Morgan Stanley: Nhân dân tệ vẫn không thể 'soán ngôi' Yên Nhật cho đến năm 2027

Linh Chi - 13/03/2018 14:12 (GMT+7)

(VNF) - Theo Morgan Stanley, mặc dù thị trường tài chính của Trung Quốc sẽ phát triển đáng kể trong thập kỷ tới, việc sử dụng đồng tiền của quốc gia này trong hệ thống tài chính toàn cầu vẫn sẽ không mấy phổ biến.

VNF
Nhân dân tệ vẫn không thể đánh bại Yên Nhật trong thập kỷ tới?

Các nhà phân tích của Morgan Stanley đã viết trong một bản báo cáo 10 năm rằng: "Mặc dù đồng Nhân dân tệ có thể tiến đến vị trí thứ 4 trong thương mại hối đoái toàn cầu, đồng tiền này vẫn không có khả năng 'vượt mặt' đồng Yên Nhật về vị trí dẫn dầu ở châu Á cho đến năm 2027. Đồng USD và đồng Euro sẽ tiếp tục là hai đồng tiền được sử dụng trong giao dịch nhiều thứ nhất và thứ hai".

Dự báo này phản ánh quan điểm của một số chuyên gia. Vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục lớn hơn nhiều so với vai trò của đồng Nhân dân tệ trong các thị trường tài chính.

Sự biến động của đồng Nhân dân tệ trong năm 2015 đã khiến các nhà đầu tư trên khắp thế giới lo ngại, bắt buộc các quan chức nước này phải thắt chặt kiểm soát vốn. Gần đây, với việc đồng nhân dân tệ đang trên đà tăng giá trở lại, các nhà quản lý có thể sẽ dần nới lỏng việc kiểm soát.

Bên cạnh đó, Morgan Stanley cũng đưa ra một số dự đoán khác về nền kinh tế toàn cầu.

Thị trường chứng khoán châu Á sẽ tăng gấp đôi lên 56 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới, vượt qua Bắc Mỹ, với Trung Quốc và Hồng Kông đạt mức tăng trưởng lớn nhất.

Trong số các "tay chơi chính" trên thị trường, chứng khoán Ấn Độ sẽ tăng nhanh nhất, vượt mức 6 nghìn tỷ USD.

Tổng tài sản bảo hiểm cho năm thị trường trọng điểm của khu vực Châu Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc, từ mức 7.000 tỷ USD vào năm 2016, sẽ đạt 20.000 tỷ USD vào năm 2027

Thị trường trái phiếu Châu Á, hiện đang ở mức 1 nghìn tỷ USD, sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, với mức rủi ro tín dụng giảm đáng kể so với các khu vực khác trên thế giới.

Trái phiếu ngoại tệ, từ mức 1,7% vào năm 2007, hiện đã chiếm 3,3% tín dụng của toàn Châu Á (không bao gồm Nhật Bản). Tỷ lệ này ở Châu Âu là 6%, vì vậy, vẫn còn cơ hội để Châu Á tiếp tục bứt phá.

Các hộ gia đình có thể đa dạng hóa các khoản đầu tư, không còn tập trung nhiều vào tiền gửi ngân hàng. Trong khi Nhật Bản có khoảng 53% tổng tài sản gửi trong các ngân hàn, và khu vực Châu Á (không bao gồm Nhật Bản) có 44%, Tây Âu chỉ có 30% và Bắc Mỹ là 14%.

Chi phí vốn cổ phần có thể giảm 0,15 điểm% trong thập kỷ tới ở châu Á.

>>> Xem thêm: Tin forex mới nhất 2018

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác