Thị trường

Mở cửa thị trường du lịch: 'Khát' nguồn nhân lực chất lượng cao

(VNF) - Trong bối cảnh du lịch cả nước đang bước vào giai đoạn phục hồi, thách thức lớn nhất chính là tìm ra giải pháp khắc phục được tổn thất nguồn nhân lực cả về chất và lượng, để đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường khi đang phải sống chung với dịch bệnh.

Mở cửa thị trường du lịch: 'Khát' nguồn nhân lực chất lượng cao

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng lao động trong ngành du lịch đã nghỉ việc rất nhiều

Tại diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh” với chuyên đề “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” tổ chức gần đây, bà Lê Mai Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cho biết trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng lao động nghỉ việc rất nhiều, có thời điểm chiếm tới 80%.

Tính đến thời điểm hiện tại, các khách sạn đang hoạt động trở lại với công suất rất thấp, nhân viên chỉ làm việc luân phiên, part-time hoặc là hoán đổi công việc cho nhau. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực để chuẩn bị cho việc đón khách du lịch quay trở lại từ 15/3 đang trở thành vấn đề hết sức quan trọng và bản thân các doanh nghiệp phải tự nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng rất cần được nhà nước hỗ trợ về mặt tài chính.

“Chúng tôi thấy rằng Nghị quyết 68 của Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động đã có hiệu lực từ tháng 7/202. Tuy nhiên, ngành du lịch bây giờ mới bắt đầu hồi phục lại nên việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chưa phù hợp với chính sách này, trong khi đó chính sách lại sẽ kết thúc vào tháng 6/2022. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị chính sách này cần được kéo dài thêm, ít nhất là hết năm 2022 và nếu được có thể kéo dài thêm cho năm tiếp theo”, Phó chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam đề xuất.

Nói thêm về vấn đề này, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình luận: “Với tư cách là một chuyên gia trong vấn đề lao động, tôi cho rằng thị trường lao động của ngành du lịch khi chúng ta mở cửa sẽ có rất nhiều nhu cầu. Và nếu có một mức lương, điều kiện thỏa đáng, chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển lao động từ các lĩnh vực khác sang ngành du lịch. Nhưng ở đây có một vấn đề là nhiều người lao động trong đợt dịch đã bỏ về quê và chưa trở lại hoạt động kinh doanh, còn lao động ở những khu vực không có dịch thì chỉ hoạt động cầm chừng với tỷ lệ 50% - 60%”.

Bà Lan Anh cho biết trong thời gian tới, khi chính thức mở cửa hoạt động dịch vụ, kinh doanh, việc làm thế nào để thu hút lại được lực lượng lao động là một bài toán lớn. “Chúng ta cần có kế hoạch đào tạo mới khi nhiều người chuyển sang ngành khác và không quay lại ngành du lịch nữa, đồng thời cần tổ chức đào tạo lại cho lực lượng lao động cũ”.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết Sở đã triển khai các đợt khảo sát trực tuyến để nắm cụ thể thông tin về mức độ sẵn sàng mở cửa trở lại và nhu cầu tuyển dụng, đào tạo, hỗ trợ lao động của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố, từ đó xây dựng và triển khai các giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực đảm bảo số lượng - chất lượng tương ứng với mức độ phục hồi của các thị trường khách du lịch.

Về đảm bảo số lượng nguồn nhân lực, Sở Du lịch tỉnh đã cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách mở cửa trở lại hoạt động du lịch, kế hoạch truyền thông - xúc tiến thị trường, dự báo tình hình du lịch để doanh nghiệp có thông tin và triển khai chuẩn bị khôi phục hoạt động kinh doanh; có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng như: liên kết hiệp hội du lịch, các nền tảng tuyển dụng, các cơ sở đào tạo về du lịch, doanh nghiệp du lịch tổ chức ngày hội nhân lực, tuần lễ việc làm du lịch online, kết nối cung cầu cho lao động và doanh nghiệp du lịch.

Về đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, Sở tổ chức, liên kết hiệp hội du lịch, các hội và các cơ sở đào tạo triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục chất lượng lao động với khoảng 40 hoạt động dự kiến tổ chức trong năm 2022. Trong đó, Sở tập trung một số hoạt động như: tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng, thái độ phục vụ khách du lịch; kích hoạt lại các hoạt động đào tạo, tự đào tạo, trau dồi nghiệp vụ tại các doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố; tổ chức các chương trình giữ lửa nghề cho đội ngũ lao động ngành du lịch; tư vấn các chương trình đào tạo tại chỗ; tập huấn các quy trình, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động kinh doanh du lịch… nhằm củng cố và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch trong giai đoạn thích ứng linh hoạt mở cửa trở lại hoạt động du lịch.

Trong khi đó, theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa -Vũng Tàu, hiện đang có sự dịch chuyển lao động ngành du lịch, một số lượng lớn lao động có chuyên môn cao trong ngành du lịch đã chuyển sang làm tại ngành nghề khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều nhân sự cũng đã không trở lại tỉnh để tiếp tục làm việc vì lo ngại những biến động của dịch bệnh.

“Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là các vị trí phục vụ buồng, bếp có kinh nghiệm, tay nghề cao”, ông Trịnh Hàng nói.

Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa -Vũng Tàu cũng cho biết nhằm chuẩn bị cho công tác hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định nguồn nhân lực trong tổ chức phục vụ và tăng cường việc tập huấn, bồi dưỡng lực lượng lao động, Sở Du lịch đã có văn bản gửi Hiệp hội Du lịch và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đề nghị cung cấp thông tin chi tiết về số liệu, tình hình lao động tại các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, những kiến nghị đề xuất…

Tin mới lên