Mạng di động ảo: Ào ào ra mắt, lay lắt thuê bao

Ngọc Lưu - 02/09/2023 16:27 (GMT+7)

(VNF) - Sự xuất hiện của mạng di động ảo được đánh giá sẽ là luồng gió mới, giúp thị trường viễn thông có thêm nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ và gia tăng tính cạnh tranh hơn. Dẫu vậy, nhìn vào những kết quả sau nhiều năm xuất hiện, nhiều người hoài nghi về khả năng cạnh tranh của dịch vụ này, nhất là trong thời điểm thị trường viễn thông tại Việt Nam đang dần bão hòa.

VNF
Mạng di động ảo sẽ là luồng gió mới, giúp thị trường viễn thông có thêm nhiều loại hình sản phẩm.

Mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) là những nhà mạng không có băng tần, không có hạ tầng mạng mà phải đi thuê hạ tầng của các doanh nghiệp/nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng (mạng MNO), ví dụ như Viettel, VNPT, Mobifone… để cung cấp dịch vụ viễn thông di động ra thị trường. Các nhà mạng ảo chỉ triển khai các hoạt động kinh doanh, bán sản phẩm, dịch vụ viễn thông với đầu số thuê bao di động được cơ quan quản lý (Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp phát, còn lại toàn bộ hạ tầng mạng là đi thuê của doanh nghiệp khác (sở hữu hạ tầng).

Liên tục đón “tân binh”

Tháng trước, mạng di động ảo VNSky thuộc hệ sinh thái của VNPAY chính thức được ra mắt trên toàn quốc với đầu số 0777. Với sự hợp tác của Mobifone, VNSky được đánh giá là một sản phẩm kết hợp giữa công nghệ và viễn thông đi kèm với những tiện ích đặc biệt, hay chính xác hơn là “sản phẩm kết hợp giữa viễn thông và fintech” giúp VNPay hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái đa dịch vụ tiện ích.

Với mục tiêu có 5 triệu người dùng vào năm 2025, VNSky tự tin rằng việc thừa hưởng lợi thế về hạ tầng viễn thông sẵn có sẽ giúp nhà mạng có vùng phủ sóng trên toàn quốc ngay lập tức. Lãnh đạo nhà mạng này cũng không giấu diếm tham vọng trở thành 1 trong 5 nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam khi kết hợp với những dịch vụ trong hệ sinh thái của VNPAY như ví điện tử, VNPAY-QR, VnShop hay VNTaxi. Điều này có thể sẽ tạo ra một cuộc chiến thực sự trên thị trường mạng di động ảo của Việt Nam.

Trước VNSky đúng một tháng, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ mạng di động ảo thông qua mạng viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc. Với giấy phép này, FRT kỳ vọng sẽ trở thành một mạng di động mới trẻ trung, năng động hướng đến người tiêu dùng trẻ, hiện đại và luôn đón đầu ứng dụng công nghệ mới.

Trước đó nữa, thị trường Việt Nam có 3 nhà mạng ảo đang kinh doanh, trong đó, iTel (đầu số 087) và Reddi (đầu số 055) hợp tác với Vinaphone, còn Local (đầu số 089) hợp tác cùng Mobifone. Rõ ràng, cuộc đua của mạng di động ảo tại Việt Nam đang ngày một nóng lên với sự tham gia của những “ông lớn” công nghệ trong nước. Nếu xét về lợi thế, các mạng di động ảo không phải đầu tư hạ tầng mà chỉ mua buôn lưu lượng của các nhà mạng có hạ tầng. Việc này sẽ giúp các nhà mạng ảo tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm phù hợp với khách hàng, thay vì phải quan tâm quá nhiều tới đầu tư hạ tầng hay cấp phép tần số.

