‘Luật Đầu tư sửa đổi phải khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng’

Cẩm Thư - 15/10/2019 12:58 (GMT+7)

(VNF) - Góp ý cho Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: “Có rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đất đai, xây dựng bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp”.

VNF
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, VCCI.

Tại hội thảo góp ý cho Dự Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ông Đậu Anh Tuấn đưa ra 20 ví dụ điển hình về xung đột về các bộ luật, thông tư như: Luật Nhà ở tại Điều 171.2: yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong Hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhưng Luật Đầu tư tại Điều 33: quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…

“Ngoài 20 ví dụ điển hình, tôi tin rằng có thể tìm được rất nhiều trường hợp chồng chéo khác”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

“Riêng Luật Đầu tư lần này, nếu khắc phục được tình trạng chồng chéo sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Đại diện cho cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình với nhận định của ông Đậu Anh Tuấn.

“Quá trình thực hiện Luật Đầu tư và một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua cho thấy còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các Luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường.... Sự trùng lặp, chồng chéo trong các quy định về vấn đề này giữa các Luật đã và đang gây nhiều khó khăn cho cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động này”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nhìn nhận. 

Ngoài ra, ông Quách Ngọc Tuấn chỉ ra những bất cập khác của Luật Đầu tư hiện hành, bao gồm: “Một số nội dung của Luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được quy định đầy đủ, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm thực thi nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”. 

Theo ông Quách Ngọc Tuấn, các hình thức đầu tư chậm được đổi mới, cập nhật trong luật, chưa thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của các mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới trong bối cảnh Cánh mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Về các lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, ông Quách Ngọc Tuấn cho rằng các quy định hiện nay còn dàn trải; hình thức, tiêu chí, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư thiếu tính linh hoạt, chưa thật sự hướng mạnh vào việc thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các ngành, vùng, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

“Liên quan đến các quy định của Luật Đầu tư về thẩm quyền, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thủ tục thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, điều chỉnh, tạm ngừng, giãn tiến độ, chấm dứt dự án đầu tư… còn một số nội dung thiếu tính khả thi, hợp lý và đồng bộ với các Luật có liên quan”, ông Quách Tuấn Ngọc chỉ ra và nhấn mạnh luật hiện hành cũng chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Cuối cùng, ông Tuấn cho biết các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện chưa được cập nhật, hệ thống hóa để bảo đảm tính minh bạch và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài còn phức tạp, thiếu tính khả thi và bất hợp lý.

Sáng mai (16/10), Dự thảo Luật Đẩu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được trình Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận.

Cùng chuyên mục
Tin khác