Mỹ 'bắn tên vào gót chân Achilles' của Huawei

Phương Vũ - 22/05/2019 15:11 (GMT+7)

Lệnh cấm mua linh kiện Mỹ đã đánh trúng vào điểm yếu của Huawei, có thể khiến cả mảng điện thoại và viễn thông của họ chịu ảnh hưởng.

VNF
Logo ở bên ngoài cơ sở nghiên cứu của Huawei tại Canada. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Trump tuần trước cấm các công ty Mỹ bán cho Huawei những linh kiện quan trọng đã giúp tập đoàn Trung Quốc phát triển thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Giới phân tích đánh giá động thái của Trump đã "bắn tên vào gót chân Achilles" của Huawei - đánh vào điểm yếu của doanh nghiệp này là phụ thuộc quá mức vào linh kiện Mỹ.

"Trường hợp xấu nhất là Huawei bị cắt đứt hoàn toàn quyền tiếp cận công nghệ Mỹ. Huawei gần như chắc chắn sẽ không 'sống sót' qua khủng hoảng này nếu giữ mô hình hiện tại", nhóm tư vấn Eurasia Group viết trong báo cáo được công khai cuối tuần trước.

Rủi ro với Huawei trở nên rõ ràng vào tuần này khi Google, bên cung cấp hệ điều hành Android cho điện thoại thông minh trên thế giới, tuyên bố cắt đứt quan hệ với Huawei do lệnh cấm. Điện thoại của Huawei sẽ mất quyền truy cập đầy đủ vào các dịch vụ của Google và việc đó có thể khiến họ mất đi khách hàng.

"Đây là một trở ngại lớn cho mảng điện thoại thông minh của Huawei," Ryan Whalen, giáo sư tại Trung tâm Luật và Công nghệ tại Đại học Hong Kong, nói.

Huawei cho biết họ đang xây dựng hệ điều hành của riêng mình, nhưng theo Whalen, khách hàng vốn đã quen với Android hay iOS của Apple nên khó có thể thích sản phẩm mới.

"Hãy nhìn vào những bên như Nokia, Blackberry và Microsoft. Tất cả đã thất bại trong những nỗ lực tương tự", ông nói.

Một mảng kinh doanh khác của Huawei là cung cấp thiết bị viễn thông cho các mạng di động trên toàn thế giới. Họ đang là bên dẫn đầu trong nỗ lực thiết lập mạng 5G.

Ở mảng này, Huawei cũng dễ bị tổn thương. Họ mua khoảng 67 tỷ USD linh kiện một năm, trong đó có khoảng 11 tỷ USD từ các nhà cung cấp Mỹ. Các nhà sản xuất chip của Mỹ như Qualcomm, Qorvo và Texas Instruments, công ty phần mềm Oracle và Microsoft, đã đình chỉ các lô hàng cho Huawei.

Động thái này có thể "làm suy yếu hoàn toàn" việc triển khai mạng 5G của Huawei, Eurasia Group nhận định.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vạch ra kế hoạch là Trung Quốc sẽ giành thế thống trị trong công nghệ cao trước năm 2025. Đây là chiến lược khiến Mỹ dè chừng.

Những hành động khắc nghiệt chống lại Huawei của chính phủ Mỹ có thể thôi thúc doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng đạt được mục tiêu này, Roger Kay, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Endpoint Technologies Associates, nói. "Tác động lâu dài là Huawei và các công ty Trung Quốc khác sẽ cố gắng tìm cách thoát khỏi thế phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ".

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi ngày 21/5 nói với truyền thông Trung Quốc rằng Huawei có một kho dự trữ chip và có thể tự sản xuất. Tuy nhiên, các nhà phân tích công nghệ coi tuyên bố này chỉ là "đòn gió".

Eurasia Group đánh giá dù có kho dự trữ chip thế nào thì Huawei "cũng không thể dự trữ phần mềm và không có cách nào công ty có thể tồn tại trong một thời gian dài mà không cần chuỗi cung ứng toàn cầu". Chi nhánh thiết kế chip của Huawei, Hisilicon, cũng bị Mỹ nhắm mục tiêu, khiến họ không có các công cụ cần thiết để tiếp tục hoạt động.

Tuy nhiên, đòn đánh của Washington nhằm vào Huawei cũng khiến các công ty sản xuất chip và linh kiện Mỹ như Micron Technologies, Qualcomm, Qorvo and Skyworks Solutions bị ảnh hưởng vì mất đi đối tác lớn. Google có thể mất một số phí bản quyền và cơ hội hiển thị quảng cáo trên điện thoại Huawei.

Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách nhắm mục tiêu vào công ty điện thoại thông minh Apple vì gần 20% doanh số bán hàng của họ là ở Trung Quốc và họ phụ thuộc nhiều vào các nhà máy Trung Quốc.

Châu Âu có thể sẽ là tâm điểm chú ý trong thời gian tới. Huawei có hoạt động kinh doanh quan trọng với các nhà mạng ở đây và việc thay đổi nhà cung cấp sẽ rất tốn kém với các công ty này.

Mỹ cảm thấy sự hiện diện của Huawei ở châu Âu phải được ngăn chặn vì lý do an ninh mạng. Một trong những mục đích của lệnh cấm với Huawei là buộc châu Âu và các thị trường quan trọng khác từ bỏ thiết bị Huawei trên mạng 5G. Mỹ cho rằng Huawei có thể do thám cho chính phủ Trung Quốc dù Huawei nhiều lần bác bỏ cáo buộc.

Mặc dù Mỹ liên tục ra áp lực, Đức, Pháp và Hà Lan vẫn không làm theo lời kêu gọi của Washington là tẩy chay sản phẩm của Huawei.

Các nhà phân tích suy đoán họ không thể làm điều đó lâu dài. Nếu Mỹ ra áp lực hơn nữa thì "EU sẽ khó có thể tiếp tục hợp tác với Huawei", Guntram Wolff, giám đốc công ty nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, nói.

Theo VNE/AFP
Cùng chuyên mục
Tin khác