Mỹ ‘tố’ Nga làm trái tuyên bố rút quân, đưa thêm 7.000 binh sĩ tới biên giới Ukraine

Quỳnh Anh - 17/02/2022 15:11 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi Nga tuyên bố rút bớt quân lính khỏi biên giới Ukraine và tung cả đoạn phim làm bằng chứng, các quốc gia phương Tây và Mỹ, kiên quyết cho rằng thực chất Nga không hề làm đúng như tuyên bố, thậm chí còn đưa thêm binh lính tới biên giới với Ukraine.

VNF
Một thành viên của Lực lượng Biên phòng Nhà nước Ukraine tại trạm kiểm soát Senkivka gần biên giới với Belarus và Nga ở vùng Chernihiv, Ukraine vào ngày 16/2/2022 .

Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/2 tiết lộ: “Không có binh lính Nga nào được rút khỏi biên giới với Ukraine. Ngược lại, có tới 7.000 binh lính được đưa tới biên giới Ukraine trong những ngày gần đây, bổ sung vào lực lượng vốn đã có khoảng 150.000 binh lính từ trước đó".

Trong khi đó, trong một nỗ lực để chứng minh tuyên bố về việc rút quân một phần, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video cho thấy một đoàn tàu bọc thép di chuyển qua một cây cầu nối giữa bán đảo Crimea với đất liền.

Quan chức Mỹ nói thêm: “Nga luôn nói rằng họ muốn theo đuổi một giải pháp ngoại giao, nhưng hành động của họ cho thấy điều ngược lại. Chúng tôi hy vọng họ sẽ thay đổi hướng đi trước khi bắt đầu một cuộc chiến sẽ mang lại cái chết và sự hủy diệt thảm khốc”.

Ngoại trưởng Mỹ Atony Blinken cũng xác nhận thông tin trên với MSNBC: “Chúng tôi tiếp tục thấy các quân đoàn tiến về biên giới chứ không phải ra khỏi biên giới. Chúng tôi đã không thấy bất kỳ sự thoái lui nào từ lực lượng của họ".

Không chỉ Mỹ, mà các nhà lãnh đạo châu Âu cũng tỏ ra hết sức dè chừng trước tuyên bố rút quân của Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã “tweet” rằng “tuyên bố về việc rút quân là không đủ. Chúng tôi cần sự minh bạch và sự thật ”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên tại Brussels rằng trên thực tế, Nga đã “tăng quân số và nhiều quân hơn đang được đưa tới biên giới”. Ông Stoltenberg nói Nga có một “lực lượng xâm lược khổng lồ sẵn sàng tấn công với khả năng cao cấp từ Crimea đến Belarus”, đồng thời lưu ý rằng đây là lực lượng lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

NATO đã gửi "đề xuất cụ thể" về tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro và kiểm soát vũ khí nhưng chưa nhận được phản hồi từ Nga, tổng thư ký NATO cho biết thêm.

Tổng thống Joe Biden cho biết “khả năng cao” Nga có thể tấn công Ukraine, đồng thời cảnh báo việc này cũng dẫn đến giá năng lượng của Mỹ tăng đột biến.

Trong một diễn biến liên quan, trong ngày 15/2, một loạt các cuộc tấn công mạng đã đánh sập các trang web của quân đội Ukraine, bộ quốc phòng và các ngân hàng lớn. Ilya Vityuk, người đứng đầu bộ phận an ninh mạng của cơ quan an ninh nhà nước Ukraine, cho biết trong một cuộc họp báo đã đưa ra “dấu vết của các dịch vụ tình báo nước ngoài”, nhằm ám chỉ Nga đứng sau vụ tấn công.

Ông Vityuk nói rằng Nga là quốc gia "quan tâm đến các cuộc tấn công bằng hình ảnh như vậy" để chống lại Ukraine, nhưng ông và các quan chức khác kết luận rằng họ không đổ lỗi cho Moscow - vốn đã phủ nhận liên quan đến cuộc tấn công này và luôn phủ nhận việc lên kế hoạch xâm lược.

Xem thêm >> Ukraine tuyên bố ngăn chặn thành công Dòng chảy phương Bắc 2

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác