Mỹ ra lệnh bắt 'siêu tàu dầu' Iran

Phương Vũ - 17/08/2019 10:27 (GMT+7)

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 16/8 ra lệnh bắt 'siêu tàu dầu' Grace 1 vì liên quan đến Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, sau khi Gibraltar cho phép thả tàu.

VNF
Tàu Grace 1 ở bờ biển Gibraltar ngày 15/8. Ảnh: AFP.

Lệnh bắt yêu cầu tàu Grace 1, tất cả dầu nó mang và 995.000 USD cần bị tịch thu do vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), gian lận ngân hàng, rửa tiền và hỗ trợ khủng bố. Tàu Grace 1 ngày 16/8 neo đậu ở Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Anh. Hiện chưa rõ Mỹ tiến hành lệnh bắt như thế nào.

Mỹ cho rằng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bên bị Mỹ xác định là tổ chức khủng bố hồi tháng 4, có "âm mưu truy cập bất hợp pháp vào hệ thống tài chính Mỹ để hỗ trợ các chuyến hàng trái phép từ Iran đến Syria". Washington cáo buộc nhiều bên liên quan đến IRGC đã sử dụng các chuyến tàu như Grace 1 để hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp và "một mạng lưới công ty bình phong" đã rửa hàng triệu USD qua các lô hàng này.

"Siêu tàu dầu" Grace 1 treo cờ Panama, thuộc quản lý của công ty IShips Management trụ sở tại Singapore, có trọng tải 300.000 tấn. Nó chở 2,1 triệu thùng dầu cho Iran khi bị Thủy quân lục chiến Anh cùng cảnh sát biển Gibraltar bắt ngày 4/7 ở ngoài khơi vùng lãnh thổ này với cáo buộc chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Iran bác cáo buộc, khẳng định dầu đang tới cảng Basra của Iraq.

Grace 1 sau đó bị kéo về Gibraltar. Để đáp trả, Iran hôm 19/7 bắt tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh gần eo biển Hormuz. Các vụ bắt tàu dầu qua lại giữa Anh và Iran đã khiến căng thẳng Vùng Vịnh leo thang đáng kể.

Tòa án Gibraltar ngày 15/8 cho thả tàu Grace 1, nói rằng "Iran đã đảm bảo bằng văn bản rằng đích đến của tàu Grace 1 không phải là quốc gia chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu". Iran có kế hoạch đổi tên Grace 1 và cho phép tàu này treo cờ Iran trong các hành trình tiếp theo. Tuy nhiên, con tàu đang chờ thủy thủ đoàn mới trước khi rời khỏi Gibraltar.

IEEPA là luật liên bang Mỹ cho phép tổng thống điều chỉnh thương mại quốc tế sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với bất kỳ mối đe dọa bất thường nào từ nước ngoài đối với Mỹ. Sau vụ khủng bố 11/9/2001, tổng thống George W. Bush từng dùng luật này để chặn tài sản của những tổ chức bị Washington coi là khủng bố.

Theo VNE/RT/AFP
Cùng chuyên mục
Tin khác