 10/09/2018 16:41 (GMT+7)

(VNF) - “Từ đầu năm đến nay, đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá trên 7,5%, ai dại gì nhận CNY, chúng tôi chỉ nhận USD”, một doanh nghiệp xuất khẩu lớn mở tài khoản tại VietinBank nói với VietnamFinance.

VNF
Thanh toán trực tiếp bằng VND và CNY đã có từ năm 1994. (Ảnh sưu tầm)

Ông Ngô Xuân Hải, Trưởng phòng Dịch vụ Kiều hối VietinBank cho VietnamFinance biết: thị phần thanh toán xuất nhập khẩu của ngân hàng này hiện chiếm tỷ trọng 13%/toàn hệ thống, từng được nhiều tổ chức xếp hạng quốc tế thừa nhận là “Ngân hàng có hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu tốt nhất Việt Nam”.

Tỷ trọng thanh toán chính ngạch bằng CNY dưới 1%

Theo ông Hải, trong thanh toán xuất nhập khẩu của VietinBank, thanh toán bằng USD chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 90%), phần còn lại là các ngoại tệ mạnh khác.

Đồng CNY chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ vì chỉ có các giao dịch thanh toán liên quan đến việc mua bán hàng hóa qua biên giới Việt - Trung (hàng hóa được vận chuyển qua đường biên giới trên bộ) của thương nhân và cư dân biên giới mới được thanh toán bằng CNY.

Cùng đó, các giao dịch chính ngạch không qua đường biên giới bắt buộc phải thanh toán bằng USD hoặc các đồng tiền tự do chuyển đổi khác.

Trao đổi thêm vấn đề này với một cán bộ đơn vị chức năng, ông cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc mỗi năm lên tới hàng chục tỷ USD nhưng có tới 99% là ngoại tệ mạnh, chủ yếu là USD; CNY chiếm chưa tới 1%.

Một doanh nghiệp xuất khẩu nói với VietnamFinance: “Từ đầu năm tới nay, đồng CNY mất giá tới 7,5 - 7,6%, chưa kể đây là ngoại tệ không có tính thanh khoản cao, nếu nhận đồng tiền này, chúng tôi lỗ chổng vó. Làm ăn mỗi năm lãi chỉ 10%, đồng CNY mất giá bằng đó thì đóng cửa”.

 “Trên thế giới, tỷ trọng đồng CNY trong thanh toán quốc tế chỉ chiếm 0,57%. Ít ai muốn nhận một đồng tiền mất giá quá nhiều, tính linh hoạt lại thấp. Các đồng tiền thanh toán phổ biến vẫn là USD, Yên Nhật, Euro, bảng Anh”, một cán bộ hoạt động trong lĩnh vực ngoại hối nói thêm với VietnamFinance.

Cũng vì thế, tỷ giá VND/CNY trong quan hệ thương mại Việt - Trung chỉ đóng vai trò tỷ giá tham chiếu; có nghĩa, chúng phải dựa trên tỷ giá của một đồng tiền thứ 3 là USD hoặc một ngoại tệ mạnh khác theo thoả thuận giữa bên mua và bán.

“VietinBank triển khai hoạt động thanh toán biên mậu từ rất sớm (năm 2004), ngân hàng có 5 chi nhánh tham gia thanh toán biên mậu tại các địa điểm: Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang và Cao Bằng.

VietinBank đã ký kết và triển khai hợp tác thanh toán biên mậu với hầu hết các ngân tại các tỉnh biên giới của Trung Quốc (Bank of China , Ngân hàng Công thương trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng  Nông nghiệp Trung Quốc).

Việc phát triển hoạt động thanh toán biên mậu của VietinBank  tạo thuận lợi cho cư dân biên giới và thương nhân hai nước trong việc giao thương, giảm chi phí và các rủi ro trong hoạt động thanh toán của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao lưu và phát triển kinh tế vùng biên giới”.

Nguồn: Ông Ngô Xuân Hải, Trưởng phòng Dịch vụ Kiều hối VietinBank

Không có dự trữ để giải quyết thanh khoản CNY

Qua tìm hiểu của VietnamFinance ở một số ngân hàng thương mại có doanh số xuất nhập khẩu lớn với Trung Quốc và hệ thống dự trữ ngoại tệ tại Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, hầu như không có đồng CNY để xử lý một loạt vấn đề về chuyển đổi và đáp ứng nhu cầu thanh khoản với đồng tiền này.

