Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro. Ngoài hệ lụy từ Covid-19, khủng hoảng Nga - Ukraine càng làm trầm trọng hơn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ra những bất ổn về năng lượng, lương thực và tài chính. Lạm phát tăng cao kỷ lục là vấn nạn mà nhiều quốc gia phát triển phải đối mặt ngay lúc này.
Dù nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những bước phục hồi tích cực trong thời gian gần đây, đặc biệt là lạm phát được kiềm chế ở mức hợp lý, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp… nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tác động của các rủi ro kinh tế toàn cầu đến Việt Nam có độ trễ, vì vậy các doanh nghiệp cần cẩn trọng với những thách thức sắp tới. Trong đó, các startup - chủ thể non trẻ của nền kinh tế - cũng được dự báo sẽ gặp khó khi “mùa đông khởi nghiệp” đang tới dần.
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, ông Ngô Hoàng Đông, CEO Quỹ Onebit Ventures, Giám đốc Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ, cho rằng hậu đại dịch, mọi thứ đang vận động bình thường trở lại, số lượng doanh nghiệp quay về thị trường ngày một tăng, các ngành dịch vụ như du lịch, vận tải, giáo dục... đã thoát khỏi tình trạng “đóng băng” và dần khôi phục nhờ mở cửa kinh tế.
Đồng thời, so với các năm trước, điều kiện kinh doanh hiện đã cải tiến và cởi mở hơn rất nhiều, nhờ đó thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trẻ. Với sự giúp sức của chính phủ và các bộ ban ngành, nhiều chương trình, dự án đã được ra đời để hỗ trợ startup. Bên cạnh đó, cũng có thêm nhiều chính sách miễn giảm thuế, cung cấp các điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đặc biệt quy trình dành riêng cho startup cũng đã được ban hành để tạo điều kiện cho họ phát triển.
“Tôi tin rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ ngày càng hấp dẫn hơn với quy trình và thủ tục cải tiến, tinh gọn và minh bạch hơn”, CEO Quỹ Onebit Ventures bày tỏ.
Có lẽ vì môi trường đang rất phù hợp để nuôi dưỡng các startup nên vài năm gần đây các quỹ đầu tư mạo hiểm cứ “rồng rắn” tiến bước vào thị trường Việt Nam. “Đây là tín hiệu tốt, đúng là môi trường đầu tư của nước ta đang khá hấp dẫn. Chúng ta sở hữu số lượng lớn nhân sự công nghệ có trình độ cao, không hề thua kém các khu vực phát triển khác như châu Âu, châu Mỹ, Nhật, Hàn... mà chi phí cho nhân sự lại thấp hơn khá nhiều. Chúng ta cũng là 1 trong 20 quốc gia có lượng người sử dùng Internet nhiều nhất thế giới. Kết hợp với năng lực học hỏi và phổ cập công nghệ cao, Việt Nam thu hút nhiều startup cũng là điều dễ hiểu”, ông Ngô Hoàng Đông nhận xét.
Cùng quan điểm, bà Phạm Ngọc Bích, đại diện Quỹ Nextrans Việt Nam, cho biết số lượng quỹ đầu tư đặt chân vào Việt Nam gia tăng cũng đưa số thương vụ đầu tư, số vốn đầu tư vào các startup tăng lên đáng kể trong những năm qua, là một tín hiệu tích cực không chỉ dành riêng cho startup trong lĩnh vực cụ thể nào mà là cho cả hệ sinh thái startup. Nhìn lại năm 2021, bất chấp tác động của dịch bệnh, số vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đã đạt con số lớn nhất từ trước đến nay với 1,4 tỷ USD, gấp 1,6 lần so với năm 2019 (năm trước đại dịch).
“Điều này càng chứng tỏ Việt Nam là một thị trường tiềm năng dành cho startup với rất nhiều điều kiện thuận lợi như dân số trẻ, tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, cùng với số người sử dụng Internet chiếm 70% số dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu chi trả, mua sắm lớn hơn. Các startup Việt Nam cũng đang trưởng thành đến một mức độ nhất định, nhiều startup tiến đến các giai đoạn “Later stage” (các vòng gọi vốn để mở rộng kinh doanh - PV). Tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã có tổng cộng 4 startup kỳ lân”, bà Phạm Ngọc Bích bình luận.
