Mảng IB bị ảnh hưởng khi thị trường trái phiếu gặp khó: Techcombank nói gì?

Hải Đường - 24/10/2022 18:51 (GMT+7)

(VNF) - Thu từ hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) trong quý III giảm 39% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng giảm 11%.

VNF
Mảng IB bị ảnh hưởng khi thị trường trái phiếu gặp khó: Techcombank nói gì?

Techcombank vừa tổ chức sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022. Theo đó, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp của Techcombank, đã cập nhật triển vọng năm 2022 của ngân hàng sau 9 tháng năm 2022.

Tăng trưởng tín dụng của Techcombank hiện được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn mức 11,7%, trong đó thực tế 9 tháng đã đạt 11,1%. Techcombank kỳ vọng được cấp thêm “room” tín dụng, tuy nhiên ông Ngô Hoàng Hà cho biết việc nới “room” sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận của ngân hàng này.

“Thu nhập lãi trong 1-2 tháng khi được cấp thêm “room” tín dụng sẽ không ảnh hưởng tới kết quả 12 tháng. Việc đẩy mạnh thu nhập phí sẽ giúp tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng duy trì được tăng trưởng ổn định”, ông Ngô Hoàng Hà nói.

Chi phí vốn năm 2022 dự kiến tăng so với năm 2021, trong khi tỷ lệ CASA có thể giảm do tình hình vĩ mô và thị trường của năm nay. Đại diện Techcombank cho biết NIM năm 2022 có thể thấp hơn năm 2021, tăng trưởng thu nhập lãi có khả năng không đạt được mức tăng trưởng 42,4% như năm ngoái.

Dù các nguồn thu từ phí như bancassurance, L/C, ngoại tệ đều được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong quý IV, sự ảnh hưởng của thị trường vốn (trái phiếu và cổ phiếu) sẽ tác động đến thu nhập mảng IB (ngân hàng đầu tư) của Techcombank, dẫn đến việc tăng trưởng thu nhập thu nhập phí trong năm 2022 sẽ không cao như năm 2021.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) dự kiến tăng nhẹ do Techcombank tiếp tục đưa vào “go-live” các hệ thống lớn trong quý IV và bắt đầu khấu hao, nâng chi phí tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Ông Ngô Hoàng Hà cho biết, chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng năm 2022 kỳ vọng sẽ đạt tương đương mức thực hiện năm 2021.

Tại buổi gặp gỡ, một số nhà đầu tư cá nhân đã bày tỏ sự lo lắng về mức độ ảnh hưởng của mảng IB của Techcombank khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn trong thời gian qua.

Trên thực tế, kết quả kinh doanh mà Techcombank chia sẻ cũng cho thấy thu từ mảng IB trong quý III giảm 39% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng giảm 11%, trong khi thu phí từ các hoạt động dịch khác như bancassurance, thẻ, L/C, ngoại tệ,.. đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp Phát triển và Quản lý hợp kênh của Techcombank, cho biết dù kết quả 9 tháng của mảng IB giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên năm 2021 lại là một năm “bùng nổ”. Nếu so sánh với cùng kỳ năm 2020, ông Tuấn cho rằng thu từ mảng IB vẫn tăng trưởng khoảng 33%.

“Việc kinh doanh luôn phải dựa trên sự thuận lợi cũng như thách thức của thị trường. Trong từng thời kỳ, từng tổ chức tín dụng sẽ phải có kế hoạch để đảm bảo có phương án thay thế cũng như đảm bảo các hoạt động tăng trưởng của mảng khác”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Theo ông, Techcombank đang tiếp tục đa dạng hoá nhiều giải pháp liên quan đến thu phí, minh chứng rằng thu từ dịch vụ theo sản phẩm quý III tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tăng trưởng từ bancassurance là 86%, hoạt động từ thẻ tăng là127%, L/C, tiền mặt và thanh toán là 164%,…

Đại diện Techcombank cho rằng, tất cả hoạt động kinh doanh đều phải dựa trên nhu cầu của thị trường, nhu cầu của khách hàng.

Cũng về mảng IB, trước thắc mắc của nhà đầu tư về việc Techcombank chuyển hướng sang mảng bán lẻ khi mảng trái phiếu gặp khó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết chiến lược đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đã được thực hiện từ năm 2016-2020 và tiếp tục được nhấn mạnh từ năm 2021-2025.

Việc triển khai đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân có thể giúp cho Techcombank thu hút được nhiều khách hàng, đánh giá được thế mạnh tài chính, thúc đẩy bán chéo các sản phẩm như bảo hiểm.

Ngoài ra, với việc đồng USD tăng mạnh trong thời gian gần đây, đại diện Techcombank cho biết mức độ trọng yếu liên quan đến sự biến động của tỷ giá là không cao đối với ngân hàng này.

Về các khoản vay hợp vốn, ông Ngô Hoàng Hà cho biết cách đây 1 năm, chi phí huy động của các khoản vay này khá hấp dẫn so với việc vay trong nước. Với sự gia tăng của tỷ giá và lãi suất trong thời gian qua, chi phí huy động hiện đang tương đương với việc huy động trong nước. Tuy nhiên, thời gian của các khoản vay này là dài hạn, từ 3-5 năm. Việc huy động hợp vốn trước đó đã giúp Techcombank ổn định được nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản dự trữ và giúp ngân hàng có thể vượt qua tình hình thị trường nhiều biến động.

Cùng chuyên mục
Tin khác