Mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3: Doanh nghiệp lên phương án thế nào?

Minh Đức - 22/02/2022 08:21 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội du lịch tại nhiều tỉnh thành đã lên các phương án để chuẩn bị đón khách du lịch nội địa lẫn quốc tế quay trở lại kể từ ngày 15/3.

VNF
Mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3: Doanh nghiệp lên phương án thế nào?

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa xây dựng dự thảo về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả từ 15/3 gửi xin ý kiến các bộ ngành.

Theo đó, từ nay đến 14/3, tiếp tục triển khai chương trình thí điểm giai đoạn 2 đón khách quốc tế đến Việt Nam; từ 15/3, mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường hàng không, đường bộ, đường biển.

Tại buổi toạ đàm “Mở cửa an toàn: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam” diễn ra cách đây ít ngày, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác, tác động đến kinh tế-xã hội trên toàn cầu.

"Việc mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà mở cửa du lịch còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước", ông Bình cho biết.

Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng nhiều bộ ban ngành và các địa phương đã bày tỏ sự ủng hộ việc mở lại du lịch. Việc mở cửa du lịch cho thấy được năng lực của các bộ, ban ngành trong việc đáp ứng trong trạng thái bình thường mới.

Từ 15/3, mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường hàng không, đường bộ, đường biển.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, cho biết thông tin Chính phủ đồng ý với đề xuất mở cửa du lịch từ 15/3 là tín hiệu tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch phục hồi toàn diện.

Ông Hùng cho biết hệ thống quần thể FLC đã chủ động chuẩn bị nhân lực ngay từ trong giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch bệnh. “Trong năm 2022, tập đoàn dự kiến tuyển dụng 2.000 - 4.000 nhân sự, 15% là cán bộ cấp cao, chuyên gia nước ngoài cho hãng Bamboo Airways. Đơn vị cũng có trung tâm đào tạo phi công và tiếp viên đi vào hoạt động trong tháng 5, tháng 6”, ông nói.

Trong khi đó, đại diện của Bamboo Airways cũng thông tin rằng sẽ tiếp tục duy trì tàu bay, nghiên cứu phát triển các đường bay mới như đi Côn Đảo, Điện Biên Phủ.

Song song với đó, hãng cũng sẽ lên kế hoạch mở rộng mạng bay từ khắp các nơi về tỉnh Bình Định. Đối với du lịch quốc tế, hãng cũng mở thêm đường bay tới Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu.

Doanh nghiệp hào hứng chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại

Trao đổi với VietnamFinance, bà Trần Nguyện, giám đốc kinh doanh Sun World (Sun Group), cho biết đơn vị này đã sớm có sự chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế quay trở lại ngay từ những tháng đóng cửa. Hơn hai năm qua, dù ngưng hoạt động, song hầu hết các khách sạn, resort, khu du lịch, vui chơi giải trí của Sun Group trên cả nước vẫn thường xuyên làm đẹp cảnh quan, bảo trì bảo dưỡng, phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ mới… 

Ngoài các công trình mới đã được đưa vào vận hành trong hai năm 2020 và 2021 như: khách sạn Capella Hanoi tại Hà Nội, khu nghỉ dưỡng New World Phu Quoc Resort tại Phú Quốc hay khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật Yoko Onsen Quang Hanh tại Quảng Ninh… Sun Group đang bổ sung sản phẩm, dịch vụ mới tại các khu du lịch, vui chơi giải trí và hệ thống khách sạn, resort ở ba miền để chuẩn bị đón lượng lớn du khách quay trở lại, đặc biệt là du khách quốc tế ngay khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn.

Tại Phú Quốc, Sun Group đã đưa vào vận hành trò chơi tàu lượn siêu tốc khổng lồ ngay trong dịp Tết Nhâm Dần vừa qua; hay tại Đà Nẵng, khu du lịch Sun World Ba Na Hills đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục như: lâu đài Bà Nà với khu vui chơi giải trí trong nhà, hầm rượu Bà Nà, khu bảo tàng kết hợp cảnh quan mặt nước, khu văn hóa lễ hội Bà Nà (Ba Na Mixed-use), lâu đài núi lửa…

Tại Tây Ninh, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Sun World Ba Den Mountain cũng đã đưa vào vận hành không gian trưng bày nghệ thuật Phật giáo ngay dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Ngoài ra, khu du lịch cũng được làm mới, đáng chú ý nhất là không gian hoa với 3.000 chậu hoa tulip cùng rất nhiều loài hoa như cúc, trạng nguyên, cẩm tú cầu, xác pháo, phi yến…

Các khu du lịch khác như: Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai), Sun World Halong Complex (Quảng Ninh) cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại với diện mạo, sản phẩm và dịch vụ mới.

