Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ngân hàng là ngành xương sống của nền kinh tế. Có lẽ vì thế mà cổ phiếu ngân hàng chưa năm nào kém "hot". Năm vừa qua, hai cái tên "nổi đình nổi đám" là cổ phiếu VCB của Vietcombank và cổ phiếu BID của BIDV.
Theo thống kê, thị giá VCB đã tăng tới 70% trong năm 2019, trong khi mức tăng thị giá của BID là 39%. Đây đều là mức tăng thuộc hàng mạnh nhất trong nhóm các cổ phiếu bluechip trên thị trường.
Năm 2020, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì vị thế tốt như năm ngoái trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi dư địa gia tăng lợi nhuận vẫn còn nhờ mở rộng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) cũng như gia tăng nguồn thu từ phí (đặc biệt là từ mảng bancassurance - bán bảo hiểm qua ngân hàng), cùng với đó là dư địa giảm tỷ lệ trích lập dự phòng do tình hình nợ xấu tốt lên thấy rõ.
Dưới kỳ vọng ấy, liệu cổ phiếu ngân hàng nào sẽ "hot" trong năm 2020?
Đầu tiên phải kể đến hai trường hợp từng "làm mưa làm gió" trong năm ngoái là VCB và BID.
Trong khi động lực tăng giá của cổ phiếu VCB trong năm nay tiếp tục đến từ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận vượt trội nhờ gia tăng cả nguồn thu tín dụng và phi tín dụng (đặc biệt là từ hợp đồng bancassurance với FWD Group), cùng chất lượng tài sản tốt, thì với BID, động lực tăng giá có thể đến từ kế hoạch bán tiếp 10% cổ phần.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết BIDV đang có kế hoạch phát hành thêm khoảng 10% vốn điều lệ nhằm đưa tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức 65%, bắt đầu ngay từ năm 2020.
Trước đó, BIDV cũng đã hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược là KEB Hana Bank với tỷ lệ sau phát hành là 15% vốn điều lệ.
Cần lưu ý rằng cổ phiếu BID đã tăng rất mạnh trong thời gian trước và sau khi phát hành riêng lẻ thành công cho đối tác Hàn Quốc KEB Hana Bank (tăng gấp đôi kể từ tháng 7/2018). Liệu điều này có thể tiếp tục lặp lại trong đợt bán 10% cổ phần tới? Hay mức giá hiện tại đã phản ánh kỳ vọng cho đợt phát hành tiếp theo này?
Nếu xét trên khía cạnh lợi nhuận, dù triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của BIDV khá sáng trong vài năm tới nhờ sự cải thiện đáng kể về nội lực sau đợt tăng vốn "khủng" vừa qua (và có thể cả đợt tăng vốn sắp tới) nhưng so với các ngân hàng niêm yết khác, kể cả so với VCB, mức định giá hiện tại đối với cổ phiếu BID đang là khá cao.
Nói về định giá, cổ phiếu VPB của VPBank là ứng viên hàng đầu trong danh mục đầu tư năm 2020.
Tính toán cho thấy nếu vốn hóa giữ nguyên, chỉ cần VPBank tích lũy thêm khoảng hơn 6.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nữa là chỉ số P/B của ngân hàng này xuống dưới 1 lần - mức định giá thấp rất hiếm thấy đối với một ngân hàng lớn.
Căn cứ vào mức lợi nhuận sau thuế trên 2.200 tỷ đồng của quý III/2019, để tích lũy được hơn 6.000 tỷ đồng, VPBank chỉ cần giữ lại lợi nhuận sau thuế của 3 quý tới, nghĩa là đến hết quý II/2020.
Ước lượng này phần nào gợi mở một cơ hội đầu tư hiếm thấy.
Tuy nhiên, ở VPBank vẫn còn một câu chuyện khác ngoài định giá, đó là tiềm năng IPO "gà đẻ trứng vàng" FE Credit.
Trong báo cáo "Looking Ahead at 2020" công bố cách đây không lâu, "cá mập" VinaCapital tiết lộ rằng có khả năng VPBank sẽ IPO FE Credit vào năm 2020. "Đây sẽ là chất xúc tác chính cho giá cổ phiếu", VinaCapital nhìn nhận.
Triển vọng lợi nhuận, tăng vốn hay thu nhập bất thường từ thoái vốn sẽ là câu chuyện dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng trong năm 2020?
Một cổ phiếu ngân hàng khác có thể đưa vào danh sách tiềm năng năm nay là MBB.
Từ sau đỉnh thiết lập hồi tháng 4/2018, cổ phiếu MBB đã giảm mạnh tương tự như nhiều cổ phiếu bluechip khác. Tuy nhiên cho đến nay, mặc dù nhiều cổ phiếu bluechip đã tăng giá trở lại thì MBB vẫn "dậm chân tại chỗ" với định giá P/E và P/B đều ở mức khá thấp.
Vài năm trở lại đây, MBB vẫn luôn là "cô gái đẹp" trong làng ngân hàng khi duy trì tăng trưởng lợi nhuận thuộc hàng cao nhất ngành và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì vị thế này trong những năm tới (HĐQT MB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2019 - 2024 ở mức bình quân 20%/năm), cùng với đó, chất lượng tài sản luôn duy trì ở mức an toàn với tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao.
Câu chuyện bán vốn tưởng chừng như sẽ là chất xúc tác cho giá cổ phiếu MBB trong năm 2019 nhưng phút chót, "đâu lại vào đấy". Hiện thành công của đợt bán 7,5% cổ phần vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra, cổ phiếu CTG của VietinBank cũng là cái tên đáng chú ý.
Vướng vấn đề tăng vốn, cổ phiếu này dù "chung mâm" với VCB và BID nhưng đang bị bỏ xa về định giá.
Chính phủ nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng đang rất tha thiết tăng vốn cho VietinBank, tuy nhiên việc sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn hiện đang vướng các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ đang sửa Nghị định 32/2018/NĐ-CP để mở đường rót vốn ngân sách cho các ngân hàng thương mại quốc doanh, dự kiến sẽ nhanh chóng hoàn tất. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần Quốc hội "gật đầu" ban hành nghị quyết mới cho phép dùng tiền ngân sách để tăng vốn cho ngân hàng thương mại quốc doanh. Cũng nghĩa là triển vọng tăng vốn của VietinBank phải tiếp tục ngóng chờ vào các kỳ họp Quốc hội tới.
Một khả năng khác là Chính phủ có thể thí điểm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống dưới 65% tại VietinBank, trước khi chính thức mở đường giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tối thiểu từ mức 65% hiện tại xuống mức 51% tại các ngân hàng thương mại quốc doanh (trừ Agribank) vào năm 2021 theo "Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Nếu một trong hai khả năng trên xảy ra trong năm 2020, hoặc được Quốc hội "gật đầu" tăng vốn, hoặc được thí điểm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, đây sẽ là chất xúc tác mạnh cho giá cổ phiếu CTG.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.