Mỹ ‘siết’ quy định IPO với doanh nghiệp Trung Quốc
Minh Đăng -
25/08/2021 10:45 (GMT+7)
(VNF) - Sau khi yêu cầu các công ty Trung Quốc tạm dừng IPO tại Mỹ hồi cuối tháng 7, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) mới đây đã bắt đầu công bố các quy định mới về minh bạch thông tin đối với các công ty Trung Quốc muốn niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán New York.
Theo Reuters, Một số công ty Trung Quốc đã bắt đầu nhận được các hướng dẫn chi tiết từ SEC về việc công khai nhiều hơn việc sử dụng các mô hình sở hữu đặc biệt khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), những tác động đến các nhà đầu tư và khả năng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ can thiệp vào hoạt động của công ty.
Theo Reuters, với quyết định này, Mỹ muốn nâng cao mức độ nhận thức của các nhà đầu tư về những rủi ro có thể xảy ra.
Theo thống kê, kể từ tháng 1-7/2020, các đợt IPO của các công ty Trung Quốc đã huy động được số tiền kỷ lục là 12,8 tỷ USD, khi các công ty này tranh thủ lúc thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh.
Hồi cuối tháng 7, SEC thông báo sẽ tạm ngừng cho doanh nghiệp Trung Quốc IPO trên các sàn chứng khoán Mỹ cho đến khi các doanh nghiệp này công bố rõ ràng hơn những rủi ro mà cổ đông có thể gặp phải.
Quyết định của SEC được đưa ra sau khi giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các công ty nội địa niêm yết tại nước ngoài, bao gồm cả đánh giá về vấn đề bảo mật an ninh mạng.
Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết ông đã yêu cầu nhân viên SEC đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc công bố thông tin đầy đủ trước khi xét duyệt hồ sơ của họ.
"Tôi tin rằng những thông tin như vậy rất quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư chính xác và là trọng tâm của chính sách bảo vệ nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Mỹ", Chủ tịch SEC nhấn mạnh thêm.
Ông Gensler đặc biệt lưu ý tới các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng các công ty vỏ bọc (shell company) để "lách qua" các quy tắc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần trong các lĩnh vực của Bắc Kinh.
Chủ tịch SEC bày tỏ lo lắng rằng các nhà đầu tư bình thường có thể không nhận ra họ nắm giữ cổ phiếu trong một công ty vỏ bọc chứ không phải là một công ty đang vận hành và có trụ sở tại Trung Quốc.
SEC hiện đang phải đối mặt với áp lực từ chính phủ Mỹ trong việc tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc trước vụ việc cổ phiếu của Didi Global lao dốc sau khi IPO tại Mỹ hồi đầu tháng 7.
Bất chấp những quan ngại của cơ quan an ninh mạng về việc dữ liệu người dùng mà Didi đang nắm giữ, hãng đã xúc tiến IPO tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) hôm 30/6, thu về 4,4 tỷ USD. Đây là một trong những vụ IPO lớn nhất của một công ty Trung Quốc tại Mỹ.
Tuy nhiên, ngay sau khi Didi Global hoàn thành IPO, giới chức Trung Quốc công bố siết chặt giám sát và hạn chế ứng dụng này bổ sung thêm khách hàng mới. Điều này đã khiến cổ phiếu của hãng giảm sâu, kéo theo giá trị vốn hóa “bốc hơi” hàng chục tỷ USD.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ sau đó đã hối thúc SEC điều tra Didi Global để tìm ra liệu công ty này có biết phía Trung Quốc đã điều tra mà không chịu công bố các rủi ro mà nhà đầu tư Mỹ dự kiến phải đối mặt hay không.
Bản thân Didi Global hiện vẫn chịu sức ép lớn khi có tin tức cho hay Bắc Kinh sẽ xem xét áp đặt mức phạt “chưa từng có tiền lệ” với hãng này, bao gồm phạt hành chính, đình chỉ một số hoạt động hoặc xem xét đưa Didi về tay một nhà đầu tư thuộc sở hữu Nhà nước. Không loại trừ trường hợp Didi buộc phải hủy niêm yết hoặc thu hồi cổ phiếu đã phát hành tại Mỹ.
Theo nguồn tin của Bloomberg, phía Bắc Kinh cho rằng việc Didi Global quyết định IPO tại Mỹ bất chấp sự phản đối của Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) là một sự thách thức với chính quyền Bắc Kinh.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone