Mỗi năm, trung ương tăng ngân sách cho Đà Nẵng thêm 3.000 tỷ

Khánh Hồng - 13/12/2022 16:50 (GMT+7)

(VNF) - Thông tin trên được Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Đà Nẵng sáng 13/12.

VNF
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

Theo Phó chủ tịch Hồ Kỳ Minh, thành phố đã làm việc với trung ương về việc quyết định tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 83% cho Đà Nẵng trong giai đoạn 2023-2025. Với tỷ lệ này, bình quân dự kiến ngân sách thành phố sẽ có thêm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025 cho công tác đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

TP. Đà Nẵng cũng đã có Tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 08/3/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực”.

Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết thêm, năm 2023, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế với chủ đề là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ chuyển đối số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết kỳ họp lần này sẽ thông qua nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, vì vậy đề nghị HĐND và các đại biểu HĐND thành phố tập trung nghiên cứu, thảo luận sâu, làm rõ tính khả thi, các giải pháp đột phá để các cơ quan chủ trì, giải trình tiếp thu trước khi HĐND thành phố quyết nghị.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Trên cơ sở đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế, đặc biệt là các kế hoạch quan trọng, như: kế hoạch vốn đầu tư công; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quận, phường năm 2023; về bố trí suất tái định cư tối thiểu; các chính sách về phí, lệ phí và nhiều chính sách quan trọng của thành phố

Đặc biệt, khi xem xét, thông qua kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị HĐND thành phố cần xem xét, lựa chọn những công trình, dự án thật sự cần thiết, cấp bách, có tính khả thi cao để đảm bảo nguồn lực khi triển khai thực hiện, tránh việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả và khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án treo vẫn còn nhiều

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, qua hoạt động giám sát và tiếp nhận kiến nghị của cử tri, Ban Đô thị nhận thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đô thị năm 2022 còn một số hạn chế.

Cụ thể, công tác triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch các khu chức năng chưa kịp thời so với yêu cầu phát triển của thành phố, làm ảnh hưởng cho việc lập dự án và kêu gọi đầu tư.

Tình trạng quy hoạch chậm triển khai, dự án treo trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý chậm đưa đất vào sử dụng còn chậm, kéo dài làm hạn chế quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân trong vùng dự án, gây bức xúc cho cử tri, nhân dân.

Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng đã kiểm tra 210 dự án, khu đất; trong đó, xác định 88 dự án, khu đất thuộc trường hợp phải gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố ban hành các quyết định gia hạn theo quy định; 61 dự án đã đưa đất vào sử dụng; 61 dự án đang tiếp tục kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý.

Nhiều dự án chậm triển khai (đã quá 3 năm), nhưng công tác tham mưu rà soát, điều chỉnh, hủy bỏ chưa kịp thời, để dự án kéo dài, gây khó khăn và hạn chế quyền, lợi ích của người dân.

Nhiều công trình trọng điểm động lực về giao thông chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ; năng lực tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công chưa đáp ứng, biện pháp thi công còn nhiều bất cập, công tác chuẩn bị các dự án tái định cư chậm, dẫn đến tiến độ giải ngân ở mức độ thấp.

Công tác quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản thời gian qua còn chưa chặt chẽ, tình trạng khiếu kiện tập trung đông người liên quan các dự án bất động sản còn phức tạp. Sản phẩm bất động sản chủ yếu là đất nền chia lô liền kề, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác