Lý giải về nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 vẫn mắc bệnh

T.G - 13/06/2021 19:06 (GMT+7)

Sự việc nhiều nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM đã tiêm vắc xin vẫn mắc Covid-19 khiến nhiều người thắc mắc và lo lắng việc tiêm vắc xin Covid-19 rồi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2?

VNF
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM tạm thời phong tỏa để tiến hành truy xuất, điều tra dịch tễ.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM vừa phát hiện các trường hợp dương tính Covid-19 là nhân viên của Bệnh viện.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc phát hiện các ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cần phải được điều tra, đánh giá kỹ và tích cực, khẩn trương hơn nữa để từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

53 nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin

Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. HCM là đơn vị tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nặng tại phía Nam. Hiện tại bệnh viện đã bị phong toả từ chiều 12/6/2021 sau khi ghi nhận 22 trường hợp dương tính Covid-19 là nhân viên bệnh viện.

Sáng 13/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM đã hoàn tất xét nghiệm RT-PCR cho 887 nhân viên làm việc tại đây, với số ca dương tính thực tế lên đến 53.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM, các trường hợp dương tính tập trung tại các phòng, ban khối hậu cần như toàn bộ nhân viên Phòng công nghệ thông tin, Phòng Chỉ đạo tuyến, 17 nhân viên Phòng hành chính quản trị và nhân viên các phòng chức năng khác như tài chính-kế toán (4), kế hoạch tổng hợp (3), tổ chức cán bộ (1), dược (8)...

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM phối hợp cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM điều tra dịch tễ và nhận định nhiều khả năng chùm lây nhiễm này bắt nguồn từ khối hậu cần của bệnh viện, có nguồn gốc từ cộng đồng và lan đến một số nhân viên khoa cận lâm sàng, khoa lâm sàng qua quá trình làm việc với nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên quản trị.

53 nhân viên dương tính đang được cách ly điều trị tại khoa Nhiễm A-D, ghi nhận 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng và các nhân viên này đều được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ 2 liều.

Vắc xin sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong

Sự việc nhiều nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM đã tiêm vắc xin vẫn mắc Covid-19 khiến người thắc mắc và lo lắng việc tiêm vắc xin Covid-19 rồi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam phân tích: “vắc xin Covid-19 là vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.”

Theo ông Phu, hiện nay cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu. Ngoài ra, vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Trên thực tế, có những loại vắc xin hiệu lực bảo vệ với 90%, nhưng có vắc xin chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Với những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có. Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vắc xin này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Ấn Độ hay không.

“Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vắc xin Covid-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vắc xin sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm,” phó giáo sư Phu chỉ rõ.

Theo Tiến sỹ Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), tiêm vắc xin Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Người đã được tiêm vắc xin Covid-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K.

Nguyên nhân là do vắc xin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp.

Sau tiêm mũi vắc xin thứ 2 từ một tháng trở ra thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vắc xin.

“Lý do thứ 2 là vắc xin không bảo vệ tuyệt đối nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác,” tiến sỹ Thái cho hay.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vắc xin Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vắc xin Covid-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, trong đó có 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế.

Theo VietnamPlus
Cùng chuyên mục
Tin khác