Moscow lần đầu trả nợ bằng ruble, trên bờ vực vỡ nợ vì bị Mỹ chặn thanh toán
Quỳnh Anh -
07/04/2022 13:49 (GMT+7)
(VNF) - Lần đầu tiên Nga trả nợ cho các chủ sở hữu trái phiếu ở nước ngoài bằng đồng ruble sau khi nỗ lực giải quyết khoản thanh toán 649,2 triệu USD bị một tổ chức tài chính nước ngoài từ chối theo yêu cầu của Mỹ, Bộ Tài chính Nga thông báo hôm 6/4.
Đầu tuần này, Bộ Tài chính Mỹ đã ngăn Nga thanh toán hơn 600 triệu USD cho các chủ sở hữu trái phiếu từ nguồn dự trữ trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ, đồng thời nói rằng Điện Kremlin phải lựa chọn giữa việc rút hết dự trữ USD hoặc vỡ nợ.
Đáp lại động thái từ phía Washington, trong buổi họp báo ngày 6/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Một lượng đáng kể trong kho dự trữ ngoại tệ và vàng của chúng tôi bị phong tỏa ở nước ngoài, vì vậy nếu việc ngăn chặn này tiếp tục và các khoản thanh toán không được thực hiện, chúng sẽ được xử lý bằng đồng ruble”.
Tuy nhiên, đại diện Điện Kremlin có nói thêm rằng nếu phương án thanh toán bằng đồng ruble cho trái phiếu ngoại tệ không được chấp nhận, thì “về lý thuyết, tất nhiên, một tình huống vỡ nợ có thể xảy ra nhưng đây sẽ là một tình huống hoàn toàn nhân tạo” và "không có căn cứ cho một vụ vỡ nợ thực sự".
Ông Peskov khẳng định “Nga có mọi nguồn lực cần thiết để giải quyết các khoản nợ của mình”, vì vậy, việc lập luận rằng Nga sắp vỡ nợ là không đúng, vì Nga có đủ tiền để trả nợ, chỉ là không thể tiếp cận được số tiền này, ám chỉ đến nguồn dự trữ vàng và ngoại tệ trị giá khoảng 640 tỷ USD nhưng có một nửa đã bị đóng băng vì các lệnh trừng phạt.
Trước đó, dù đóng băng một nửa ngoại hối nhưng phía Mỹ vẫn cho phép các ngân hàng đại lý giúp Nga xử lý các giao dịch bằng ngoại tệ để hỗ trợ các chủ nợ nước ngoài, những người đang nắm giữ một nửa trong số 40 tỷ USD nợ ngoại tệ của Nga.
Tuy nhiên, cáo buộc về vụ thảm sát dân thường tại Bucha (Ukraine) đã khiến Mỹ và các đồng minh siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt với Moscow.
"Việc chặn thanh toán sẽ làm cạn kiệt thêm các nguồn lực mà ông Putin đang sử dụng để tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine và sẽ gây ra nhiều bất ổn và thách thức hơn cho hệ thống tài chính của Nga", người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ nói với CNN hồi đầu tuần.
Theo đó, dù Nga cố giữ giá trị đồng ruble bằng cách tăng lãi suất hay buộc các khách hàng mua năng lượng phải thanh toán bằng ruble, nhằm cứu vãn nền kinh tế khỏi các lệnh trừng phạt, nhưng việc cấm Nga tiếp cận ngoại tệ gần như chắc chắn sẽ buộc nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ, hoặc sẽ phải trả lãi cao hơn cho các khoản nợ của mình.
Lần gần đây nhất Nga vỡ nợ nội địa là khi đất nước rơi vào khủng hoảng tài chính do giá hàng hóa sụt giảm vào năm 1998. Vụ vỡ nợ ngoại tệ gần đây nhất xảy ra vào năm 1918 khi nhà lãnh đạo Bolshevik Vladimir Lenin từ chối trái phiếu do Chính phủ Nga hoàng phát hành.
Nếu chính phủ Nga vỡ nợ, thiệt hại của các nhà đầu tư có thể bắt đầu tăng lên, mặc dù các nhà đầu tư phương Tây ít tiếp xúc với Nga hơn trước đây.
Các khoản thanh toán lãi suất đến hạn vào ngày 6/4 đi kèm với thời gian ân hạn 30 ngày. Nhưng các cơ quan xếp hạng tín dụng có thể tuyên bố Nga sẽ vỡ nợ trước khi giai đoạn đó kết thúc nếu Moscow nói rõ rằng họ không có ý định trả tiền.
Ngoài quyết định cắt đứt khả năng tiếp cận ngoại tệ của Nga từ Bộ Tài chính, chính quyền Biden hôm 6/4 cũng công bố các lệnh trừng phạt mới đối với các tổ chức tài chính và cá nhân của Nga, bao gồm cả hai con gái của Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng vợ và con gái của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone