Món lợi khổng lồ từ vaccine Covid-19

Quốc Đạt - 08/07/2021 07:20 (GMT+7)

Khi các quốc gia đang chạy đua để mua vaccine ngừa Covid-19, các nhà sản xuất đối mặt với câu hỏi khó: Giữa đại dịch chết người, họ nên tính giá bao nhiêu cho sản phẩm của mình?

Vaccine ngừa Covid-19 trở thành ngành kinh doanh trị giá hơn 100 tỷ USD trong năm 2021. Hai hãng dược Mỹ Moderna và Pfizer sẽ là hai công ty được lợi nhiều nhất, theo sau là công ty Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc, Bloomberg cho biết trong bài viết ngày 7/7.

Tổng cộng, chính phủ các nước cùng tổ chức phi lợi nhuận đã rót ít nhất 10 tỷ USD tiền đầu tư vào công tác phát triển vaccine từ các hãng Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca Plc, BioNTech SE - đối tác tại Đức của Pfizer, và một số công ty khác, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) ước tính trong một báo cáo hồi tháng 2.

Nếu tính cả thỏa thuận mua trước giúp đảm bảo đầu ra, khoản đầu tư công mà các hãng sản xuất vaccine Covid-19 nhận được đã lên tới hơn 50 tỷ USD, theo Trung tâm Y tế Toàn cầu thuộc Viện Quốc tế và Nghiên cứu phát triển Graduate tại Geneva (Thụy Sĩ).

Nhưng lúc này, những nước không có tiềm lực tài chính và khả năng sản xuất như của Mỹ đang tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua tìm mua vaccine. Điều này khiến nhiều vùng trên thế giới sơ hở trước sự tiến công của biến chủng Delta - biến chủng dễ lây lan được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.

“Tại sao các hãng dược trên lại thu được lợi nhuận khổng lồ từ vaccine - vốn được phát triển nhờ đầu tư công, trong lúc lượng lớn người dân trên thế giới chưa được tiêm chủng?”, Anna Bezruki, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Toàn cầu, chất vấn. “Khoản lợi nhuận ấy có hợp lý hay không khi khả năng tiếp cận vaccine (còn kém) như vậy?”.

Một nhân viên hàng không được tiêm vaccine Moderna tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Chênh lệch về giá cả vaccine

Pfizer không nhận trợ cấp phát triển vaccine từ chính phủ Mỹ nhưng từng ký thỏa thuận gần 2 tỷ USD để cung cấp vaccine cho Mỹ từ trước khi sản phẩm của hãng được phê duyệt. Hãng dược này dự kiến thu về 26 tỷ USD doanh thu từ việc bán vaccine trong năm nay.

Khác với Pfizer, Moderna tiếp nhận 4,1 tỷ USD tiền trợ cấp từ chính phủ Mỹ. Hãng này cũng sẽ thu về khoảng 19 tỷ USD doanh thu bán vaccine trong năm nay. Năm 2022, con số này có thể lên đến ít nhất 36 tỷ USD, theo Bloomberg Intelligence.

Hãng dược AstraZeneca và đối tác - Đại học Oxford - cho biết sẽ không thu lợi nhuận từ việc bán vaccine trong đại dịch.

Hiện tại, nhiều quốc gia thu nhập trung bình trên thế giới vừa phải chịu áp lực lớn về ngân sách dành cho y tế, vừa không đủ điều kiện nhận vaccine miễn phí từ cơ chế chia sẻ toàn cầu COVAX. Đối diện chính phủ các nước này là hóa đơn hàng trăm triệu USD nếu họ muốn tiêm chủng cho người dân.

Chẳng hạn, Colombia đồng ý trả gần 300 triệu USD để mua 10 triệu liều vaccine Moderna, tương đương 30 USD một liều, theo tài liệu Bộ Tài chính nước này công bố đầu năm nay. Mức giá Colombia phải trả cho mỗi liều Moderna cao gần gấp đôi so với Mỹ.

