Tài chính

Lợi nhuận doanh nghiệp bán lẻ: Trông chờ thời điểm khép lại cuộc chiến giá rẻ

(VNF) - Để kích cầu trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp bán lẻ ICT và CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng) đã phải lao vào “cuộc chiến” giảm giá để thúc đẩy doanh thu, qua đó giảm hàng tồn kho và bảo toàn dòng tiền.

Lợi nhuận doanh nghiệp bán lẻ: Trông chờ thời điểm khép lại cuộc chiến giá rẻ

Ảnh minh hoạ

Số liệu từ báo cáo tài chính quý III/2023 cũng cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ ICT và CE đã có sự cải thiện so với hai quý đầu năm, song vẫn là mức thấp so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp được gì sau cuộc chiến giá rẻ?

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) mới đây đã công bố BCTC quý III/2023 với doanh thu 30.287 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, lợi nhuận gộp của công ty giảm 37,2% so với cùng kỳ năm trước do giá vốn tăng, tương ứng giảm 2.749 tỷ đồng, về gần 4.643 tỷ đồng.

Kết quý này, MWG đã thu về 182 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 38,7 tỷ đồng, giảm tới 96% so với cùng năm trước. Lũy kế 9 tháng, MWG ghi nhận doanh thu thuần hơn 86.858 tỷ đồng, giảm 15,5% và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 77,4 tỷ đồng, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, với kết quả kinh doanh quý III chưa có nhiều khởi sắc, cả Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trần Huy Thanh Tùng và Thành viên HĐQT Đoàn Văn Hiểu Em đều không nhận lương trong quý kinh doanh này.

Trong cuộc họp với các nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận lợi nhuận năm 2023 của MWG đã kém đi rất nhiều. Điều này xảy ra do nhiều yếu tố, trong đó, sức mua kém, kinh tế khó khăn và ảnh hưởng từ chiến lược cạnh tranh về giá là những nguyên nhân chủ yếu.

Ngay từ đầu năm, ban lãnh đạo MWG đã nhận thấy trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng rất chú trọng việc thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua những mặt hàng không thiết yếu, trong đó có ICT và CE. Do đó, MWG đã thực thi chiến lược giá cạnh tranh, sẵn sàng bán giá ngang bằng hoặc thấp hơn so với đối thủ.

Ông Tài cũng khẳng định với việc thực hiện chiến lược giá cạnh tranh, thị phần của MWG được phục hồi và chênh lệch doanh thu trong mảng ICT của MWG so với đối thủ đã tăng lên theo từng quý, khoảng cách doanh thu được giãn ra. “Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi đã thu hút được khách hàng quay trở lại với mình”, ông Tài cho hay.

Tuy nhiên, lãnh đạo MWG cũng thừa nhận mặt trái của chiến lược này đã trực tiếp khiến cho kết quả kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.

Tại FRT, sau quý II thua lỗ, kết quả kinh doanh quý III đã có phần khởi sắc khi doanh thu hợp nhất ghi nhận đạt 8.236 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của công ty đạt 1,4 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức mức lỗ 200 tỷ đồng trong quý II/2023.

Trong quý III/2023, doanh thu của chuỗi FPT Shop đạt 4.104 tỷ đồng, tăng 14% so với quý trước đó. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ thị trường bán lẻ chung, doanh thu lũy kế chuỗi FPT Shop 9 tháng đầu năm 2023 đạt mốc 12.222 tỷ, giảm 20% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, FRT đạt 23.160 tỷ doanh thu (xấp xỉ 1 tỷ USD) và tăng 7% so với cùng kỳ. 9 tháng này, công ty vẫn lỗ trước thuế 197 tỷ.

Lý giải về kết quả kinh doanh trên, FRT cho biết, mảng ICT chịu ảnh hưởng kéo dài từ các yếu tố bất lợi của thị trường chung kể từ đầu năm nay, người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu, thắt chặt tiêu dùng đối với các hàng hoá không thiết yếu và giá trị cao như điện thoại, laptop...

Do đó, doanh thu mảng ICT của công ty giảm đáng kể (tương đương giảm 21% trong quý III/2023). Ngoài ra, tình hình cạnh tranh về giá giữa các nhà bán lẻ diễn ra mạnh trên thị trường dẫn đến lợi nhuận công ty không đạt kỳ vọng và ghi nhận lỗ 69 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng lẻ.

Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld, HoSE: DGW) cũng cho biết doanh thu quý III của doanh nghiệp giảm 10,7% so với cùng kỳ, do thực hiện nhiều chương trình chiết khấu giảm giá bán. Lợi nhuận sau thuế quý này của công ty giảm 43,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý này, hai ngành hàng tăng trưởng mạnh mẽ là laptop tăng 79% và thiết bị văn phòng tăng trưởng 25%, tuy nhiên điện thoại di động lại sụt giảm 19%.

Kết thúc 9 tháng của năm 2023, DGW đạt 13.968 tỷ đồng doanh thu và 256 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 22% về doanh thu và giảm 50% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo lãnh đạo DGW, khi thị trường khó khăn, công ty phải tăng khuyến mại nên chi phí bán hàng tăng. Trong quý III, tỷ lệ chi phí hỗ trợ bán hàng chiếm 4% tổng doanh thu, tăng so với các quý khác (trung bình đạt 3,2%). Chi phí tăng nên biên lợi nhuận gộp của DGW giảm.

“Thị trường thiết bị công nghệ cạnh tranh gay gắt nên DGW cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, công ty không bán hàng trực tiếp như các nhà bán lẻ vì mô hình kinh doanh khác, không có sức ép về chi phí cố định như thuê mặt bằng, nhân viên nên không phải bắt buộc bán hàng và lỗ, ảnh hưởng không nghiêm trọng như nhà bán lẻ khác”, lãnh đạo DGW bày tỏ.

Chiến dịch giá rẻ sẽ sớm kết thúc?

Nêu mặt tích cực của chiến lược giá rẻ, theo ông Tài, MWG tuy mất lợi nhuận do cạnh tranh về giá nhưng đổi lại được nhiều thứ, có thể dễ dàng nhận thấy nhất là thị phần. Ông Tài cho biết, doanh thu chênh lệch trong mảng ICT giữa công ty và đối thủ tăng trở lại với mức giãn ra khoảng 2.000 tỷ đồng sau quý III vừa qua. Khả năng thu hút được khách hàng và gia tăng doanh số đang củng cố sự đúng đắn của chiến lược này.

Ban lãnh đạo MWG cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược giá rẻ nhưng sẽ có điều chỉnh. Công ty sẽ phối hợp chặt với các hãng để đem đến những sản phẩm vượt trội hơn, độc quyền, giá cạnh tranh hơn và các sản phẩm vệ tinh như phụ kiện, gia dụng. “Với sự tiếp sức từ hãng, MWG vẫn sẽ sống khoẻ”, ông Tài nói.

Về phía ban lãnh đạo FRT, đơn vị này cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt về giá sẽ giảm bớt sau khi các công ty lớn giảm lượng hàng tồn kho. Tuy nhiên, FRT cũng thẳng thắn chỉ ra biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ ICT sẽ khó quay trở lại mức 2021-2022, thời điểm nhu cầu về máy tính xách tay cao bất thường.

Nói về cuộc chiến giá rẻ đang diễn ra trong lĩnh vực bán lẻ, lãnh đạo DGW cho rằng: “Cuộc đua về giá không bao giờ là cuộc đua dài hạn, đó chỉ ngắn hạn vì không ai đi kinh doanh mà chịu lỗ mãi. Cuộc đua này có thể kéo dài đến cuối năm 2024 mới hết nhưng mức độ cạnh tranh đang giảm dần, không khốc liệt như hồi tháng 4 và tháng 5/2023”.

Ở góc nhìn của giới phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, áp lực cạnh tranh giá có thể được nới lỏng khi nhu cầu cải thiện vào mùa cao điểm, trong đó có mùa mua sắm cuối năm hay các sản phẩm mới được ra mắt nhằm phục vụ nhu cầu dịp Tết.

Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) thì nhận định FRT, MWG, DGW,… đều có những thế mạnh riêng để tăng trưởng. Trong đó, FRT được đánh giá dẫn đầu trong cuộc đua chuỗi nhà thuốc, tận dụng cơ hội khi các đối thủ đang cần tái cấu trúc để tăng quy mô. MWG giành được thị phần phân khúc cao cấp sau cuộc chiến giá trên thị trường ICT. Trong khi đó, DGW chọn tăng doanh thu từ những sản phẩm phân khúc thấp và đa dạng hóa sản phẩm.

Tin mới lên