Lợi nhuận ngân hàng mẹ VPBank năm 2021 đạt gần 38.000 tỷ, gấp hơn 4 lần năm 2020

Minh Tâm - 27/01/2022 19:18 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2021, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ VPBank đạt gần 38.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với năm 2020. Trong đó, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng mẹ là gần 14.011 tỷ đồng, tăng 50,6% so với năm 2020.

VNF
Lợi nhuận ngân hàng mẹ VPBank năm 2021 đạt gần 38.000 tỷ, gấp hơn 4 lần năm 2020

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB), kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VPBank đạt gần 548 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 9,1% so với năm 2020 và đạt hơn 323 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 44.301 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí hoạt động của VPBank trong năm 2021 đã giảm xấp xỉ 6% so với một năm trước. Chỉ số chi phí hoạt động/tổng thu nhập hoạt động (CIR) giảm từ 29,2% cuối năm 2020 xuống 24,2% cuối năm 2021.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,58% và tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ chỉ ở mức 1,51%, tính theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong cả năm qua đạt hơn 3.200 tỷ, tăng 54,5% so với 2020.

Chốt năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank trong năm 2021 tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14.580 tỷ đồng. Ước tính, VPBank đã giảm gần 1.000 tỷ đồng lãi suất cho hơn 275 nghìn khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng dành ra hơn 500 tỷ đồng ủng hộ cho các hoạt động phòng chống Covid-19 của Chính phủ.

Trong cả năm 2021, hoạt động kinh doanh của FE Credit bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, ngân hàng mẹ VPBank đã có một sự bứt phá mạnh mẽ. Kết thúc năm 2021, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ ghi nhận gần 38.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2020. Trong đó, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công con đóng góp 24.000 tỷ đồng lợi nhuận, riêng ghi nhận từ thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit, thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam là 20.352 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng mẹ là gần 14.011 tỷ đồng, tăng 50,6% so với năm 2020.

Kết quả trên có được là nhờ tăng trưởng tín dụng đạt tới 20,2% trong năm qua, cao hơn nhiều so với mức 13% trung bình toàn ngành. Các phân khúc chiến lược gồm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng tới 33%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 3.650 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 19% so với cùng kỳ, góp phần giảm sự phụ thuộc của ngân hàng vào nguồn thu từ lãi.

VPBank cũng ghi nhận sự bứt phá trong thu hút lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tỷ trọng CASA chiếm tới 23% tổng huy động của toàn ngân hàng. Đây là tỷ trọng cao đáng kể và có sự tăng trưởng mạnh nếu so với mức 13,5% trong năm 2019 và 15,8% trong năm 2020. CASA cao được nhìn nhận là một trong những yếu tố hỗ trợ ngân hàng giảm chi phí vốn và tăng trưởng hiệu quả.

Thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại FE Credit đã mang về cho VPBank một lượng vốn đáng kể, giúp ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu lên gần 86.500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng đã cải thiện đáng kể độ an toàn vốn và củng cố nền tảng vững chắc cho VPBank. Hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank đạt hơn 14,2%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% trong năm 2020.

Cùng chuyên mục
Tin khác