Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2020, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức tương tự năm 2019. Biên lãi ròng sẽ tiếp tục mở rộng một cách có chọn lọc và chi phí dự phòng sẽ được tiết giảm thêm ở một số ngân hàng.
VDSC nhấn mạnh mảng cho vay bán lẻ đang đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng chính ở hầu hết các ngân hàng và dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy tín dụng nói chung trong giai đoạn tới.
Trong 9 tháng năm 2019, cho vay bán lẻ mở rộng mạnh nhất tại VIB, TPBank, ACB và MB.
VPBank và HDBank cũng chứng kiến sự tăng trưởng nhanh trở lại của mảng tài chính tiêu dùng kể từ quý II (với FE Credit) và quý III (với HD Saison).
"Trong điều kiện kinh tế thuận lợi như hiện tại và các dấu hiệu phục hồi gần đây, chúng tôi tin rằng mảng tài chính tiêu dùng sẽ có thể duy trì tăng trưởng tích cực trong năm 2020", chuyên gia của VDSC nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng mở rộng tín dụng bằng việc tăng cường đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, như Techcombank, MB và TPBank.
VDSC tin rằng năm 2020, các ngân hàng tuân thủ Thông tư 41 sẽ duy trì tăng trưởng cho vay năm 2020 tương đương, thậm chí cao hơn với trường hợp của BIDV – ngân hàng mới được công nhận tuân thủ gần đây.
Trong khi đó, VietinBank nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc tăng vốn vào năm tới, do đó tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ còn thấp hơn so với năm 2019.
Năm 2019, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) tiếp tục cải thiện ở nhiều ngân hàng nhờ mở rộng tài chính tiêu dùng (MB), cho vay ô tô và mua nhà (TPBank), tái cơ cấu danh mục đầu tư chứng khoán nợ (Vietcombank) hay đẩy mạnh LDR (Vietcombank, HDB). Các ngân hàng khác có NIM ổn định hoặc giảm nhẹ.
Từ cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, nhiều quy định mới về lãi suất, an toàn vốn, huy động, tài chính tiêu dùng đi vào hiệu lực.
VDSC cho rằng các quy định này sẽ có tác động nhiều chiều đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Cụ thể, quy định về việc giảm lãi suất tiền gửi đối với một số kỳ hạn ngắn và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (từ tháng 11/2019) có thể có tác động trước mắt rất khác nhau, phụ thuộc vào chính sách cụ thể của từng ngân hàng. Dù vậy về lâu dài, do mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất của chính phủ, khả năng mở rộng lợi tức tài sản của các ngân hàng sẽ trở nên hạn chế hơn.
Trong khi đó, các yêu cầu về an toàn vốn mới (theo Thông tư 41/2016-TT-NHNN hoặc Thông tư 22/2019-TT-NHNN) và việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (Thông tư 22/2019-TT- NHNN) đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn về vốn và huy động do đó dự kiến sẽ hạn chế khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng.
"Tác động của các quy định này sẽ mạnh hơn đối với các ngân hàng có bộ đệm vốn mỏng (như VietinBank) hay tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao (như VIB và Techcombank)", chuyên gia của VDSC cho hay.
Bên cạnh đó, việc áp dụng tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) tối đa mới đồng bộ ở mức 85% cho tất cả các ngân hàng (Thông tư 22/2019-TT-NHNN) sẽ cho phép các ngân hàng tư nhân có thêm cơ hội đẩy mạnh tỷ lệ này (so với mức ngưỡng tối đa 80% trước đây) để cải thiện NIM.
Trái lại, việc giảm tỷ lệ LDR tối đa đối với các ngân hàng quốc doanh từ 90% xuống 85% dự kiến sẽ khiến các ngân hàng này phải kiềm chế tín dụng hoặc đẩy mạnh huy động, theo đó làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng.
Quy định quản lý chặt chẽ hơn hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng (Thông tư 18/2019/TT-NHNN) cũng tác động đáng kể lên các ngân hàng sở hữu công ty tài chính tiêu dùng.
Theo đó, thông tư đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng (chỉ áp dụng với các khoản giải ngân trên 20 triệu đồng) về 30% kể từ năm 2024.
VDSC cho rằng tác động của Thông tư 18 sẽ chưa đáng kể trong ngắn hạn, dù trong dài hạn nhiều khả năng sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và biên lãi ròng của các công ty tập trung cho vay tiền mặt như FE Credit và MCredit.
Tựu chung lại, các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hạn chế khả năng mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh (trong đó VietinBank nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất), trong khi tác động tới các ngân hàng tư nhân sẽ là đa chiều do đó sẽ có mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn (ACB và HDBank nhiều khả năng là những ngân hàng ít bị ảnh hưởng nhất).
