Lợi nhuận quý III của nhiều ngân hàng được dự báo tăng trưởng 50-100%

Hải Đường - 11/10/2022 14:20 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận quý III của 10 ngân hàng trong phạm vi theo dõi sẽ tăng trưởng từ 2 đến 3 chữ số.

VNF
Lợi nhuận quý III của nhiều ngân hàng được dự báo tăng trưởng từ 50-100% nhờ hoạt động tín dụng

Lợi nhuận quý III của nhiều ngân hàng được dự báo tăng trưởng từ 50-100% nhờ hoạt động tín dụng

10 trong số 26 doanh nghiệp mà SSI theo dõi là các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong đó, công ty chứng khoán này dự báo cả 10 ngân hàng này sẽ đạt được tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý III với động lực chủ yếu là tăng trưởng tín dụng (hoạt động cốt lõi).

BIDV là ngân hàng được dự báo đạt được tăng trưởng lợi nhuận quý III cao nhất (trong số 10 ngân hàng mà SSI theo dõi) với mức tăng trưởng là 120%, tương đương lợi nhuận trước thuế là 6.000 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này được thúc đẩy bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động lần lượt là 10,5% và 2% so với thời điểm đầu năm và NIM ổn định so với quý trước.

Cùng với BIDV, VIB là 1 trong 2 ngân hàng được dự báo đạt được tăng trưởng lợi nhuận 3 chữ số, cụ thể là 100%. Theo đó, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng trong quý III, hoàn thành 74% kế hoạch ĐHCĐ đề ra.

Tổng dư nợ tín dụng của VIB có thể tăng khaongr 11,8% so với đầu năm, đạt khoảng 228.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng trong quý III, SSI cho rằng số tiền gửi khách hàng của VIB giảm 2,6% so với quý trước xuống gần 192.000 tỷ đồng.

Ở nhóm tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong số 10 ngân hàng mà SSI theo dõi, ACB dẫn đầu với mức độ tăng trưởng là 80 – 87%, tương đương lợi nhuận trước thuế có thể ghi nhận 4.700 – 4.900 tỷ đồng. SSI kỳ vọng dư nợ cho vay và số dư tiền gửi tại ACB sẽ tăng nhẹ so với quý trước do hạn mức tín dụng mới được Ngân hàng Nhà nước cấp từ đầu tháng 9. Nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%, trong khi dư nợ các khoản vay tái cơ cấu lại có xu hướng giảm.

3 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 50% trong danh sách theo dõi của SSI là MB, TPBank và VPBank. Cụ thể, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của VPBank sẽ tăng 55 – 65% trong quý III, tương đương con số có thể ghi nhận là 4.200 – 4.500 tỷ đồng. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi NIM của ngân hàng mẹ được cải thiện so với cùng kỳ và chất lượng tín dụng được kiểm soát.

Lợi nhuận trước thuế của MB dự kiến trong 9 tháng đạt khoảng 18 – 18.500 tỷ đồng, tương đương tăng 50 – 60% so với cùng kỳ. Theo tính toán của VietnamFinance, trừ đi lợi nhuận 6 tháng đầu năm, MB có thể ghi nhận khoảng 6.100 – 6.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III, tăng trưởng đạt 56 – 69% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động của MB được dự báo lần lượt đạt 17% và 8% so với đầu năm tại thời điểm cuối tháng 9. NIM trong 8 tháng đầu năm cải thiện khoảng 20 bps, nhưng có thể giảm nhẹ vào tháng 9 sau khi NHNN nâng các lãi suất chính sách và lãi suất huy động tiếp tục leo thang.

SSI dự báo TPBank ước tính đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hạn chế, SSI cho rằng NIM và tỷ lệ nợ xấu của TPBank sẽ phần nào chịu áp lực trong giai đoạn này.

Các ngân hàng còn lại trong danh sách theo dõi của SSI là MSB (tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 40% trong quý III), HDBank (47%), Vietcombank (29 – 33%) và Techcombank (20 – 25%).

Lợi nhuận sau thuế HPG giảm 80% trong quý III

Ngoài nhóm ngân hàng, 26 doanh nghiệp trong danh sách theo dõi của SSI còn có các ngành như bán lẻ, nguyên vật liệu, hàng không, vận tải, xây dựng, dệt may,…

Đại diện cho nhóm bán lẻ là PNJ và DGW. Trong đó doanh thu thuần quý III của PNJ dự kiến đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 725% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt 238 tỷ đồng (quý 3/2021 lỗ 160 tỷ đồng). Theo SSI, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh do nhu cầu vàng trang sức vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát, trong khi kết quả kinh doanh quý III năm ngoái chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Về DGW, lợi nhuận quý III/2022 dự kiến sẽ tăng lên 200 tỷ đồng, tăng 87% so với mức nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm ngoái khi lợi nhuận của DGW chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội. Lợi nhuận ròng quý III/2022 tăng 45% so với quý II/2022, nhờ doanh thu bán máy tính xách tay cao hơn.