Cụ thể, quý I, hãng Moderna cung cấp 88 triệu liều vaccine cho Mỹ. Trong khi đó, doanh thu hãng thu về trong 3 tháng đầu năm nay tại Mỹ là 1,36 tỷ USD. Như vậy, giá vaccine Moderna tại Mỹ là 15,5 USD mỗi liều.

Vaccine mRNA của Pfizer và Moderna là 2 loại vaccine đang được săn đón nhất trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Với các nước khác, mức giá vaccine Moderna trung bình là 27 USD mỗi liều. Con số này được tính toán dựa trên doanh thu khoảng 380 triệu USD mà hãng nhận được từ 14 triệu liều vaccine bán cho các nước như Singapore, Qatar, và Israel…

“Giá thành đang đóng vai trò then chốt quyết định liệu các quốc gia có thể tiếp cận vaccine hay không”, Safura Adbool Karim, nhà nghiên cứu y tế thuộc Trường Y tế Công cộng Wits tại Johannesburg (Nam Phi), nhận định. “Vấn đề này sẽ tồi tệ hơn nếu chúng ta không có hành động quyết liệt”.

Giá thành cao có thể ngăn các nước cần vaccine Moderna tiếp cận sản phẩm của hãng, theo một số giáo sư y tế công cộng người Mỹ. Theo ước tính của những người này, vaccine của Moderna có chi phí sản xuất chưa đầy 3 USD mỗi liều.

Về vấn đề giá thành vaccine, năm 2020, CEO của Moderna Stéphane Bancel từng nói hãng sẽ “đặt giá dưới mức thị trường” trong suốt đại dịch. Moderna cũng cho biết mô hình giá cả nhiều bậc như hiện tại được căn cứ vào chỉ số của Ngân hàng Thế giới. Phía được nhận mức giá thấp nhất là cơ chế COVAX.

Vaccine Trung Quốc đôi khi đắt hơn vaccine phương Tây

Trong một số trường hợp, vaccine Trung Quốc do Sinovac và Sinopharm sản xuất còn có giá thành cao hơn so với vaccine từ phương Tây, theo Yanzhong Huang, viện sĩ cao cấp về y tế toàn cầu thuộc viện chính sách Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Mỹ).

“Đây về bản chất là thị trường mà người bán ra giá”, ông Huang nói.

Senegal, một nước thu nhập thấp, cho biết đã trả 4 triệu USD cho 200.000 liều vaccine của hãng Sinopharm, tương đương 20 USD một liều. Tuy Senegal được nhận hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới khi mua vaccine, mức giá trên vẫn tương đối cao so với một quốc gia vùng Tây Phi có mức chi cho y tế bình quân đầu người hàng năm chưa đầy 60 USD.

Ngoài ra, việc chi tiền để bảo vệ số dân cư đông đúc trước Covid-19 cũng làm tăng rủi ro những nước như Senegal phải tiêu lẹm vào các quỹ vốn dành cho mối đe dọa y tế khác.

Người dân Bangkok, Thái Lan xếp hàng chờ tiêm vaccine Sinovac. Ảnh: Reuters.

Năm nay, hai hãng Sinovac và Sinopharm mỗi bên có thể có doanh thu hơn 16 tỷ USD, theo ước tính của hãng nghiên cứu Airfinity Ltd. Cả hai công ty đều từ chối bình luận về giá vaccine.

Nhiều quốc gia đã ký thỏa thuận đắt đỏ với hai công ty Trung Quốc nói trên cùng các nhà sản xuất vaccine khác để bổ trợ cho nguồn vaccine nhỏ giọt từ cơ chế COVAX.

Những hãng dược này có “thứ mà mọi người đều muốn nên có thể tính giá cao hơn”, Nicole Hassoun, giáo sư thuộc Đại học Binghamton (Mỹ), nhận định.

Việc các nhà sản xuất vaccine nên nhận mức lợi nhuận thế nào là chấp nhận được giữa đại dịch là một câu hỏi cần được trả lời, bà Hassoun nói.

“Một việc rõ ràng vào lúc này là họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền so với chi phí sản xuất”, bà Hassoun nói.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác