Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.
Loạt biến động mạnh mẽ của giá vàng thế giới tuần qua đã kéo theo những đợt trồi sụt đầy kịch tính của giá vàng trong nước.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, giá vàng thế giới lập rơi xuống còn 2.673 USD/ounce – mức thấp nhất sau khi kim loại quý này phá đỉnh cao nhất mọi thời đại 2.805 USD/ounce một tuần trước đó. Cùng chung xu hướng, giá vàng trong nước cũng giảm nhiều nhất tới 6 triệu đồng/lượng, xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường nhanh chóng đảo chiều với quyết định hạ lãi suất 0,25 % của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng thế giới bất ngờ “quay xe”, từng bước chinh phục lại những mốc kỷ lục trước đó. Giá vàng trong nước, sau 2 ngày giảm mạnh, cũng hồi phục trở lại ngưỡng 83 – 85 triệu đồng/lượng đối với vàng nhẫn và 87 – 89 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng SJC.
Sự nghịch chiều của giá vàng theo từng giờ khiến đám đông khách hàng cũng quay cuồng bất chấp những khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế.
Nếu như vào thứ 5 tuần trước (7/11), hàng dài người dân chen chúc bán vàng tại các cửa tiệm vàng thì chỉ sau một ngày, những cửa tiệm trên lại chật ních người đến mua vào. Hình ảnh dòng người nhốn nháo, những bãi đỗ xe chật kín có thể bắt gặp ở hầu hết các tiệm vàng.
Người dân đang rất nhạy cảm với vàng. Chỉ cần một “chuyển động” nhỏ, những người dân lập tức “bán tháo”, hoặc là “mua ồ ạt”. Vàng bỗng dưng trở thành kênh đầu tư theo đám đông, mua vào khi thấy người khác mua và nhất định phải bán ra khi người khác bán.
Việc người dân mua – bán vàng dựa vào cảm tính, chạy theo hiệu ứng đám đông đã tạo cơ hội cho các tiệm vàng “làm giá”. Khi số lượng giao dịch tăng đột biến, không ít tiệm vàng bắt đầu bán vàng theo “luật riêng”, như lời của nhiều người mua vàng nhận xét.
Vào lúc người dân ồ ạt bán ra vì giá vàng xuống, nhiều tiệm vàng đã treo biển ngừng nhận mua vào, đẩy người dân vào cảnh “có vàng mà không bán được”. Và khi vàng tăng giá, người mua vào nhiều hơn, các tiệm vàng lại ngừng bán ra với lý do hết hàng. Khi này, người dân lại rơi vào cảnh “có tiền cũng không mua được vàng”. “Giá vàng biến động, các tiệm vàng đang tự trao mình quyền ‘điều tiết thị trường’, thích thì bán, không thì ngưng”, một người mua vàng nhận xét.
Đấy là chưa kể đến việc chênh lệch giá giữa chiều mua vào – bán ra bị kéo giãn lên tới 2 – 3 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ xét ở góc độ về giá, dù là có mua được hay bán được thì người dân vẫn luôn là người chịu thiệt.
Thị trường vàng thời gian qua đã trở thành một "nỗi lo" không nhỏ đối với nhà điều hành, buộc phải liên tiếp đưa ra các biện pháp can thiệp nhằm ổn định tình hình, từ đấu thầu vàng miếng SJC, bán vàng giá bình ổn qua hệ thống 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC hay tăng cường thanh kiểm tra các tiệm vàng, cửa hàng vàng trên toàn quốc…
Thế nhưng, như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, thị trường vàng vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, hiện vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những xáo trộn trên thị trường vàng thời gian qua. Đầu tiên phải kể đến giá vàng thế giới liên tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến biến động của giá vàng trong nước. Tiếp đến là yếu tố tâm lý kỳ vọng của người dân đối với vàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, gửi tiết kiệm,… còn ảm đạm. Kỳ vọng vào vàng cao, đẩy nhu cầu của người dân tăng, khiến chênh lệch cung – cầu vẫn hiện hữu dù trước đó NHNN đã bơm ra thị trường khoảng 11,46 tấn vàng qua 44 phiên đấu thầu vàng miếng SJC.
Song, đáng chú ý nhất, đại diện NHNN cho biết, ngoài những lý do nên trên, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt là vàng SJC) và thế giới.
Định hướng thời gian tới, Thống đốc NHNN cho biết NHNN sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, một trong những giải pháp cần làm để bình thường hóa thị trường vàng là cho phép nhập khẩu vàng.
Chia sẻ với VietnamFinance, một chuyên gia kinh tế cho biết, trên thế giới vàng được xem là một loại hàng hóa hết sức bình thường nhưng tại Việt Nam lại có những đặc thù riêng. Trong khi người dân khổ sở vì vàng, thì nhiều đối tượng lại tranh thủ “đục nước béo cò”, gây ra những xáo trộn không đáng có.
Theo ông, tình trạng cung – cầu chưa gặp nhau, dẫn đến khan hiếm vàng, buộc người dân phải mua vàng với giá chênh cao so với giá vàng thế giới.
“Nếu đúng như thống kê mỗi năm người Việt tiêu thụ khoảng 50 tấn vàng thì lượng tiền thâm hụt là con số không hề nhỏ. Điều cần thiết là để cung – cầu gặp nhau, thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với giá vàng thế giới", vị chuyên gia này nói.
“Việt Nam cũng có thể giao cho 4 ngân hàng quốc doanh – những đơn vị có đủ nguồn lực, am hiểu về thị trường tài chính quốc tế - nhập khẩu vàng, sau đó bán lại cho các đơn vị kinh doanh vàng, từ đó tăng cung cho thị trường. Trong trường hợp các công ty kinh doanh vàng có đủ tiềm lực và năng lực cũng có thể được cấp giấy phép nhập khẩu vàng. Khi có thêm nguồn cung, người Việt sẽ được mua vàng đúng với giá thực và thị trường cũng sẽ không còn tình trạng hỗn loạn như hiện nay”, ông cho hay.
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.