Ngân hàng giảm nguồn vì đụng trần tín dụng

An Thơ - 12/07/2018 18:57 (GMT+7)

(VNF) - 6 tháng đầu năm 2018, huy động vốn tăng 7,78%, trong khi tín dụng chỉ tăng 6,35%, dư thanh khoản, nhiều ngân hàng phải giảm nguồn huy động.

VNF
Tốc độ tăng tín dụng ngược chiều huy động. Ảnh: An Thơ

Mức tăng huy động vốn nói trên cao hơn hẳn cùng kỳ 2017 (5,89%). Đáng chú ý, huy động vốn trên thị trường 1 tăng mạnh từ đầu năm và có sự dịch chuyển đáng kể từ huy động ngoại tệ sang VND.

Nhờ đó, đưa tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ (FCD)/M2 đạt mức thấp kỷ lục, chỉ còn 7,71% trong khi tỷ lệ này ở giai đoạn 2000 - 2005 dao động từ 22-30%. Chỉ số này phản ánh sự tác động mạnh mẽ từ chính sách lãi suất ngoại tệ 0% trong thời gian qua.

Ở góc độ tín dụng, tính đến 20/6/2018, tín dụng tăng 6,35% so cuối năm trước; cùng kỳ 2017, mức tăng này là 7,54%.

Theo các chuyên gia của IMF, để đánh giá mức độ phù hợp của tín dụng với nền kinh tế, IMF sử dụng hai chỉ số cảnh báo sớm: độ lệch của tín dụng/GDP (credit gap) so với đường xu thế bộ lọc HP và độ lệch tốc độ tăng trưởng tín dụng so với GDP (credit growth gap - CGG).

CGG đã được điều chỉnh giảm mạnh trong giai đoạn quý II/2016 – quý II/2018. Điều này bắt nguồn từ việc kiểm soát hiệu quả tốc độ tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn vừa qua cũng như việc phục hồi được tăng trưởng kinh tế.

Một chỉ số khác cũng gây chú ý là đến cuối tháng 6/2018, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn (LDR) đạt 89,55%.

Nhóm Nghiên cứu Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm 2018, nếu GDP danh nghĩa tăng trưởng 11% (tương đương GDP thực tăng trưởng 7%), tín dụng tăng từ 15% - 17% thì CGG Việt Nam ở mức 4% - 6%. Đây là mức hợp lý với các quốc gia đang phát triển và còn dựa nhiều vào vốn như Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế là khi thanh khoản dư thừa, nhiều ngân hàng bị khống chế trần tăng trưởng tín dụng đã rất khó khăn trong việc cân đối hiệu quả kinh doanh. Một số ngân hàng bắt buộc phải giảm nguồn huy động thông qua hạ lãi suất nhằm tránh lỗ.

Một số khác thì mua trái phiếu cấp 2 của các ngân hàng trong nhóm Nhà nước chi phối vốn, do không tăng được vốn pháp định.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh than thở với VietnamFinance: "Chúng tôi đang định đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng nhưng e là khó vì lạm phát đang có biểu hiện tăng. Do đó, buộc phải mua trái phiếu cấp 2 cho các ngân hàng thương mại Nhà nước để họ đáp ứng các chỉ số an toàn vốn theo quy định hiện hành. Ngân hàng bé nâng cao tiềm lực tài chính cho ngân hàng lớn là một nghịch lý". 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.