Thứ nhất, do tâm lý doanh nghiệp không muốn sử dụng đồng CNY, đặc biệt trong thời gian gần đây, khi đồng tiền này bị mất giá do 2 yếu tố: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nới lỏng tiền tệ cứu thanh khoản hệ thống và chiến tranh thương mại với Mỹ.

Thứ hai, tỷ trọng đồng CNY trong hệ thống tổ chức tín dụng rất thấp so với các ngoại tệ chủ chốt khác như USD, Yên Nhật (JPY), EUR, Bảng Anh.

Tương tự, đồng CNY cũng không hiện lên trên bảng thống kê của kho ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Bởi vậy, nếu doanh nghiệp nhận đồng tiền thanh toán là CNY thì bộ 3: ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp không thể giải quyết được vấn đề cân đối thanh khoản, thanh toán bù trừ, cân đối nguồn cho nhau. Nói đơn giản, nếu tổ chức tín dụng nhận thanh toán CNY, chắc chắn không thể giải quyết được đầu ra.

“Ngân hàng Nhà nước có mua vào CNY đâu, không lẽ ngân hàng nhập đồng nhân dân tệ về để xem à?”, một chuyên gia ngoại hối hóm hỉnh nói với VietnamFinance.

Theo vị này, trong xu thế bùng nổ thương mại giữa các quốc gia có chung đường biên giới hoặc quan hệ thương mại gần gũi thì việc thanh toán trực tiếp bằng đồng tiền mỗi nước là một trong những cách để hỗ trợ giao thương ngay tại khu vực đó.

Mở rộng một chút, trong quan hệ với một số nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia hay thậm chí là Nga, Việt Nam và các nước đó đều ký kết các văn kiện cho phép mở ra cơ chế thanh toán như nêu trên.

Theo đó, khi trao đổi thương mại, bắt buộc nhóm đối tượng này phải mở tài khoản ngân hàng và việc trao đổi nhận lại VND (với doanh nghiệp Việt Nam)/nhận lại CNY (với doanh nghiệp Trung Quốc), sẽ giúp cho việc tránh sử dụng một ngoại tệ thứ 3, vừa tốn kém chi phí, vừa phiền hà.

Câu chuyện thanh toán 2 đồng tiền song song VND và CNY thu hút nhiều quan tâm trong thời gian gần đây; đặc biệt là từ 28/8/2018 đến nay, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc nhằm hướng dẫn Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/06/2004 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế của khẩu Việt Nam - Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc thanh toán biên mậu trực tiếp với Trung Quốc tại khu vực biên giới bằng bản tệ mỗi nước đã có từ năm 1994, khi hai nước ký các văn kiện về bình thường hoá quan hệ thương mại. Cơ chế này cũng được mở rộng với hầu hết các quốc gia có chung đường biên với Việt Nam như Lào, Campuchia, thậm chí xa xôi như nước Nga.

Năm 2004, Việt Nam và Trung Quốc cùng triển khai cơ chế thanh toán biên mậu dựa trên cơ sở của Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện tại, Quyết định 689 bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn giao thương hai nước; do đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19 nêu trên. Việc ban hành thông tư này dựa trên Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới hai nước, bao gồm: mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân; mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới và giao trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về thanh toán đối với các hoạt động thương mại biên giới nêu trên.

“Theo tinh thần Thông tư 19, phương thức thanh toán chủ yếu trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân là thanh toán qua ngân hàng với đồng tiền thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi, tiền đồng Việt Nam (VND) và nhân dân tệ (CNY). Trường hợp thương nhân Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định tại Điều 6 Nghị định 14 được nhận thanh toán bằng tiền mặt (VND, CNY) nhưng phải nộp vào ngân hàng trong vòng 7 ngày trên cơ sở xuất trình các chứng từ hợp lệ.

Còn cư dân biên giới và thương nhân kinh doanh, giao dịch tại chợ biên giới được áp dụng phương thức thanh toán qua ngân hàng bằng đồng bản tệ là CNY, VND, và chỉ được phép thanh toán tiền mặt bằng VND, không được thanh toán bằng nhân dân tệ tiền mặt”.

Nguồn: Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước).

 

Cùng chuyên mục
Tin khác