Lợi thế FTA: Doanh nghiệp FDI tận dụng tốt, DN nội còn hạn chế
(VNF) - Đại diện Bộ Công thương cho rằng, DN nội khai thác tận dụng các FTA còn khiêm tốn, cần có được một chương trình hỗ trợ dành riêng cho từng FTA.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các chính sách hỗ trợ và triển khai nhiều hoạt động truyền thông giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa các FTA.
Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường FTA còn khiêm tốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI lại tận dụng được tốt các FTA, còn doanh nghiệp nội, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tận dụng các cơ hội từ các FTA này còn tương đối hạn chế.
Vietnamfinance trao đổi với ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, xung quanh vấn đề này.
Chính sách xúc tiến thương mại là phổ biến nhất
Thưa ông, trong kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA có đề xuất việc phải xây dựng các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng các FTA. Từ góc độ cơ quan theo dõi việc thực thi các FTA, ông đánh giá như thế nào về việc xây dựng các chương trình hỗ trợ này?
Ông Ngô Chung Khanh: Hàng năm chúng tôi có đề nghị các bộ, ngành, các địa phương gửi báo cáo về tình hình thực thi FTA. Một trong những điểm quan trọng trong báo cáo của các Bộ, ngành và các địa có nội dung về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực thi hay tận dụng FTA như thế nào.
Thực tế, sau khi phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Chính phủ cũng đã ban hành một kế hoạch thực thi của Chính phủ và sau đó thì EVFTA, UKVFTA, RCEP đều có kế hoạch thực thi.
Trong những kế hoạch thực thi, một trong những cấu phần quan trọng đó là xây dựng các chương trình hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Chúng tôi nhận thấy các biện pháp hỗ trợ dành cho doanh nghiệp rất đa dạng. Với các Bộ, ngành đó là các chính sách; với địa phương có các biện pháp hay, có những chính sách mang tính chất địa phương hỗ trợ.
Nhìn chung, chính sách xúc tiến thương mại là phổ biến nhất. Từ góc độ của Bộ Công Thương hay các bộ, ngành hay địa phương đều hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kể cả online, offline, đặc biệt qua thời kì Covid-19, các sáng kiến như xúc tiến qua online rất tốt.
Nhóm thứ 2 là các hỗ trợ liên quan đến kết nối với các doanh nghiệp FDI. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch thực thi. Nhiều tỉnh thành có những sáng kiến và kết nối với các doanh nghiệp châu Âu, với các doanh nghiệp ở khu vực CPTPP để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được sâu hơn vào chuỗi giá trị chuỗi cung ứng của họ.
Ngoài ra, còn có các biện pháp hỗ trợ liên quan đến khoa học công nghệ như hỗ trợ tiếp cận công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ về quản trị hay kể cả hỗ trợ tín dụng.
Tôi nghĩ rằng, về tổng thể, các biện pháp hỗ trợ khá đa dạng và bao trùm lên rất nhiều ngành nghề. Trong đó có những ngành hàng chúng ta đang xuất khẩu và những ngành hàng chúng ta đang nhập khẩu.
Theo ông việc xây dựng các chương trình hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA có những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Ngô Chung Khanh: Trong các cam kết FTA, ví dụ như CPTPP, có một chương riêng về doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tức là khi đàm phán, các nước cũng đã quan tâm đến việc làm thế nào để tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là thuận lợi đầu tiên khi chúng ra có một cam kết quốc tế hướng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa - Chiếm 98% tổng số DN của Việt Nam.
Thuận lợi thứ 2 là, không chỉ các chính sách vĩ mô mà chính trong kế hoạch thực thi FTA, Chính phủ cũng đã quy định rõ phải có các biện pháp hỗ trợ để cho doanh nghiệp tận dụng FTA.
Thứ 3 là, hỗ trợ doanh nghiệp đã trở thành một xu hướng trong suy nghĩ của Chính phủ hay của các cơ quan Bộ ngành, hiệp hội.
Còn về thách thức, đầu tiên là những hỗ trợ bằng tiền. Hỗ trợ của chúng ta không quá nhiều, còn tản mác, chưa nhất quán với nhau. Nút thắt của chúng ta là làm thế nào để thống nhất được các nguồn lực, để trở thành một nguồn lực thống nhất nhằm tận dụng hiệu quả hơn.
Khó khăn thứ 2 là tính nhất quán từ trung ương xuống địa phương. Bởi thực tế, nhiều địa phương có hỗ trợ rất đa dạng nhưng cần làm thế nào để các biện pháp hỗ trợ không bị trùng lắp, không bị chồng chéo và phải kết hợp được với nhau. Trung ương với địa phương phải kết hợp được.
Điểm cuối cùng tối trăn trở là làm sao để chúng ta có được một chương trình dành riêng cho các FTA. Bởi các biện pháp hỗ trợ chủ yếu là hỗ trợ chung cho tất cả doanh nghiệp, dù đó là doanh nghiệp xuất khẩu hay doanh nghiệp nhập khẩu. Tức là, chúng ta không định hướng đó là hỗ trợ vào EU hay hỗ trợ vào CPTPP, chúng ta chưa định hướng như thế!.
Vì thế, nếu bây giờ chúng ta muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả tận dụng FTA, thì nên chăng phải giải quyết được những nút thắt nêu trên.
Nên xây dựng hỗ trợ theo từng hiệp định
Vậy, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy để tiếp cận các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA như thế nào? Về phía các cấp, ngành, địa phương thì cũng cần có những cách thức thay đổi, xây dựng các chương trình hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, tập trung các FTA ra sao, thưa ông?
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể thiếu tính chủ động từ doanh nghiệp, họ cần phải nâng cao nhận thức, tìm hiểu về các thị trường, phải chủ động nắm bắt xem các thị trường đó yêu cầu gì.
Còn về phía các bộ, ngành hay các địa phương thì tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ về một chương trình hỗ trợ dành riêng cho các FTA, cho từng thị trường.
Hiện chúng ta có chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và có các gói tín dụng xanh, tín dụng số. Tuy nhiên, tôi mong muốn, có thể phối hợp để xây dựng chi tiết hơn cho từng hiệp định. Điều này sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa được các nguồn lực.
Còn riêng với Bộ Công thương, hiện nay chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng đã đồng ý giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA.
Tư duy của hệ sinh thái này chính là kết nối tất cả các chủ thể có liên quan từ chuỗi giá trị. Chẳng hạn như ngành thủy sản, hệ sinh thái sẽ kết nối từ người nông dân, nuôi trồng thủy sản đến các công ty thu mua, công ty chế biến, kết nối với các tổ chức tín dụng, logistics, kết nối với địa phương, kết nối với bộ, ngành trong một platform.
Một nền tảng như vậy, sẽ có những đơn vị vận hành để các ý tưởng, các kế hoạch thực thi hàng ngày.
Hiện nay sẽ tập trung trước mắt vào 6 ngành, gồm: dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, quế và điều. Chúng tôi đang triển khai các buổi tọa đàm tại các tỉnh, thành để lấy ý kiến các hiệp hội, các địa phương, các cơ quan có liên quan và mục tiêu chúng ta đưa hết tất cả các chủ thể và tận dụng tối đa sức mạnh của các chủ thể để từ đó thì chúng ta sẽ có được các định hướng trọng tâm để tận dụng tối đa các FTA.
Chúng tôi cũng rất kỳ vọng, nếu có thể triển khai thành công, dự kiến tháng 9/2025 có thể đi vào cuộc sống. Lúc đấy những mong đợi và những vấn đề vướng mắc cũng có thể phần nào được giải quyết.
Xin cảm ơn ông!
Lợi thế FTA đưa cà phê Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường khó tính
- FTA Index: Kỳ vọng về chỉ số hội nhập thương mại cấp tỉnh thành 24/10/2024 11:44
- Tận dụng FTA: Năm vấn đề lớn của thủy sản Việt Nam 24/10/2024 11:40
- 30 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD: Hiện thực hóa những kỳ vọng với FTA 19/10/2024 01:41
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.