Chưa hết, Sun Group cũng cam kết sẽ giảm giá cho hành khách của Vietnam Airlines khi đến các khu du lịch mang thương hiệu Sun World: tối thiểu 10% tại công viên châu Á-Asia Park (Đà Nẵng) và tối thiểu 5% tại Fansipan (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn Thơm (Phú Quốc), Bà Đen (Tây Ninh) trong vòng 7 ngày tính từ thời điểm bay. 

Đặc biệt, hai thương hiệu Sun World và Sun Hospitality Group (SHG) sẽ hợp tác với các sàn thương mại điện tử của Vietnam Airlines như VNAMALL, VNAmazing để mang đến cho khách hàng cơ hội trải nghiệm các khu du lịch Sun World, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật Yoko Onsen Quang Hanh và Premier Village Halong Resort với mức giá ưu đãi nhất.

“Dịp Tết Nhâm Dần vừa qua đã ghi nhận những tín hiệu vô cùng lạc quan. Hầu hết những điểm đến mở cửa đón khách đều ghi nhận sự tăng trưởng khách gấp 2-3 lần so với dịp Tết năm 2021. Có những khách sạn, resort đạt gần 100% công suất trong dịp Tết. Tuy nhiên, dẫu đạt kết quả lạc quan như vậy, con số này vẫn còn thua xa so với mức tăng trưởng năm 2019, khi chưa có dịch, chỉ đạt khoảng 60-70% so với dịp Tết năm 2019”, giám đốc kinh doanh Sun World cho hay.

Khách sạn 4, 5 sao tại Hội An hiện đang giảm giá từ 10 - 20% so với thời điểm trước dịch Covid-19

Tại tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, cho biết hiện hầu hết các khách sạn đang rục rịch mở cửa đón khách trở lại, tuyển dụng lao động mới. Ở khu vực phố cổ Hội An, một số hàng quán nhỏ cũng đã mở cửa trở lại.

Ông Thuỷ cho biết hiện tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 của người dân tại Hội An đã đạt trên 90% và hiện cũng đang bắt đầu triển khai tiêm mũi 3. 

Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho biết để thu hút khách du lịch, các khách sạn đạt tiêu chuẩn 4, 5 sao trên địa bàn thành phố Hội An đang tiến hành giảm giá, thấp hơn từ 10 - 20% so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Hiện nay, vẫn còn sự bất nhất trong ứng dụng khai báo y tế, liên thông dữ liệu tiêm vắc xin, xét nghiệm, đặt dịch vụ… đây được xem là rào cản và cần có giải pháp để việc mở cửa du lịch sớm diễn ra suôn sẻ.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Thuỳ cho rằng: “Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý dịch bệnh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Chúng ta cần thống nhất quản lý trên một nền tảng, tích hợp dữ liệu đồng bộ để vừa giảm phiền hà cho du khách vừa tạo thuận lợi cho công tác quản lý khi có sự cố phát sinh”.

Ở góc độ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho rằng Việt Nam đã chậm trong việc mở cửa trở lại du lịch với quốc tế nhưng mở ra chưa chắc đã đón ngay được khách vì cần có thời gian để quảng bá đến khách quốc tế.

Chủ tịch Lux Group cho biết việc quảng bá của du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế từ trước đến nay vẫn yếu và chưa có nhiều cải thiện nên định vị thương hiệu du lịch chưa rõ ràng. Vì vậy, sẽ mất nhiều thời gian hơn để khách quốc tế biết đến việc mở cửa của Việt Nam cũng như có thể sắp xếp lộ trình du lịch.

“Nếu mở cửa từ tháng 3, ông Hà dự báo ít nhất phải đến tháng 5 - 6 mới có thể đón nhiều khách nước ngoài khi khách du lịch từ châu Âu, Australia có thói quen đi du lịch vào mùa này”, ông Hà nói.

Ông Hà khuyến cáo việc mở cửa phải nhất quán từ trung ương đến địa phương, nếu mở cửa xong mà đóng lại khi dịch bùng phát thì doanh nghiệp du lịch sẽ kiệt quệ thêm.

Hiện Việt Nam có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú trong cả nước với gần 700.000 phòng. Khách sạn cao cấp, khách sạn 4-5 sao chiếm tỷ trọng lớn tại các trung tâm du lịch lớn. Với điều kiện như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể đón khách quốc tế với mục tiêu mà ngành đã đề ra.

Bên cạnh đó còn những loại hình cơ sở lưu trú khác bảo đảm đầy đủ các điều kiện đón khách. Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra ở các địa phương, hướng dẫn các địa phương hoàn thành tốt hoàn thiện cơ sở vật chất để đón khách quốc tế.

Với con số gần 9.000 khách quốc tế đến Việt Nam từ khi thực hiện chương trình thí điểm (tháng 11/2021) đến nay, tuy không nhiều nhưng là con số đáng khích lệ, là "liều thuốc tinh thần" cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch đẩy mạnh hoạt động trong thời gian mở cửa du lịch tới đây.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh 

Xem thêm: Chính phủ đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.