Sau Google, loạt công ty Mỹ thông báo ‘ngừng giao dịch’ với Huawei

Thanh Tú - 20/05/2019 13:06 (GMT+7)

(VNF) - Một số hãng chip của Mỹ như Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã thông báo với nhân viên rằng họ sẽ tạm ngừng cung cấp linh kiện cho Huawei cho tới khi có diễn biến mới, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay.

VNF

Intel hiện là hãng cung cấp chip server chính cho Huawei, Qualcomm cung cấp vi xử lý và modem cho smartphone, Xilinx bán chip có khả năng lập trình dùng trong thiết bị mạng. Còn Broadcom bán thiết bị chuyển mạch.

Trước đó, tập đoàn công nghệ Google của Mỹ cũng vừa thông báo chấm dứt các quan hệ hợp tác với Huawei.

Theo Reutes, điều này có nghĩa là Google sẽ không chuyển giao phần mềm, phần cứng và hỗ trợ Huawei về mặt công nghệ nữa. Như vậy, có thể hiểu đơn giản Huawei sẽ không còn được Google hỗ trợ cập nhật phần mềm Android trong các mẫu smartphone thời gian tới, mà hãng công nghệ Trung Quốc phải tự mình phát triển.

Các động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia.

Bộ thương mại Mỹ ngày 15/5 đã đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.

Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất và nhà phân phối smartphone lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc này vẫn phải phụ thuộc vào những linh kiện cốt lõi được cung cấp bởi các đối tác Mỹ.

Trong năm 2018, Huawei mua số linh kiện trị giá 70 tỷ USD từ 13.000 nhà cung cấp. Trong đó, khoảng 11 tỷ USD đã được chi cho các doanh nghiệp Mỹ, gồm chip máy tính từ Qualcomm và Broadcom, hệ thống phần mềm của Microsoft, Android của Google...

Các nhà phân tích tại Eurasia Group nhận định rằng việc đưa Huawei vào danh sách đen khiến chính hãng công nghệ này và mạng lưới khách hàng của họ trên toàn thế giới đối mặt rủi ro. Huawei có thể không cập nhật được phần mềm, bảo hành định kỳ hay thay thế phần cứng. Ví dụ, người dùng smartphone của Huawei nhiều khả năng không thể cập nhật hệ điều hành Android trên thiết bị vì hãng dường như chưa có sự thay thế.

Được biết, bản thân Huawei cũng đang tự phát triển hệ điều hành riêng trong trường hợp các tập đoàn Mỹ hợp tác với họ quyết định cắt đứt quan hệ.

Chủ tịch của Huawei, Ken Hu, cho biết tập đoàn đã chuẩn bị nhiều năm để đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. "Chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ và chuẩn bị đầy đủ cho một loạt các lĩnh vực", ông khẳng định.

Công ty thiết kế chip của Huawei cũng cho biết họ đã có phương án dự phòng trong tình huống chip và các công nghệ tại Mỹ không có sẵn.

Cách đây không lâu, Huawei cũng "tự tin" rằng mình sẽ sớm trở thành hãng sản xuất di động lớn nhất thế giới, nhưng với việc không còn được Google hỗ trợ thì điều này rất khó thành hiện thực.

Huawei đã ký hàng chục hợp đồng thương mại 5G khắp thế giới, gồm 25 tại châu Âu và 10 tại Trung Đông. Việc thực hiện các hợp đồng cũng có thể sẽ khó hơn nếu Huawei không có chip máy tính và phần mềm của các nhà cung cấp Mỹ.

Xem thêm >> Ông Trump: Chiến tranh thương mại khiến các công ty chuyển khỏi Trung Quốc

Cùng chuyên mục
Tin khác