Đặc biệt, VDSC kỳ vọng rằng các ngân hàng còn khả năng mở rộng tài chính tiêu dùng (MB, HDBank) vẫn có cơ hội cải thiện NIM hơn nữa vào năm 2020. Tuy vậy, cơ hội là cho tất cả các ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng được duy trì tích cực, bởi cho vay vẫn là nguồn thu nhập chính của các ngân hàng, đồng thời, việc mở rộng tín dụng sẽ cho phép các ngân hàng bán chéo sản phẩm (thẻ, thanh toán, bảo hiểm, dịch vụ trái phiếu…), từ đó đẩy mạnh thu nhập dịch vụ.
Ngoài việc bán chéo, thu nhập dịch vụ của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng nhờ lực đẩy từ bancassurance (bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng).
Doanh thu phí mảng Bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng đã tăng rất mạnh với tốc độ bình quân 86% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2018, đưa tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nhập phí Bảo hiểm nhân thọ trong 9 tháng năm 2019 lên 15,8% (và còn đang tiếp tục tăng).
"Chúng tôi tin rằng mảng Bảo hiểm nhân thọ sẽ còn tiếp tục thâm nhập sâu với mức tăng trưởng tốt và đo đó, sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của các ngân hàng trong thời gian tới", VDSC nhấn mạnh.
Với việc thúc đẩy hoạt động bancassurance, trong 9 tháng năm 2019, thu nhập dịch vụ tăng mạnh nhất tại VIB và VPBank, tiếp theo là TPBank, VietinBank và MB. Trong khi đó, BIDV và HDBank có tăng trưởng thu nhập dịch vụ thấp hơn do thiếu động lực thúc đẩy không chỉ trong hoạt động bancassurance, mà trong cả hoạt động thanh toán.
Vietcombank và ACB sẽ là những ngân hàng tiếp theo được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể trong trong thu nhập từ bảo hiểm hàng năm, nhờ các thỏa thuận bancassurance mới được ký kết trong năm 2019 (Vietcombank ký độc quyền với FWD vào tháng 11; ACB ký không độc quyền với Manulife vào tháng 9 và FWD vào tháng 12).
Không giống với xu hướng chung của các ngân hàng khác, thu nhập dịch vụ tại Techcombank đang có mức tăng trưởng khá thấp, do việc áp dụng các chính sách như miễn phí (zero fee) và hoàn tiền không giới hạn.
Xu hướng miễn phí dịch vụ đang dần trở nên phổ biến hơn với sự tham gia của VIB, TPBank và ACB, nhằm hỗ trợ mục tiêu thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) dưới áp lực gia tăng của chi phí vốn.
Dựa trên xu hướng đó, VDSC ước tính rằng trong trung hạn tăng trưởng thu nhập từ thanh toán của nhiều ngân hàng sẽ thấp hơn, mặc dù xu hướng về thanh toán không dùng tiền mặt đang tiếp tục lan rộng.
Mặt khác, các ngân hàng có thể có thêm nguồn tăng thu nhập dịch vụ từ phí bảo lãnh phát hành và phân phối trái phiếu. Về mặt này, Techcombank hiện có lợi thế dẫn đầu về thị phần, nhưng MB và TPBank cũng là những ngân hàng có tiềm năng thúc đẩy hoạt động này.
Về áp lực trích lập dự phòng, VDSC cho hay chất lượng tài sản nội bảng đang có diễn biến khác nhau giữa các ngân hàng.
Cụ thể, do sự tăng trưởng nhanh chóng của cho vay bán lẻ và tiêu dùng gần đây, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng như MB và TPBank đã dần tăng lên. Xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2018 và tiếp tục duy trì trong năm 2019. Do đó, chi phí dự phòng cho nợ nội bảng của các ngân hàng này dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm 2020.
Liên quan đến dư địa cắt giảm chi phí hoạt động, VDSC kỳ vọng xu hướng giảm tỷ trọng chi phí hoạt động trong tổng thu nhập hoạt động (CIR) sẽ tiếp tục vào năm 2020, nhưng mức độ cải thiện dự kiến không đáng kể khi các ngân hàng vẫn cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng số để đáp ứng xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, BIDV có thể sẽ là ngoại lệ khi CIR dự kiến sẽ tăng nhiều trong hai năm tới do việc tập trung nâng cấp hệ thống ngân hàng cốt lõi.
Bất chấp những thách thức trong việc giảm CIR trong thời gian tới, VDSC tin rằng về lâu dài các ngân hàng vẫn sẽ nâng cao được hiệu quả hoạt động, bắt đầu từ các ngân hàng đầu tư mạnh vào quá trình chuyển đổi số, bao gồm VPBank, Techcombank, TPBank và ACB.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.