Ở chiều hướng thận trọng, ông Ngô Hoàng Đông nhận định trong giai đoạn nền kinh tế vừa mở cửa trở lại, các doanh nghiệp khi tái cấu trúc, tái hoạt động sẽ đối diện với không ít khó khăn, điển hình là gánh nặng về tài chính sau những năm Covid đầy khắc nghiệt, trong đó bao gồm các chi phí thuê mặt bằng, chi phí thanh toán lương, chi phí sắm sửa trang thiết bị và nhiều chi phí phát sinh khác... Cùng với việc cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, nhân sự cũng là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.
Các startup cũng có những khó khăn riêng. Tuy các yếu tố vĩ mô đang thuận lợi, nhiều chính sách cởi mở hơn cho cả nhà đầu tư và startup, song sự dịch chuyển dòng tiền trong giai đoạn này lại tạo ra thách thức mới.
Chẳng hạn thị trường chứng khoán lao dốc, VN-Index từ mốc lịch sử 1.500 điểm nay chỉ còn trên dưới vùng 1.200 điểm, cùng đó là thanh khoản cũng giảm đi rõ rệt, phản ánh thực trạng kém sắc của dòng tiền tại kênh này. Sự ảm đạm cũng bao phủ thị trường crypto (tiền mã hóa), tiêu biểu đồng Bitcoin đã mất mốc “đỉnh” 68.000 USD và lao thẳng xuống vùng 19.000 - 20.000 USD sau khi nhà đầu tư có xu hướng rút vốn ồ ạt khỏi những tài sản rủi ro cao. “Với các quỹ đầu tư mạo hiểm, hai thị trường trên có sự liên quan mật thiết và khi thị trường biến động không tốt thì kéo theo dòng tiền từ các quỹ chảy vào các startup cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với giai đoạn vàng 2020 - 2021”, CEO Quỹ Onebit Ventures cho hay.
Nói thêm về năm 2021, bà Phạm Ngọc Bích cho biết thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của các thương vụ đầu tư vào startup với hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp mới gia nhập câu lạc bộ kỳ lân (định giá từ 1 tỷ USD). Bên cạnh đó, nhiều startup chỉ mới ra đời nhưng cũng nhanh chóng huy động được số vốn hàng triệu USD. Nhưng có vẻ đó đã là câu chuyện của quá khứ, theo bà Bích.
Dòng tiền “nhỏ giọt” và thiếu ổn định, cùng với bất ổn địa chính trị gia tăng... là các yếu tố khiến nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hay vườn ươm khởi nghiệp lên tiếng cảnh báo về một “mùa đông” của các startup. Hiểu đơn giản, “mùa đông khởi nghiệp” là thuật ngữ chỉ giai đoạn ảm đạm của thị trường, các startup sẽ khó khăn hơn trong việc gọi vốn và nhiều nhà sáng lập phải nói lời “dừng cuộc chơi”.
Đánh giá kỹ lưỡng hơn, bà Phạm Ngọc Bích cho rằng các startup ở Việt Nam cũng gặp phải một số cản trở về cơ chế, chẳng hạn như một vài quy định hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của các lĩnh vực mới. Trong khi đó, điều kiện và quy trình đầu tư vào các startup nhìn chung còn phức tạp với nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng trong nước chưa đáp ứng đủ để các startup tạo sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc thị trường chưa sẵn sàng để tiếp nhận những sản phẩm, dịch vụ mới đã phổ biến ở các quốc gia phát triển khác cũng là điểm bất lợi cho các startup Việt Nam.
Theo bà Phạm Ngọc Bích, quy trình đầu tư tại Việt Nam hiện chưa tinh gọn, còn nhiều thủ tục và thậm chí là quá rườm rà so với các nước lân cận. Ví dụ, nếu ở Việt Nam phải mất khoảng 3 tháng để hoàn tất thủ tục thì ở Singapore có thể diễn ra chỉ trong 3 ngày, gây ra sự chênh lệch lớn giữa thời gian hoàn thành thương vụ đầu tư ở hai quốc gia.