Nhóm cảng biển và vận tải gồm 3 đại diện là HAH, GMD và PVT. Trong quý III/2022, SSI ước tính lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ HAH đạt 220 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ và giảm 8% so với quý trước. Mặc dù tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước tiếp tục mạnh mẽ, SSI cho rằng giá cước vận tải đã giảm 5 - 10% so với mức đỉnh làm lợi nhuận giảm nhẹ so với quý II/2022.

Về GMD, SSI kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý III/2022 của doanh nghiệp này sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định (ít nhất đạt mức 30% so với cùng kỳ), nhờ đóng góp từ cảng Gemalink, do tăng trưởng sản lượng vẫn cao trong năm đầu tiên đi vào hoạt động chính thức.

Doanh nghiệp cuối trong nhóm cảng biển, vận tải là PVT sẽ ghi nhận 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2022, tăng 62% so với cùng kỳ, do giá cước tàu chở dầu cao hơn và hiệu ứng nền so sánh thấp từ năm ngoái.

Hai đại diện của nhóm hàng không là ACV và AST. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của ACV được kỳ vọng đạt khoảng 1.400 tỷ đồng trong quý III/2022, so với mức lỗ trước thuế là 888 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021, nhưng thấp hơn lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng trong quý II/2022.

Theo SSI, sở dĩ có sự cải thiện như vậy so với cùng kỳ là do năm ngoái, Việt Nam đã triển khai các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại các thành phố trọng điểm, trong khi quý III/2022 nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn. Trong quý này, doanh nghiệp không thu được nhiều lợi nhuận từ việc đồng JPY giảm giá, trong khi quý II/2022 đã ghi nhận 1.500 tỷ đồng.

AST được kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý III/2022 có thể đạt hơn 20 tỷ đồng (so với mức lỗ kỷ lục 43,5 tỷ đồng cùng kỳnăm 2021), đưa lợi nhuận trước thuế lũy kế trở lại mức dương trong 3 quý đầu năm 2022. Theo SSI, điều này được lý giải bởi sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không trong nước trong mùa cao điểm quý III, trong khi thị trường quốc tế vẫn yếu.

Nhóm nguyên vật liệu gồm các đại diện là DGC, DPM, GAS và HPG. Trong đó, SSI dự báo lợi nhuận sau thuế quý III của DGC đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ nhờ giá bán tăng trên tất cả sản phẩm. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này giảm so với mức đỉnh hình thành trong quý II/2022 (1.900 tỷ đồng)

Tương tự, lợi nhuận sau thuế của DPM cũng tăng trưởng so với cùng kỳ và giảm so với quý trước. Cụ thể, ước tính lợi nhuận của DPM đạt 1.000 tỷ đồng trong quý III, tăng 60% so với cùng kỳ nhờ giá urê trên thị trường cao. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng trong quý III/2022 giảm 22% so với quý trước do sản lượng tiêu thụ giảm và giá bán bình quân thấp hơn.

Về phía GAS, theo ước của ban lãnh đạo, trong ba quý đầu năm 2022, GAS dự kiến đạt 76.500 tỷ đồng doanh thu (tăng 30% so với cùng kỳ) và 14.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 61,8% so với cùng kỳ). Theo SSI, điều này có nghĩa là tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý III dự kiến đạt 5%. Công ty chứng khoán này kỳ vọng kết quả kinh doanh thực tế của GAS có thể tích cực hơn.

Đáng chú ý, trong nhóm nguyên vật liệu, HPG là doanh nghiệp duy nhất có lợi nhuận sau thuế quý III dự báo tăng trưởng âm. Cụ thể, SSI ước tính lợi nhuận sau thuế quý III của HPG vào khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh cùng kỳ. Sự sụt giảm của lợi nhuận trong quý này so với cùng kỳ năm ngoái là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do đồng VND giảm giá 2,5% so với USD.

Một doanh nghiệp khác trong danh sách theo dõi của SSI cũng được dự báo tăng trưởng âm lợi nhuận là PVS. Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng PVS sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 35% so với cùng kỳ do chi phí đầu vào tăng và tỷ suất lợi nhuận thấp trong năm 2022.

Các doanh nghiệp khác trong danh sách theo dõi của SSI còn có STK, FPT, CTR, ANV. Trong đó STK dự kiến đạt lợi nhuận ròng 65 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và giảm 6% so với quý trước. Lợi nhuận trước thuế quý III của FPT dự kiến tăng 23%, được dẫn dắt bởi mảng công nghệ.

CTR có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hơn 30% trong quý III, được đóng góp bởi tỷ trọng cao hơn từ mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông.

Về phía ANV, lợi nhuận sau thuế dự kiến của doanh nghiêp này là 1.200 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ gần 13.000 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

Cùng chuyên mục
Tin khác