Ngân hàng

Lợi nhuận vạn tỷ của 6 ngân hàng niêm yết đến từ đâu?

(VNF) - Năm 2019, ngành ngân hàng Việt Nam ghi nhận 7 ngân hàng thương mại có lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có 6 ngân hàng đang niêm yết gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, VPBank và MB.

Lợi nhuận vạn tỷ của 6 ngân hàng niêm yết đến từ đâu?

Lợi nhuận vạn tỷ của 6 ngân hàng niêm yết đến từ đâu?

Trong số 6 ngân hàng này thì Vietcombank là quán quân với lợi nhuận trước thuế lên đến trên 23.100 tỷ đồng. Á quân gọi tên Techcombank với lợi nhuận trên 12.800 tỷ đồng. Xếp sau là các ngân hàng VietinBank, BIDV, VPBank và MB với lợi nhuận lần lượt trên 11.700 tỷ đồng, 10.800 tỷ đồng, 10.300 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng.

Xét về tăng trưởng lợi nhuận, VietinBank đứng đầu với mức tăng 75%. Tuy nhiên, đây là một trường hợp đặc biệt vì nền lợi nhuận năm 2018 thấp đột ngột. Nếu tính bình quân 2 năm thì mức tăng trưởng chỉ 14%/năm.

Có thể nói, quán quân tăng trưởng lợi nhuận thực thụ năm 2019 thuộc về MB với mức tăng 29,2% so với năm 2018. Kế đến là Vietcombank với 26,6%, Techcombank với 20,4%, BIDV với 14,8% và VPBank với 12,3%.

Về cấu phần lợi nhuận, tín dụng - đầu tư vẫn là mảng đem về lợi nhuận áp đảo.

Năm 2019, thu nhập lãi thuần từ mảng tín dụng - đầu tư chiếm tới 83,9% tổng thu nhập hoạt động của VPBank. VietinBank cũng phụ thuộc lớn vào mảng này với tỷ trọng 81,9%.

Bớt phụ thuộc hơn là Vietcombank, BIDV và MB với tỷ trọng lần lượt 75,6%, 74,7% và 73%.

Techcombank là ngân hàng ít phụ thuộc vào mảng tín dụng - đầu tư nhất với tỷ trọng chỉ 67,7%.

Tuy nhiên, "bảng xếp hạng" sự phụ thuộc trên sẽ có xáo trộn nhất định nếu tính cả thu nhập từ các khoản nợ đã đưa ra ngoại bảng bằng dự phòng. Về bản chất, đây vẫn là nguồn thu từ hoạt động tín dụng.

Nhìn chung, nếu tính cả thu nhập từ nợ ngoại bảng, mảng tín dụng - đầu tư vẫn đem về trên 80% thu nhập hoạt động cho các ngân hàng kể trên, ngoại trừ Techcombank.

Ngược lại, Techcombank là ngân hàng có tỷ trọng nguồn thu phi tín dụng cao nhất. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động phi tín dụng (sau khi loại trừ lãi thuần từ hoạt động khác - phần lớn là thu nhập từ nợ ngoại bảng) của Techcombank chiếm đến 23,7% tổng thu nhập hoạt động.

MB cũng khá tích cực khi đạt tỷ trọng 18,5%. Tiếp đó là Vietcombank với 17,7%, VietinBank với 14,4%, BIDV với 13,9% và VPBank với 10,6%.

Cấu phần tổng thu nhập hoạt động năm 2019 của 6 ngân hàng niêm yết có lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng

Các nguồn thu hình thành nên tổng thu nhập hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi nhuận, nhưng vẫn còn hai yếu tố khác cũng tác động mạnh: chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Với 6 ngân hàng top đầu này, chi phí hoạt động chỉ "ngốn" chưa đầy 40% tổng thu nhập hoạt động (đa phần các ngân hàng khác cao hơn mức 40%).

Tối ưu nhất là trường hợp của VPBank khi chi phí hoạt động bào mòn 33,9% tổng thu nhập hoạt động năm 2019. Tỷ lệ này ở Vietcombank là 34,6%, Techcombank là 34,7%, BIDV là 35,9%, VietinBank và 38,8% và MB là 39,4%.

Nếu như chi phí hoạt động bào mòn tổng thu nhập hoạt động một tỷ trọng tương đối giống nhau giữa 6 ngân hàng thì chi phí dự phòng lại bào mòn tổng thu nhập hoạt động một tỷ trọng rất khác nhau.

Trong khi với Techcombank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ "ngốn" 4,4% tổng thu nhập hoạt động thì với Vietcombank, tỷ trọng này ở mức cao hơn đáng kể: 14,8%.

Tỷ trọng còn cao hơn nữa ở MB với 19,8%, VietinBank với 32,1%, VPBank với 37,6% và BIDV với 41,5%.

Tỷ trọng này cao một mặt phản ánh ngân hàng đang phải dành nhiều nguồn lực để xử lý nợ xấu tồn đọng, mặt khác phản ánh danh mục kinh doanh ưa rủi ro của ngân hàng. Tuy vậy, tỷ trọng này quá thấp không hẳn là tốt bởi nó đồng nghĩa rằng ngân hàng đang tiến gần đến ngưỡng tối thiểu về chi phí dự phòng rủi ro, nghĩa là dư địa giảm chi phí dự phòng thấp và khả năng tăng dự phòng cao trong tương lai, có thể tác động đáng kể đến tăng trưởng lợi nhuận.

Tin mới lên