Một thị trường hưởng lợi 2 FTA: Hàng Việt rộng đường sang Anh
(VNF) - Việc hưởng ưu đãi của 2 hiệp định CPTPP và UKVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, thúc đảy tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
Dự kiến, ngày 15/12/2024, thỏa thuận về việc Vương quốc Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực.
Như vậy, bên cạnh Hiệp định thương mại tự do song phương là UKVFTA, Việt Nam có thêm những chính sách theo CPTPP với thị trường Anh.
Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các nước
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, những điểm nổi bật trong cam kết của Vương quốc Anh trong văn kiện gia nhập CPTPP mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Theo đó, về phía Việt Nam, chúng ta đã đạt được mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của Hiệp định và cao hơn cho Việt Nam trong một số nội dung quan trọng đối với ta so với cam kết cho các nước thành viên khác, cũng như cao hơn cam kết trong FTA song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Vương quốc Anh tạo ra lợi thế lớn của Việt Nam so với các thành viên khác của CPTPP được đánh giá là tác động tích cực lớn nhất đối với nước ta của việc Anh gia nhập CPTPP.
Cụ thể, về ưu đãi thuế quan, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 93,9% (chung cho các nước CPTPP) và 94,4% (riêng cho Việt Nam) số dòng thuế.
Số dòng thuế có sự khác biệt về thuế suất giữa các nước CPTPP là 181 dòng, tập trung vào các mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gà, gạo, đường, trứng, một số loại hoa quả và phương tiện vận tải. Trong số này, Vương quốc Anh cam kết dành hạn ngạch thuế quan với lượng hạn ngạch chung và riêng cho từng nước tùy theo mỗi mặt hàng.
Về lộ trình xóa bỏ thuế quan của Vương quốc Anh, lộ trình dài nhất đối với các mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam là 11 năm (có 53 dòng thuế đối với các sản phẩm từ sữa, tương đương 0,56% tổng số dòng thuế).
Về hạn ngạch thuế quan (TRQ), đối với Việt Nam, ta được hưởng TRQ chung với một số nước CPTPP đối với các mặt hàng thịt lợn (10,000 - 55,000 tấn/năm), thịt gà (2,000 -10,000 tấn/năm), đường (4,500 - 25,000 tấn/năm), với lộ trình tăng dần trong 10 năm áp dụng theo nguyên tắc "doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp trước".
Riêng đối với mặt hàng gạo, Việt Nam được hưởng TRQ riêng với lộ trình 8 năm, tăng dần từ 3,300 tấn/năm trong năm thứ 1 lên đến 17,500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 trở đi. Lượng hạn ngạch gạo cam kết riêng cho Việt Nam lớn gần gấp đôi hạn ngạch gạo Vương quốc Anh cam kết chung với các nước Brunei, Chi-lê, Malaysia, Pê-ru (tối đa 10.000 tấn vào năm 10) và tăng dần trong lộ trình ngắn hơn (8 năm cho Việt Nam so với 10 năm cho các nước trên).
Về lao động, việc làm, xã hội, các ngành mà Anh có thế mạnh xuất khẩu như máy móc, thiết bị công nghệ cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng đều không cạnh tranh mà có tính bổ trợ cho các ngành thế mạnh của Việt Nam. Do đó, sẽ không phát sinh cạnh tranh đáng kể về công ăn việc làm, mà còn giúp phát triển thị trường lao động và gia tăng việc làm trong các lĩnh vực tương ứng tại Việt Nam.
Thêm cơ sở công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Thời gian qua, nhờ lợi thế FTA, xuất khẩu sang thị trường Anh liên tục tăng cao qua các năm. Đơn cử, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Anh đạt 6,61 tỷ USD, tăng 17,24%;Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Anh đạt 6,83 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ; năm 2023, đạt 7,14 tỷ USD, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam xuất khẩu sang Anh chủ yếu là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép các loại; hàng dệt, may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
Theo giới chuyên gia, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho Việt Nam. Đồng thời, góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Anh tại khu vực này; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Anh.
Đặc biệt, việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để nước ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Ở góc độ đa phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành một hiệp định mang tính toàn cầu, đồng thời góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về kinh tế, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Vương quốc Anh luôn là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, những kết quả đàm phán Việt Nam đã đạt được sẽ thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại- đầu tư của Việt Nam với Vương quốc Anh, đặc biệt tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn.
Hưởng lợi CPTPP: Hàng Việt Nam tăng tốc vào Canada
- Dệt may, da giày vào Canada ngày càng khó khăn hơn 14/10/2024 03:45
- 'Hạt ngọc' Việt Nam có giá đắt đỏ nhất thế giới 12/10/2024 01:45
- Kỳ vọng xuất khẩu sẽ 'vươn mình' trong năm 2024 26/01/2024 10:55
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.