'Mùa đông' đang đến với TTCK: Chọn cổ phiếu nào có tỷ suất cổ tức cao?

Thanh Long - 12/10/2022 10:56 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều nhà đầu tư chọn chiến lược phòng thủ, ưu tiên các cổ phiếu có tỷ suất cổ tức hấp dẫn, thậm chí có thể cao hơn lãi suất ngân hàng. Việc nhiều cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian qua cũng khiến tỷ suất cổ tức trở nên hấp dẫn hơn.

VNF
'Mùa đông' đang đến với TTCK: Chọn cổ phiếu nào có tỷ suất cổ tức cao?

Các ngân hàng gần đây đang tiến vào cuộc đua tăng lãi suất. Ở kỳ gần nhất, Techcombank đã tăng lãi suất từ 6%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng lên 7,7%/năm. Các ngân hàng khác cũng không ngồi yên, phải vào cuộc tăng lãi suất để giữ khách. Có ngân hàng như SCB đã tăng lãi suất lên đến 8,9%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng; trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng lĩnh lãi cuối kỳ lần lượt là 7,95%/năm và 8,25%/năm; kỳ hạn 9-12 tháng trong khoảng 8%-8,55%/năm.

Việc các ngân hàng tăng mạnh lãi suất là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường chứng khoán "sập" mạnh trong thời gian qua. Với việc các kênh huy động vốn cho nền kinh tế (ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, bất động sản) đều gặp khó như hiện nay, cộng thêm động lực tăng trưởng khả dĩ nhất là đầu tư công không được phát huy, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ diễn biến không mấy khả quan trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư chọn chiến lược phòng thủ, ưu tiên các cổ phiếu có tỷ suất cổ tức hấp dẫn, thậm chí có thể cao hơn lãi suất ngân hàng. Việc nhiều cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian qua cũng khiến tỷ suất cổ tức trở nên hấp dẫn hơn.

Cổ phiếu NDN: Tỷ suất cổ tức 27,4%

Cổ phiếu NDN của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng có giá chốt phiên 11/10 đạt 7.300 đồng/cổ phiếu. Vào tháng 3 vừa qua, công ty đã thực hiện việc chia cổ tức 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ là 20%, tức mỗi cổ phiếu nhận được 2.000 đồng. Với việc giá cổ phiếu NDN giảm mạnh trong thời gian qua, tỷ suất cổ tức đã tăng tới mức 27,4%.

Trong năm 2021, tình hình kinh doanh của công ty sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu lũy kế cả năm giảm mạnh 40,8% về 509,43 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 26,7% về 235,69 tỷ đồng. Vào ngày 7/12/2021 ông Nguyễn Quang Trung, Tổng giám đốc công ty, bị bắt tạm giam 4 tháng với hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí”. Tuy nhiên, công ty vẫn thực hiện trả cổ tức cho cổ đông đúng như kế hoạch.

Về mặt hoạt động kinh doanh, sau khi thay đổi lợi nhuận sau thuế bán niên sau soát xét, NDN đã ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ sâu hơn. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trong quý II của công ty ghi nhận âm 114,3 tỷ đồng, và lũy kế 2 quý đầu là âm 95,2 tỷ đồng. 

Lợi nhuận sau thuế của công ty các năm trở lại đây cũng có sự biến động mạnh. Lợi nhuận sau thuế trong năm 2018 và 2019 của công ty lần lượt đạt 88 và 68,4 tỷ đồng trước khi tăng mạnh vào 2 năm sau đó và đạt 329,2 và 251,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, NDN đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền hàng năm với mức trả nhiều nhất là 22%, tương ứng với một cổ phiếu được 2.200 đồng vào năm 2015. Ngoài ra, công ty cũng đã mở các đợt chào bán cổ phiếu ưu đãi và thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu một vài năm. 

Một điểm cũng cần lưu ý là việc cổ phiếu này không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý IV do báo cáo tài chính bán niên năm 2022 có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.

Cổ phiếu HMC: Tỷ suất cổ tức 23%

Vào ngày 21/6/2022, cổ phiếu HMC của Công ty Cổ phần Kim khí TP. HCM đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ lần lượt là 45% và 100:30. Nói cách khác, mỗi cổ phiếu được giao dịch trước ngày 20/6 sẽ nhận được 4.500 đồng. Giá đóng cửa của cổ phiếu này vào ngày 20/6 là 19.600 đồng/cổ phiếu, tức tỷ suất cổ tức đạt 22,96%. Hiện nay, sau khi niêm yết bổ sung khoảng 6,3 triệu cổ phiếu, giá cổ phiếu HMC đang đạt 12.500 đồng/cổ phiếu.

HMC vừa thông qua Nghị quyết về việc thoái toàn bộ hơn 6,7 triệu cổ phần (tương đương 31,16% vốn điều lệ) của Công ty Cổ phần Thép Đà Nẵng (DNS). Về tình hình kinh doanh, lợi nhuận sau thuế luỹ kế 2 quý đầu của HMC giảm mạnh và chỉ tương đương 26% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt 31,37 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn cho các cổ đông từ năm 2009 cho tới nay.

Cổ phiếu GMC: Tỷ suất cổ tức 21,6%

Cổ phiếu GMC của Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn ghi nhận giá đóng cửa đạt 13.900 đồng/cổ phiếu. Trên thực tế, giá cổ phiếu GMC đã ghi nhận đà giảm mạnh kể từ mức 23.400 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 8 cho tới nay. Vào ngày 14/9 vừa qua, công ty đã thực hiện trả cổ tức 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%, tức mỗi cổ phiếu nhận được 3.000 đồng. Đây cũng là mức chi trả cổ tức cao nhất của cổ phiếu này.

Trong 1 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của GMC có phần đi xuống. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế luỹ kế của công ty trong năm 2021 lần lượt đạt 1.047 và 44 tỷ đồng, tương đương với giảm 28% và 6%. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế bán niên 2022 của công ty đạt khoảng 4 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty đã thực hiện chi trả cổ tức đúng theo kế hoạch đề ra. Về phương án sử dụng vốn 200 tỷ đồng để đầu tư trong năm 2022, đại diện GMC cho biết định hướng của việc này để mua nhà máy và nâng cấp máy móc, trang thiết bị.

Cổ phiếu TDN: tỷ suất cổ tức 17%

Giá cổ phiếu TDN của Công ty Cổ phần Than Đèo Nai đã liên tục ghi nhận đà giảm sâu, kể từ mức 13.600 đồng/cổ phiếu đầu tháng 9, giá đã giảm về 8.200 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên 11/10. Vào tháng 5 vừa qua, DHA đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả đạt 17%. Với việc giá liên tục giảm, nếu giá trị cổ tức được trả giữ nguyên, tỷ suất cổ tức của cổ phiếu này sẽ đạt 17%.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm nay lại ghi nhận sự sụt giảm, lần lượt đạt 6,95 tỷ đồng và 5,6 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế của DHA giảm mạnh khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. 

Cổ phiếu TCL: Tỷ suất cổ tức 13%

Cổ phiếu TCL của Công ty Cổ phần Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng đã ghi nhận đà giảm sâu. Cụ thể, giá của cổ phiếu này đã giảm từ mức 38.800 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 8/2022 xuống mức 31.500 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên 11/10 (tính theo giá điều chỉnh).

Vừa qua, doanh nghiệp này cũng đã thực hiện trả cổ tức 2021 bằng tiền mặt với giá trị đạt 42% mệnh giá, tức mỗi cổ phiếu nhận được 4.200 đồng. Giả sử TCL giữ nguyên giá trị cổ tức, với mức giá như hiện tại, cổ phiếu này đang có tỷ suất cổ tức đạt hơn 13%.

Tình hình kinh doanh của TCL trong năm 2022 có phần tươi sáng hơn so với năm trước. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế luỹ kế bán niên của doanh nghiệp trong năm nay đạt 60,8 tỷ đồng, tăng 9,55 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương 18,6%.

Kể từ năm 2010 trở lại đây, ngoại trừ một đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu vào năm 2019, TCL đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt hằng năm. Giá trị cổ tức lớn nhất từng được công tỷ trả cho cổ đông là 50% tức 5.000 đồng mỗi cổ phiếu vào năm 2021.

Cổ phiếu VEA: Tỷ suất cổ tức 10,45%

Cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có giá 43.000 đồng/cổ phiếu kết phiên giao dịch gần nhất.

Vừa qua công ty có thông báo về việc trả cổ tức 2021 bằng tiền mặt. Cụ thể, mỗi cổ phiếu sẽ nhận được giá trị cổ tức là 4.493,7 đồng. Với mức giá như hiện tại, tỷ suất cổ tức của cổ phiếu này sẽ đạt 10,42%. Ngày đăng ký cuối cùng của lần phát hành cổ tức này là 31/10/2022 và dự tính thanh toán vào ngày 30/11/2022.

Kể từ năm 2018 tới nay, VEA đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông hằng năm. Tháng 1/2021, VEA trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với giá trị lên tới 52,53% tức mỗi cổ phiếu nhận được 5.253 đồng.

Cổ phiếu TVT: Tỷ suất cổ tức 9,43%

Cổ phiếu TVT của Tổng Công ty Việt Thắng có mức giá đóng cửa phiên 11/10 đạt 26.500 đồng/cổ phiếu. Ngày 23/9 vừa qua, công ty đã thực hiện trả cổ tức 2021 với mức giá trị đạt 25% mệnh giá, tức mỗi cổ phiếu nhận được 2.500 đồng. 

Về tình hình kinh doanh của công ty, TVT hiện có lợi nhuận sau thuế luỹ kế trong 2 quý đầu năm 2022 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết việc chi phí tài chính (chủ yếu do lãi vay) và chi phí quản lý doanh nghiệp (chủ yếu do chi phí thuê đất) tăng khiến cho lợi nhuận của công ty cổ phần sụt giảm dù lãi gộp khả quan hơn.

Công ty đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt liên tục kể từ năm 2018 tới nay. Mức cổ tức nhiều nhất được thực hiện vào năm 2019 với giá trị 100% mệnh giá, tức mỗi cổ phiếu nhận 10.000 đồng.

Cổ phiếu PGD: Tỷ suất cổ tức 8,96%

Kể từ năm 2014, Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt hằng năm. Công ty mới chỉ thực hiện một lần thưởng cổ phiếu và bán ưu đãi cho các cổ đông vào các năm 2015 và 2014.

Tháng 8 vừa qua, công ty đã thực hiện trả cổ tức 2021 với giá trị chi trả đạt 2.500 đồng mỗi cổ phiếu. Với mức giá đóng cửa phiên 11/10 của cổ phiếu PGD là 27.900 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức của cổ phiếu này tăng lên mức 8,96%.

Tình hình kinh doanh của công ty khá tốt khi doanh thu và lợi nhuận 2 quý đầu năm 2022 của PGD tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế luỹ kế bán niên của PGD đạt gần 158 tỷ đồng, tăng khoảng 61% so với năm trước.

Cổ phiếu VMD: Tỷ suất cổ tức 8,57%

Cổ phiếu VMD của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex ghi nhận giá chốt phiên 11/10 đạt 23.650 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 6 của VMD trong 20 phiên giao dịch gần nhất, trong đó có một phiên tăng trần.

Vimedimex đã thực hiện trả cổ tức hằng năm cho cổ đông đều đặn kể từ năm 2010. Tháng 6/2021, công ty này cũng đã thực hiện trả cổ tức 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả đạt 20%, tương ứng với mỗi cổ phiếu nhận 2.000 đồng. Công ty hiện chưa có thông báo về việc trả cổ tức 2021 nhưng nếu mức chi trả được giữ nguyên, tỷ suất cổ tức của VMD sẽ đạt 8,57%.

Cùng chuyên mục
Tin khác