Thị trường

Năm 2021: Kịch bản nào cho hàng không?

(VNF) - Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho biết: Năm 2021 dự báo ngành hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn, kịch bản "sống chung với dịch" để chờ cơ hội phục hồi vẫn hết sức mong manh. Vì thế, ngành này đang cầu cứu Chính phủ sớm có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp.

Năm 2021: Kịch bản nào cho hàng không?

Hàng không thế giới dự kiến lỗ 95 tỷ USD

Theo ước tính của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020 đại dịch Covid 19 khiến sản lượng hàng không toàn cầu giảm 66%, các hãng hàng không thế giới bị lỗ 128 tỷ USD (so với mức lãi năm 2019 là 29 tỷ USD).

Chính phủ các nước đã tiếp tục khởi động những gói cứu trợ mới cho ngành hàng không, bổ sung cho những gói cứu trợ hiện nay đã lên tới khoảng 200 tỷ USD. Ngành Hàng không các nước được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ của họ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ trên mạng bay của chúng ta sau khi thị trường hồi phục.

So cùng kỳ 2019, sản lượng đặt chỗ trong Quý I năm 2021 giảm 80%, sản lượng vận tải hành khách năm 2021 giảm trên 50%.

IATA dự  báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% (so với năm 2019) và tổng mức lỗ dự kiến 95 tỷ USD và phải đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ.

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)  cũng nhận định 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng ghế cung ứng của ngành hàng không giảm từ 42% đến 47%, sản lượng khách vận chuyển giảm từ 47% đến 57% và doanh thu sẽ giảm từ 156 đến 181 tỷ USD so với năm 2019.

Thực trạng trên ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính của hàng không toàn cầu. Năm 2021, các hãng hàng không sẽ phải gánh khoản nợ trên 220 tỷ USD và tiếp tục âm tiền mặt. Theo IATA, năm 2021, các hãng hàng không trên thế giới cần chính phủ hỗ trợ khoảng 70 – 80 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng.

Hàng không Việt đã cạn tiền

Ở Việt Nam, ngành hàng không đã chịu tác động to lớn từ 3 đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66,6 nghìn khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019. Thị  trường  hàng không nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng: Do dịch bệnh đợt 3 diễn ra đúng vào dịp Tết âm lịch (27/01-26/02/2021), khi nhu cầu vận chuyển đạt cao điểm nhất trong năm, nên lượng khách bỏ chỗ rất lớn.

Lượng khách giảm, số chuyến bay cũng giảm theo nhưng chi phí tăng cao do phải đảm các biện pháp phòng dịch. Để kích cầu và thu hút dòng tiền hoạt động, các hãng buộc phải giảm giá vé khá sâu, dẫn tới hậu quả chưa từng xảy ra trước đây là các Hãng hàng không Việt Nam bị lỗ ngay trong mùa cao điểm. Doanh thu dịp cao điểm Tết của các hãng cũng giảm bình quân từ 70 đến 80% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh hoạt động bay bị thu hẹp, các doanh nghiệp dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không, … đều bị ảnh hưởng bất lợi, giảm sút cả về doanh thu lẫn sản lượng từ tháng 3/2020.

Mong được Chính phủ hỗ trợ 25.000 tỷ VNĐ

Ông Bùi Doãn Nề nhận định: Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.

Đặc biệt, do năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động từ ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết cổ truyền. 

Vì thế, theo ông Bùi Doãn Nề, các hãng hàng không đã kiến nghị gói hỗ trợ tài chính trị giá 25.000 tỉ đồng, bao gồm cả tín dụng ngắn hạn và tín dụng dài hạn theo phương án bảo lãnh tín dụng, với lãi suất vay ưu đãi là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, để hàng không Việt sớm được phục hồi.

 

Tin mới lên