'Năm sẵn sàng' đưa Nghệ An lên top đầu thu hút FDI

Châu Anh - 22/03/2024 14:06 (GMT+7)

(VNF) - Để tiếp tục đạt kết quả cao trong thu hút FDI, Nghệ An sẽ tập trung thực hiện 5 sẵn sàng: Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng đổi mới, cải cách môi trường đầu tư và sẵn sàng hỗ trợ.

VNF
Toàn cảnh Khu Công nghiệp VSIP tại Nghệ An

Lần đầu vượt mốc tỷ USD

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 của Nghệ An lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, với kết quả cụ thể là 1,6 tỷ USD, vượt 219% mục tiêu đề ra. Kết quả này đưa Nghệ An xếp thứ 8 cả nước và 2 năm liên tiếp nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI tốt nhất. Trong đó thu hút vào địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam đạt 1,595 tỷ USD.

Đến nay, Nghệ An là “điểm đến” của các tập đoàn lớn trên thế giới trong chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Goertek; Luxshare - ICT, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny, YoungJin, Hoa Lợi… với số vốn vào đầu tư của mỗi DN hàng trăm triệu USD. Bước đầu, các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô.

Đặc biệt, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập mới 2 khu công nghiệp với tổng diện tích 834,79ha và triển khai các thủ tục đầu tư cho các 3 khu công nghiệp với diện tích khoảng 600 ha đã tạo điều kiện để Nghệ An tiếp tục thu hút đầu tư, "xây tổ” đón "đại bàng" đến đầu tư

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại và du lịch Nghệ An cho hay, Nghệ An đang là một “điểm sáng” trong thu hút vốn FDI của cả nước, khi chỉ trong vòng hơn 2 năm đã thu hút được vốn FDI lớn hơn nhiều so với 12 năm trước cộng lại.

“Đây là con số thể hiện sự thành công của Nghệ An, với nhiều cách làm mới cùng sự hoàn thiện hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay… cộng với sự hỗ trợ sát với thực tiễn nên Nghệ An đã gặt hái được những con số rất tích cực”.

Ông Nguyễn Văn Nam thông tin, những năm gần đây, Nghệ An đã huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; nỗ lực cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể, trong 3 năm gần đây, Nghệ An đã xây dựng Đề án “Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp đầu tư... Con số có được của ngày hôm nay là kết quả của một quá trình chuẩn bị công tác về quy hoạch, về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; về cải cách thủ tục hành chính; về tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư của tỉnh trong thời gian qua.

Đáng chú ý, khi mức độ cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng cao giữa các tỉnh có độ tương đồng về mặt địa lý, cơ chế ưu đãi đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã chủ động phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài; các tổ chức xúc tiến thương mại; các công ty đầu tư hạ tầng KCN; các nhà đầu tư hiện hữu... để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, tiếp cận với các đối tác, các nhà đầu tư tiềm năng đang có kế hoạch dịch chuyển nhưng chưa quyết định được địa điểm đầu tư... mời về Nghệ An đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tạo quỹ đất công nghiệp lớn để đón ‘đại bàng’

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An xác định, có rất nhiều thách thức trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài về Nghệ An vì là địa phương nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, chưa có dự án động lực lớn, thiếu nhân lực tay nghề cao, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế... Tuy nhiên, nhờ Nghệ An đi trước về hạ tầng, kèm theo đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống đã giúp tỉnh nhà thu hút được nhiều dự án FDI lớn.

Lãnh đạo Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết, điểm nhấn quan trọng nhất là trong thời gia qua Nghệ An đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhằm "xây tổ đón đại bàng".

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, Nghệ An đã thực hiện điều chỉnh ranh giới KKT Đông Nam lên 80.000ha (bao gồm 70.000ha đất liền và 10.000ha mặt nước biển) và đổi tên thành KKT Nghệ An. Trong đó, diện tích KCN khoảng 15.000ha, đồng thời, việc hoàn thiện hạ tầng KKT đang đựơc đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ các nhà đầu hạ tầng hoàn thành các dự án đang triển khai; phát triển thêm các dự án hạ tầng KCN, đô thị, dịch vụ; tập trung thu hút đầu tư và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thứ cấp quan trọng, quy mô lớn, dự án hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics, các dự án đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng và đô thị ven biển, các dự án khu nhà ở công nhân và dịch vụ liên quan; chủ động liên kết, hợp tác, kết nối cung cầu lao động nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các dự án sản xuất trọng điểm thuộc KKT, các KCN.

Trao đổi với các DN trong các cuộc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung thẳng thắn, Nghệ An đã đánh giá được những thuận lợi, khó khăn và chuẩn bị những điều kiện để tiếp tục đón nhận những làn sóng đầu tư mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, trong thời gian tới Nghệ An tiếp tục tập trung thực hiện 5 sẵn sàng là:

Thứ nhất là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư. Nghệ An thúc đẩy, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Hoàn thành đầu tư hạ tầng các KCN hiện hữu; sẵn sàng về quy hoạch và các điều kiện để phát triển thêm các KCN mới. Đến năm 2025, Nghệ An có quỹ đất KCN, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại với tổng diện tích khoảng 2.000 ha trong KKT Đông Nam và các KCN sẵn sàng đón nhà đầu tư.

Thứ 2 là sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu. Nghệ An huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng yếu như Dự án xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh, phối hợp cùng Bộ GTVT để sớm hoàn thành Dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra, Nghệ An cũng hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội như khu nhà ở công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài; cơ sở giáo dục, dạy nghề và cơ sở y tế chất lượng cao; cơ sở thương mại, dịch vụ, khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba là sẵn sàng về nguồn nhân lực. Với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, Nghệ An luôn sẵn sàng cung cấp hằng năm khoảng 45.000 lao động, trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo. Với hệ thống đào tạo nghề đa ngành, đa lĩnh vực do có 17 trường đại học, cao đẳng (6 trường đại học, 11 trường cao đẳng) và 70 cơ sở đào tạo nghề.

Thứ tư là sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng "một cửa tại chỗ", "một đầu mối", nhất là thủ tục đầu tư vào KKT, các KCN được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Xây dựng chính quyền phục vụ, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Thứ năm là sẵn sàng hỗ trợ. Các dự án đầu tư, FDI đầu tư vào Nghệ An đều được quan tâm hỗ trợ từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép triển khai, đi vào hoạt động và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh Nghệ An sẽ kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư…

“Sự chuẩn bị về hạ tầng, cùng các cơ chế, chính sách về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển đồng bộ đã tạo dư địa để Nghệ An thu hút các nhà đầu tư còn rất nhiều. Tôi rất tin tưởng Nghệ An là "địa chỉ đỏ" của các nhà đầu tư FDI”, Chủ tịch tỉnh Nghệ An nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác