'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Những thương vụ M&A tỷ đô
Mới đây, một số ngân hàng đã công bố những thương vụ bán vốn, bán công ty con cho các đối tác nước ngoài với giá trị lên đến hàng tỷ đô.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố thương vụ bán thành công 15% vốn điều lệ cho Tập đoàn Tài chính SMBC Nhật Bản với giá gần 36 nghìn tỷ đồng. Khoản đầu tư này sẽ giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng, vươn lên trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất nhì hệ thống.
Trước đó, 49% vốn của FE Credit (công ty con của VPBank) cũng đã được bán cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (một thành viên của Tập đoàn SMBC). Tính đến thời điểm hiện tại, đây là thương vụ M&A có quy mô lớn nhất ngành tài chính Việt Nam với giá trị giao dịch lên đến 1,4 tỷ USD. Thương vụ này giúp VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) diễn ra vào ngày 11/4, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT đã thông tin về giá trị của thương vụ bán SHB Finance cho đối tác nước ngoài. Ông Hiển cho biết, SHB và đối tác Krungsri đang hoàn tất các thủ tục hành chính cuối cùng trong thương vụ bán SHB Finance hồi năm 2021. Dự kiến trong tháng 4 này, 2 bên sẽ hoàn thành các thủ tục và sang tháng 5, đối tác sẽ trả 50% giá trị thương vụ, phần còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau.
Krungsri từng tiết lộ ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD (3.500 tỷ VND) để mua lại SHB Finance. Như vậy, đây sẽ là thương vụ có quy mô lớn thứ hai trong ngành tài chính Việt Nam.
Còn tại ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) diễn ra vào ngày 13/4, nhà đầu tư đặt câu hỏi với ban lãnh đạo về lộ trình sáp nhập các đơn vị khác trong cùng ngành, mở thêm chi nhánh mới và lộ trình bán vốn tại ACBS. Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB Trần Hùng Huy cho biết, trong nhiều năm trở lại đây chưa có một ngân hàng phù hợp để M&A. ACB vẫn tập trung thị trường nội địa, chưa có ý định mở thêm chi nhánh nước ngoài.
Chủ tịch ACB cũng cho hay, trước đó, nhà băng này có chủ trương tìm kiếm đối tác để phát triển ACBS. Nhưng đại dịch Covid đã khiến kế hoạch này bị hoãn lại. ACB vẫn có nhu cầu tìm kiếm các đối tác có năng lực bổ trợ cho ngân hàng.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác lại chuẩn bị sáp nhập các định chế tài chính khác để mở rộng hệ sinh thái.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) dự kiến trình cổ đông tại đại hội kế hoạch góp vốn, mua cổ phần một công ty trong lĩnh vực chứng khoán để công ty đó trở thành công ty con của HDBank.
Lãnh đạo HDBank cho biết, lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai. Việc đầu tư vào công ty chứng khoán có thể giúp ngân hàng mở rộng và khai thác hiệu quả hơn nữa tệp khách hàng hiện hữu, thông qua việc cung cấp các dịch vụ như: tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp… Ngoài ra, việc này còn giúp bán chéo sản phẩm, cung cấp dịch vụ thu chi hộ..., từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngân hàng.
Công ty chứng khoán mà HDBank dự định đầu tư sẽ cần đáp ứng một số điều kiện như: được cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán; có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; có lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp gần nhất và đáp ứng các quy định của pháp luật.
Ngày 8/4 vừa qua, Petrolimex đã hoàn thành việc thoái 40% vốn tại PGBank. Đồng thời, ngân hàng này cũng đón 4 nhà đầu tư mới, trong đó, có 3 cổ đông tổ chức và 1 cá nhân.
Việc thoái vốn của Petrolimex giúp PGBank có cơ hội tìm kiếm nhóm cổ đông chiến lược mới có tiềm lực để tăng vốn sau 12 năm đứng im. Hiện PGBank là ngân hàng có vốn điều lệ và tổng tài sản thấp nhất hệ thống.
Sáp nhập ngân hàng yếu kém: Cơ hội cho cả hai phía
Bên cạnh những thương vụ mua bán, nhiều tổ chức tín dụng cũng đang chuẩn bị kế hoạch sáp nhập ngân hàng yếu kém.
Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém đang được Chính phủ đốc thúc. Nhiều ngân hàng có tiềm lực mạnh sẵn sàng gánh vác lộ trình phục hồi các nhà băng yếu kém.
Hồi cuối tháng 3, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Theo đó, MSB kiến nghị cổ đông cho phép sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng.
Hiện có 4 ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu. Đó là Ngân hàng Đông Á (DongABank), Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Riêng với Ngân hàng Sài Gòn (SCB), từ giữa tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã đưa đơn vị này vào diện kiểm soát đặc biệt. Việc này để ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Xăng dầu (PGBank) cũng thuộc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập do cổ đông lớn và sáng lập là Tổng Công ty Xăng dầu – Petrolimex không tiếp tục được đầu tư nắm giữ ngân hàng theo quy định.
Theo chuyên gia tài chính, các thương vụ sáp nhập ngân hàng yếu kém trong thời gian tới không giống như các thương vụ trước đây. Đó là sự kết hợp không theo hình thức “hôn nhân” giữa hai tổ chức tín dụng mà là theo mô hình mẹ - con, nghĩa là các bên tách ra để tập trung giải quyết khoản lỗ và độc lập tài chính rồi mới tính đến chuyện sáp nhập.
Theo đó, các ngân hàng yếu kém được các ngân hàng lớn nhận về theo mô hình công ty con. Ngân hàng yếu được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH một thành viên do ngân hàng nhận chuyển giao là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
Với các ngân hàng “con” được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được hoạt động độc lập, không bị “cõng nợ” ngay vào báo cáo tài chính ngân hàng. Đồng thời, cách tính các chỉ số an toàn vốn, chính sách về cổ tức, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ… cũng độc lập giữa ngân hàng con và ngân hàng mẹ.
Dù làn sóng M&A ngân hàng yếu mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng hệ thống ngân hàng đang có sự khởi động đáng mừng. Trước mắt, sự tham gia của nhiều ngân hàng lớn trong nước đang là cơ hội cho cả hai phía.
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích, cho phép các ngân hàng lớn mua lại hay sáp nhập các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém để hỗ trợ các ngân hàng này cũng như để tránh những tín hiệu xấu trong hệ thống ngân hàng.
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.