Mặt khác, vấn đề thuế cũng rất đáng quan tâm. Thuế trên số tiền nhận được sau khi thoái vốn mà quỹ đầu tư phải nộp ở Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh so với các quốc gia khác. Nhiều thương vụ thoái vốn đã chuyển sang Singapore để được hưởng thuế ưu đãi hơn. “Tựu trung, đây là 2 vấn đề khá điển hình và nhà nước cũng đang trong quá trình nghiên cứu để đưa ra những chính sách tốt hơn cho các nhà đầu tư”, bà Phạm Ngọc Bích nói.
Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn thiếu ổn định, ông Ngô Hoàng Đông cho rằng các startup cần tối ưu sản phẩm hơn, ứng dụng thực tế hơn vì đây là giai đoạn thanh lọc. Những dự án tiềm năng, đội ngũ nhân sự phát triển tốt, định hướng sản phẩm và kế hoạch tài chính khả thi sẽ có thể đi dài hơi, thu hút được nguồn tiền từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Theo ông Đông, nếu như trong giai đoạn thị trường tốt, dòng vốn ồ ạt chảy vào startup dẫn đến tình trạng dự án không tốt nhưng vẫn nhận được đầu tư, thì giai đoạn này sẽ có sự khác biệt. Hiện chỉ có những dự án thực sự ưu tú mới lọt vào “mắt xanh” của các quỹ đầu tư mạo hiểm và chỉ có các dự án làm thật, ăn thật, tâm huyết, thể hiện rõ nét được năng lực, kỳ vọng mới có thể chinh phục các nhà đầu tư.
“Ở Onebit Ventures cũng vậy, bên tôi sẽ không đầu tư vào các dự án “trên mây”, các dự án không khả thi, các dự án theo xu hướng (trend), lướt sóng... mà sẽ tập trung vào các dự án được tối ưu từ truyền thống đi lên. Tôi nghĩ đây là một hướng đi lâu dài, giảm bớt được rủi ro trong giai đoạn này”, CEO Onebit Ventures nói thêm.
Đại diện Nextrans Việt Nam “hiến kế” cho các startup: “Để nắm bắt cơ hội khi rủi ro suy thoái kinh tế hiện hữu, startup phải dự đoán trước các biến động của thị trường và xây dựng cho mình những kịch bản để đương đầu với mọi tình huống”. Ví dụ trong cuộc khủng hoảng kinh tế lần này, không chỉ gây ra những tác động xấu đến doanh nghiệp và startup như định giá giảm, tình hình gọi vốn khó hơn... mà cũng là điều kiện để đưa các doanh nghiệp trở về giá trị thực sự của mình sau giai đoạn hưng phấn trên toàn thị trường, có thể coi là một sự thanh lọc cần thiết cho sự phát triển bền vững lâu dài của startup và của cả quỹ đầu tư.
Về “khẩu vị” của các quỹ đầu tư mạo hiểm, theo đại diện Nextrans Việt Nam, xu hướng đầu tư hiện tại nghiêng về các doanh nghiệp công nghệ hoặc ứng dụng công nghệ vào một lĩnh vực bất kỳ để giải quyết vấn đề tồn tại trên thị trường. “Dưới con mắt tìm kiếm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp được đầu tư phải giải quyết bài toán đó tốt nhất thị trường với sản phẩm/dịch vụ tốt nhất cùng mức giá cạnh tranh nhất, hoặc doanh nghiệp có một mô hình kinh doanh hiệu quả và đột phá”, bà Phạm Ngọc Bích nhấn mạnh.
“Đại dịch đã làm thay đổi hành vi của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, đẩy nhanh sự phát triển và thích nghi của những xu hướng mới trong tiêu dùng, từ lĩnh vực mua sắm tới giáo dục, y tế, hay lĩnh vực phần mềm. Những lĩnh vực này có nhiều cơ hội cho startup và cũng là những lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư tiếp tục theo dõi trong thời gian tới”, bà Phạm Ngọc Bích chia sẻ và cho biết Nextrans đang tập trung đầu tư vào các startup công nghệ ở giai đoạn “Early stage” và đầu tư đa dạng vào tất cả các ngành, bao gồm SaaS, HR tech, fintech, edtech, proptech, commerce, logistics, medtech, electric vehicles...
>>> Xem thêm: Đọc gì trên Đặc san Toàn cảnh Đầu tư Tài chính Việt Nam?
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.