Không dễ để phát triển

Trên thế giới, mạng di động ảo là một mô hình kinh doanh phổ biến trong ngành viễn thông. Nhiều nhất phải kể đến Châu Âu với số lượng mạng MVNO đạt 357 trên tổng số 602 mạng MVNO toàn cầu. Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 72 mạng MVNO, trong khi Đông u là nơi có 34 mạng MVNO. Ở Mỹ, hiện có 32 nhà mạng MVNO với hơn 50 triệu thuê bao. Ở Trung Quốc có 62 mạng và 75 triệu thuê bao. Ở Đức có 132 nhà mạng cung cấp dịch vụ này và ở Anh, các mạng di động ảo chiếm 20% thị trường trong nước. Theo số liệu của Global Market Insights, tổng doanh thu của thị trường viễn thông ảo trên toàn thế giới đang ở mức 65 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng lên đến 9%/năm.

Tiềm năng là như vậy, nhưng thực tế sự phát triển của mạng di động ảo tại Việt Nam lại vô cùng khiêm tốn. Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30/4/2023, có khoảng 2,65 triệu thuê bao của các nhà mạng ảo tại Việt Nam, chỉ chiếm khoảng 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động. Đây rõ ràng là bài toán mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần phải tìm lời giải khi Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ dân số trẻ, am hiểu công nghệ và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường mạng di động Việt Nam hiện có doanh thu trung bình trên mỗi đơn vị (ARPU) thấp với mức chi tiêu trung bình cho dịch vụ di động ở Việt Nam chỉ ở vào khoảng 70.000 - 90.000 đồng/tháng. Do đó, sẽ rất khó cho các MVNO có thể cạnh tranh để có được người đăng ký. Bên cạnh đó, hiện tại, lượng thuê bao di động tại Việt Nam đã cán ngưỡng bão hòa, rất khó để phát triển thêm thuê bao mới. Các mạng di động ảo mới ra đời buộc phải đi vào các thị trường ngách.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, đánh giá việc các nhà mạng di động ảo tham gia cung cấp dịch vụ được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số, trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khoẻ, giải trí... Tuy nhiên, số lượng 2,65 triệu thuê bao mạng di động ảo là một con số quá nhỏ bé, các dịch vụ các nhà mạng ảo đang cung cấp cũng tương đối hạn chế, chưa có những dịch vụ thực sự tạo thế mạnh.

Theo gợi mở của lãnh đạo Cục Viễn thông, để thúc đẩy phát triển mạng di động ảo, các doanh nghiệp nên nhìn nhận từ các dịch vụ ứng dụng trên Internet để tìm các dịch vụ thực sự mang lại lợi ích cho người dùng như tài chính, học tập... những dịch vụ liên quan đến “thị trường ngách” mà những nhà mạng lớn thông thường không cung cấp. Đây là hướng đi đúng với xu hướng trên thế giới cũng như thúc đẩy các dịch vụ nội dung phát triển, thúc đẩy cung cấp nhiều dịch vụ ứng dụng viễn thông trên nền Internet băng rộng di động.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan này cho biết trong quá trình sửa đổi Luật Viễn thông, Bộ cũng đã đưa chính sách “bán sỉ, bán buôn” dung lượng vào luật. Điều này nhằm tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn, dễ dàng hơn để các nhà mạng có thể đàm phán trong quá trình kinh doanh, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng cao với giá thành tốt.

Dẫu khó khăn nhưng các nhà mạng ảo vẫn được đánh giá còn dư địa để phát triển khách hàng mới. Trong đó, các doanh nghiệp đi sau có thể tập trung vào nhóm khách hàng ưu tiên giá rẻ, dung lượng data lớn như công nhân, học sinh, sinh viên hay khách du lịch nước ngoài sắp tới tăng trở lại Việt Nam. Ngoài ra, các nhà mạng ảo cũng có thể thu hút người dùng khi vẫn sở hữu lượng sim số đẹp lớn.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
115.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn năm 2024, tiền đâu trả nợ?

115.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn năm 2024, tiền đâu trả nợ?

(VNF) - Năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu Bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41.4%.

