Nền kinh tế bạc: Châu Á 'biến nguy thành cơ'
(VNF) - Sự thay đổi về nhân khẩu học, đặc biệt là già hóa dân số, đã khiến nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động cho nền kinh tế. Tuy nhiên, một số nước châu Á đang “biến nguy thành cơ” thông qua phát triển “nền kinh tế bạc”.
Trên toàn cầu, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với thách thức khi tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ). Dự báo dân số toàn cầu sẽ bắt đầu giảm sau năm 2064, điều này buộc các quốc gia phải tìm kiếm sự tăng trưởng thông qua việc nâng cao năng suất và tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động.
Không nằm ngoài xu thế chung, già hóa dân số cũng là một trong những thách thức lớn nhất trong thế kỷ XXI mà khu vực châu Á đang phải đối mặt. Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), tỷ lệ người cao tuổi (trên 65 tuổi) tại khu vực này dự kiến sẽ tăng từ 12% vào năm 2020 lên 23% vào năm 2050, ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội và tiềm năng tăng trưởng kinh tế.
Già hóa dân số là hiện tượng tự nhiên, nhưng tốc độ già hóa tại châu Á đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với các khu vực khác. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là ba quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của quá trình này.
Dựa trên số liệu thống kê chính thức, vào năm 2023, khoảng 13,5% (190 triệu) dân số Trung Quốc và 29,1% (36,23 triệu) dân số Nhật Bản ở độ tuổi 65 trở lên. Điều này có nghĩa là Nhật Bản đã là một xã hội siêu già và Trung Quốc sẽ sớm trở thành một xã hội già hóa sâu. Hàn Quốc, với tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu, dự kiến sẽ có khoảng 20% dân số từ 65 tuổi trở lên vào năm 2025.
Mặc dù già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn liên quan tới lực lượng và năng suất lao động, nhưng cũng mang tới những cơ hội kinh tế mới. Sự gia tăng số lượng người cao tuổi không chỉ đòi hỏi một hệ thống chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ mà còn tạo ra những thay đổi trong cấu trúc tiêu dùng, nhu cầu lao động và chính sách xã hội. Nhiều quốc gia đã tận dụng thách thức này để phát triển các chiến lược “kinh tế bạc”.
Theo những phát hiện từ Báo cáo cơ hội kinh doanh kinh tế bạc châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4 năm 2020, nền kinh tế bạc của khu vực dự kiến sẽ đạt 4.560 tỷ USD vào năm 2025. Con số này đánh dấu mức tăng 43% so với mức 3.200 tỷ USD vào năm 2020. Tại thị trường này, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng là những ví dụ điển hình về cách khai thác tiềm năng của kinh tế bạc.
Trung Quốc: Đa dạng hóa sản phẩm
Trung Quốc, với dân số hàng đầu thế giới, đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số lượng người cao tuổi. Năm 2023, số người trên 60 tuổi tại Trung Quốc là gần 297 triệu người, tương đương 21,1% tổng dân số. Kết hợp với việc tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường kinh tế bạc tại đây đang lớn hơn so với thị trường hướng tới trẻ em.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Trung Quốc trực thuộc nhà nước, năm 2024, quy mô nền kinh tế bạc của Trung Quốc lên tới 7.000 tỷ NDT (983 tỷ USD), tương đương 6% GDP của cả nước. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 30.000 tỷ NDT vào năm 2035, tương đương 10% GDP.
Dân số cao tuổi của Trung Quốc trước đây có xu hướng tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, thế hệ người cao tuổi Trung Quốc hiện tại đang phá vỡ định kiến này khi trở thành một trong những lực lượng giàu có và “chịu chi” hàng đầu.
Sớm nhận thức được những cơ hội từ thị trường này, chính phủ Trung Quốc và cộng đồng doanh nghiệp tại đây đã nhanh chóng triển khai nhiều chính sách và sáng kiến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Theo đó, Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn vào tháng 1 nhằm tăng cường kinh tế bạc như một phần trong nỗ lực giải quyết những thách thức của dân số già hóa. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi, bên cạnh đó là phát triển và ứng dụng các thiết bị và công nghệ y tế dành riêng cho người cao tuổi.
Health (trước đây thuộc China Evergrande Group) là một trong những công ty lớn trong ngành chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc. Họ đã đầu tư mạnh vào việc phát triển các cộng đồng người cao tuổi và có kế hoạch xây dựng hơn 1.300 dự án chăm sóc người cao tuổi trên khắp cả nước. Country Garden Holdings, một công ty phát triển bất động sản nổi tiếng, cũng đã tham gia vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi bằng cách xây dựng các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, căn hộ hỗ trợ sinh hoạt và trung tâm y tế.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ngày càng phát triển nhiều sản phẩm hướng tới những người cao tuổi, ví dụ như sữa và bỉm cho người cao tuổi, và gặt hái nhiều thành công. Một vài trường hợp điển hình có thể kể tới bao gồm Sáng kiến “Old Friends Club” của Trip.com đã ra mắt vào đầu năm nay, cung cấp các chương trình du lịch và ưu đãi riêng cho những người trên 50 tuổi tại Trung Quốc. Thương hiệu này đã ghi nhận 1,6 tỷ NDT (224,36 triệu USD) chi tiêu của người dùng.
Công ty bảo hiểm Ping An triển khai hệ thống giám sát thông minh bao gồm cả thiết bị trực tuyến và đội ngũ y tế trực tiếp để hỗ trợ theo dõi sức khỏe tại nhà 24/7. Hệ sinh thái này đã trở thành động lực tăng trưởng cho Ping An những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2023, gần 64% trong số 232 triệu khách hàng của công ty đã sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi. Hoạt động kinh doanh cốt lõi Giá trị doanh nghiệp mới (NBV) của Life & Health đã tăng trưởng 36% theo năm, đạt 39,2 triệu NDT (5,4 triệu USD) vào năm 2023. Đáng chú ý, hơn 70% NBV là do khách hàng hưởng lợi từ hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi đóng góp.
Nhật Bản: Tối ưu hóa sức khỏe vật chất và tinh thần
Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, với 28,7% công dân, tương đương 36,2 triệu người từ 65 tuổi trở lên. Hơn 10% cư dân hiện đã 80 tuổi trở lên và số người trên 100 tuổi đã vượt qua mốc 80.000 cá nhân. Đồng thời, đây cũng là quốc gia đi đầu trong việc ứng phó với già hóa dân số.
Một cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các năm 2016 đối với những công dân từ 60 tuổi trở lên cho thấy hầu hết người cao tuổi ở Nhật Bản có vẻ an toàn về mặt tài chính. Khoảng 65% cho biết họ rất thoải mái về mặt tiền bạc hoặc không có nhiều lo lắng về tài chính, tạo ra những cơ hội lớn cho việc phát triển kinh tế bạc.
World Data Lab, một cơ quan nghiên cứu người tiêu dùng, ước tính nền kinh tế bạc của Nhật Bản sẽ tăng trưởng lên 1.100 tỷ USD vào năm 2030. Với sự tập trung vào sức khỏe, sự minh mẫn về tinh thần và thể chất, Nhật Bản đang là thị trường bùng nổ về các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nền kinh tế bạc của Nhật Bản đã tạo ra những cơ hội phát triển đáng kể cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm bất động sản và các ngành công nghiệp thể chế, các cơ sở chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng (đặc biệt là những cơ sở cung cấp đào tạo chăm sóc người cao tuổi thông minh) và các ngành giáo dục và giải trí phù hợp với nhu cầu của người cao tuổi.
Một trong những điểm nổi bật trong chiến lược của Nhật Bản là ứng dụng công nghệ vào chăm sóc sức khỏe. Nhiều công ty Nhật Bản, như Panasonic và Hitachi, đã phát triển các sản phẩm công nghệ cao dành riêng cho người cao tuổi, từ robot hỗ trợ đến thiết bị y tế thông minh. Robot "Paro" một loại robot thú cưng, được thiết kế để giúp người cao tuổi giảm stress và cải thiện sức khỏe tâm lý. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Gerontechnology," việc sử dụng Paro đã giúp cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác cô đơn của người cao tuổi.
Trong một xã hội siêu già như Nhật Bản, tất cả các ngành công nghiệp và doanh nghiệp, chưa kể đến những ngành ngách, dần hướng tới coi người cao tuổi là những đối tượng tiêu dùng tiềm năng. Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, những căn nhà tiện nghi “không rào cản” trước đây chỉ được thiết kế riêng cho người cao tuổi, đã trở thành một tiêu chí thông thường và phổ biến. Hơn nữa, xu hướng này ngày càng mở rộng sang nhiều sản phẩm và dịch vụ.
Nhận ra giá trị của cộng đồng “bạc”, các nhà bán lẻ như Aeon đã tạo ra các trung tâm mua sắm dành riêng cho người cao tuổi. Các cửa hàng một cửa này kết hợp các dịch vụ thiết yếu như kiểm tra sức khỏe với các lớp tập thể dục, quán cà phê và hiệu sách, thúc đẩy tương tác xã hội đồng thời khuyến khích chi tiêu. Một ví dụ khác là các nhà sản xuất cũng đang giải quyết thách thức về các thiết bị thân thiện với người dùng bằng điện thoại thông minh dành cho người cao tuổi như mẫu RakuRaku của Fujitsu.
Thị trường bạc Nhật Bản cũng nhận ra nhu cầu tình cảm của người cao tuổi. Các trang web hẹn hò như Aeon's Begins Partner cung cấp cơ hội tìm bạn đồng hành dành riêng cho người cao tuổi.
Hàn Quốc: Mở ra “cuộc đời thứ hai” cho thế hệ trung niên
Tại Hàn Quốc, già hóa dân số cũng đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Cơ quan thống kê quốc gia dự đoán rằng người cao tuổi, được định nghĩa là những người từ 65 tuổi trở lên, sẽ chiếm 30,9% dân số cả nước vào năm 2036, sau đó tăng lên 40% vào năm 2050. Tỷ lệ này là 17,4% vào năm 2022.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đã tìm ra cách để biến thách thức này thành cơ hội. Nghiên cứu của Kim Young-sun, giám đốc Viện AgeTech & Silver Economy thuộc Đại học Kyunghee, dự báo thị trường kinh doanh dành cho người cao tuổi sẽ có giá trị 168.000 tỷ won (128 tỷ USD) vào năm 2030, tăng gấp đôi so với mức 72.800 tỷ won vào năm 2020.
Như các quốc gia khác, Hàn Quốc đã tích cực triển khai các chương trình như "Chăm sóc sức khỏe thông minh" nhằm sử dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi. Các ứng dụng chăm sóc sức khỏe như "Care Talk" cho phép người cao tuổi theo dõi tình trạng sức khỏe của mình thông qua smartphone, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc từ xa.
Một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Hàn Quốc cho thấy rằng ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe có thể tạo ra 1,5 triệu việc làm mới vào năm 2027. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người cao tuổi, từ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí đến việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi. Shinhan Life Care, một công ty con của ngân hàng cùng tên, gần đây đã công bố một thỏa thuận với chi nhánh xây dựng của Hyundai để xây dựng nhà ở và cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi.
Khi nền kinh tế bạc của Hàn Quốc phát triển, các công ty của nước này có thể hướng tới xuất khẩu các sản phẩm chăm sóc người cao tuổi, chẳng hạn như thực phẩm bổ sung sức khỏe và chăm sóc da, giống như cách họ đã làm với K-pop, phim truyền hình (K-drama), đồ điện tử và thực phẩm. Các công ty cũng phải chuyển hướng sang nhận thức rằng người lớn tuổi là những người tiêu dùng năng động.
Trong khi các quốc gia khác hầu như tập trung vào các sản phẩm và sáng kiến khiến cuộc sống của người lớn tuổi tiện nghi hơn, một điều đặc biệt trong tiến trình phát triển kinh tế bạc tại Hàn Quốc là nó mở ra những cơ hội “làm lại cuộc đời” cho nhiều người. Ví dụ, nhiều phụ nữ trên 60 tuổi, sau khi đã dành cả thanh xuân cho gia đình, bắt đầu nghĩ tới việc bắt đầu đi làm lại, khởi nghiệp kinh doanh hay đơn thuần là tham gia vào một khóa học nào đó. Có những người đã trở thành người mẫu thời trang ở tuổi 60, và nhiều người khác đã có một “cuộc đời thứ hai” ở độ tuổi trung - cao niên.
Bà Yang Sun-mook, một người quảng bá các doanh nghiệp và sự kiện liên quan đến người cao tuổi, cho biết các hoạt động giải trí như du lịch và đào tạo nghề cho người cao tuổi muốn học các kỹ năng nghề nghiệp mới, cũng như tư vấn pháp lý và tài chính, là những lĩnh vực tăng trưởng tiềm năng cho nền kinh tế bạc của nước này.
Nền kinh tế bạc, một số gợi mở cho Việt Nam
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.