'Luật Đất đai sửa đổi cần giải quyết chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định khác về đất đai'

Tuệ Lâm - 16/09/2022 11:10 (GMT+7)

(VNF) - Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần khắc phục các vướng mắc được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, giải quyết vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật khác với pháp luật về đất đai.

VNF
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Ngày 16/9, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp thường trực Ủy ban Kinh tế mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thực hiện Nghị quyết số 50 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.

Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần thứ 4 (tháng 10/2022), cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp lần thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 (tháng 10/2023). Theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế là đơn vị chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng đất, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18 của hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần khắc phục các vướng mắc được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, giải quyết vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật khác với pháp luật về đất đai, tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý, sử dụng đất.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ, trình bày tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai gợi ý thảo luận, đại diện hội đồng dân tộc và các Ủy ban, các đại biểu thành viên Ủy ban Kinh tế, các chuyên gia, khách mời tham dự cuộc họp đã cho ý kiến thảo luận về các nội dung liên quan.

Nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, mang tính xây dựng được nêu ra tại phiên họp sẽ là cơ sở để Thường trực Ủy ban Kinh tế nghiên cứu, tiếp thu để xây dựng báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XV.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.