Giá vàng chính thức chạm mốc 86 triệu/lượng, đắt đỏ chưa từng có

Giá vàng chính thức chạm mốc 86 triệu/lượng, đắt đỏ chưa từng có

(VNF) - Giá vàng SJC chính thức lên 86 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, giá vàng nhẫn lại không có nhiều biến động.

Hệ thống 'cây xăng thế hệ mới', đi xe điện không lo sạc pin

Hệ thống 'cây xăng thế hệ mới', đi xe điện không lo sạc pin

(VNF) - Để tăng sức cạnh tranh, nhiều thương hiệu xe điện trên thị trường tập trung nâng cao dung lượng pin, xây dựng trạm sạc. Trong khi đó một start-up xe điện Việt lại muốn xóa bỏ khái niệm về quãng đường ở xe điện.

Đem hầu hết tài sản đi đầu tư, BGI Group làm ăn thế nào trong quý I?

Đem hầu hết tài sản đi đầu tư, BGI Group làm ăn thế nào trong quý I?

(VNF) - Công ty Cổ phần Tập đoàn BGI (BGI Group, HNX: VC7) ghi nhận khoản lãi sau thuế chỉ 2,5 tỷ đồng trong quý I/2024. Dù vậy, so với cùng kỳ, khoản lãi này đã tăng gấp 5,6 lần.

Imexpharm và cơ hội dẫn đầu ngành dược trong nước

Imexpharm và cơ hội dẫn đầu ngành dược trong nước

(VNF) - Sau thời gian tập trung nguồn lực đầu tư cho công nghệ, cùng với hậu thuẫn từ chính sách ưu tiên sản phẩm dược trong nước, Imexpharm đang có cơ hội để tạo ra đột phá trong tăng trưởng.

Giảm trừ gia cảnh liệu đã đủ sống?

Giảm trừ gia cảnh liệu đã đủ sống?

(VNF) - Nếu theo đúng kế hoạch, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi vào 2026 và có hiệu lực vào năm 2027, tức sau 10 năm kể từ thời điểm Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự thảo luật. Theo bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, việc chậm trễ trong sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, từ đó tác động lên tăng trưởng của nền kinh tế.

Hy vọng rồi lại thất vọng, Phố Wall ‘nản chí’ với Fed

Hy vọng rồi lại thất vọng, Phố Wall ‘nản chí’ với Fed

(VNF) - Phố Wall đã lùi dự đoán về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ tháng 3 đến tháng 6, sau đó đến tháng 9 và giờ đây các nhà đầu tư bắt đầu tự hỏi liệu có đợt cắt giảm nào hay không.

Tập đoàn Dầu khí muốn đầu tư 2,5 tỷ USD làm tổ hợp điện khí LNG tại Hà Tĩnh

Tập đoàn Dầu khí muốn đầu tư 2,5 tỷ USD làm tổ hợp điện khí LNG tại Hà Tĩnh

(VNF) - Trong tổng số vốn 2,5 tỷ USD , Tập đoàn Dầu khí Việt Nam muốn sử dụng 1,5 tỷ USD xây Nhà máy điện khí LNG và 1 tỷ USD xây dựng Trung tâm kho cảng LNG tại KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Dệt may Nha Trang: Thoát thua lỗ, vẫn gánh nợ hơn 900 tỷ đồng

Dệt may Nha Trang: Thoát thua lỗ, vẫn gánh nợ hơn 900 tỷ đồng

(VNF) - Báo cáo tài chính quý I/2024 của Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang cho thấy, đang có những khởi sắc khi lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng, trong khi đó năm 2023 lại lỗ đền 16 tỷ đồng. Đồng thời, lãi của doanh nghiệp này gần như đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Sau 2 lần ‘vỡ mộng’, Nam Mê Kông ngày càng kém tự tin?

Sau 2 lần ‘vỡ mộng’, Nam Mê Kông ngày càng kém tự tin?

(VNF) - Việc không hoàn thành kế hoạch kinh doanh nghìn tỷ trong 2 năm liên tiếp dường như đã khiến Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (HNX: VC3) “chùn chân”.