Ngân hàng hé lộ con số quý 2/2023: Suy giảm hàng nghìn tỷ lợi nhuận

Minh Dũng - 21/07/2023 07:27 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ngân hàng đã hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận suy giảm. Nhiều dự báo cho rằng lợi nhuận của nhiều ngân hàng năm 2023 khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao như trước khi tín dụng tăng chậm, nợ xấu cao hơn, thu nhập từ lãi, chất lượng tài sản suy giảm.

VNF

Hé lộ lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm

Tính đến ngày 14/7, có 11/27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã có báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh Quý II và 6 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng nhưng giảm tốc đáng kể. Lợi nhuận sau thuế của 11/27 ngân hàng niêm yết duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ tăng 3,5% nhưng thấp hơn đáng kể so với mức tăng trong quý I là 11,6%.

Đến sáng 20/7 đã có 5 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, trong đó có 3 ngân hàng công bố báo cáo tài chính.

BacABank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Lợi nhuận trước thuế quý II/2023 của ngân hàng này đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý 1 có kết quả tích cực nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Con số này chưa đạt 50% kế hoạch so với mức lợi nhuận cả năm dự kiến của TPBank trong năm 2023 là 8.700 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã công bố báo cáo tài chính, ghi nhận lợi nhuận quý 2/2023 chỉ ở mức 880 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 2.446 tỷ, giảm 32%.

Trog khi đó, lợi nhuận trước thuế quý II của PGBank đạt 150 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của PGBank đạt 303 tỷ đồng, tăng 24%.

Còn Ngân hàng MSB cho biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 6 tháng của ngân hàng này đạt 3.548 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch năm.

Nhiều ngân hàng khác tuy chưa công bố chính thức báo cáo tài chính nhưng các lãnh đạo đã hé lộ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Tại hội nghị Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 tổ chức hôm 15/7, đại diện các ngân hàng thương mại đã có báo cáo về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank - cho biết, đến 30/6/2023, Agribank cơ bản đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, lợi nhuận tiếp tục đạt theo kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank - cũng chia sẻ, huy động vốn và tín dụng 6 tháng đầu năm của ngân hàng này tăng trưởng lần lượt 6,6% và 2,6% so với cùng kỳ; đạt quy mô tương ứng 1,3 và 1,2 triệu tỷ đồng; chất lượng tín dụng được kiểm soát.

Còn ông Nguyễn Đức Vinh - TGĐ VPBank - cho biết, VPBank đã hưởng ứng các chỉ đạo của NHNN, giảm lãi suất huy động, đồng thời giảm lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế. “Có những ngân hàng lớn như BIDV… qua việc giảm lãi suất đã giảm lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng. Bản thân VPBank đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng, mức giảm lãi suất từ 2-3%”, ông Vinh cho hay.

Theo ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB - trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này tiết giảm được hơn 500 tỷ đồng chi phí hoạt động. Chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống 30%.

Trong khi đó, nhiều dự báo lợi nhuận trước thuế của toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng. Lợi nhuận ngân hàng sẽ tiếp tục phân hóa mạnh trong năm tiếp theo.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính có 4/11 ngân hàng niêm yết được công ty này nghiên cứu sẽ sụt giảm lợi nhuận trong quý II/2023 so với cùng kỳ, bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Trong số này, TPBank có mức sụt giảm lợi nhuận dự báo mạnh nhất từ 21 - 25% so với cùng kỳ năm 2022.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2023 sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Tốc độ tăng trưởng này giảm đáng kể so với mức tăng trưởng bình quân gần 35% trong năm ngoái. Trong đó, VCBS cho rằng sẽ có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng và sự phân hóa này càng tiếp tục mạnh mẽ hơn trong năm 2024.

Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) ước tính lợi nhuận trung bình của nhóm ngân hàng nghiên cứu chỉ tăng khoảng 12 - 15% trong năm 2023. Riêng 6 tháng cuối năm, HSC ước tính lợi nhuận sẽ tăng trên 20% so với cùng kỳ.



Lợi nhuận giảm tốc do đâu?

Sự suy giảm về lợi nhuận của một số ngân hàng nêu trên phần nào cho thấy thực tế kinh doanh kém sắc của các ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng thấp khi điều kiện cho vay thắt chặt hơn với lĩnh vực bất động sản và cầu tín dụng thấp ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu do thiếu đơn hàng, NIM thu hẹp và áp lực trích lập dự phòng gia tăng ở nhiều ngân hàng. Đây là một trong các yếu tố khiến dòng tiền trên thị trường chưa thực sự “mặn mà” với cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây.

Một số công ty chứng khoán cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay có thể giảm tốc khi tín dụng tăng chậm, nợ xấu cao hơn và biên lãi thuần (NIM) thu hẹp, thu nhập từ lãi, chất lượng tài sản được dự báo suy giảm.

Năm tới, lợi nhuận ngành ngân hàng dự kiến tiếp tục phân hóa mạnh, với một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục.

Theo VCBS, một trong những nguyên nhân chính của sự giảm tốc này đến từ hoạt động xử lý nợ xấu để thu hồi vốn của các ngân hàng đang tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng. Trong khi đó, bất động sản lại là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

VCBS nhận định: Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024 nếu thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô trên thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời với việc các thông tư và chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.

Sang đến năm 2024, VCBS dự báo rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại và có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.

Ngoài ra, VCBS còn chỉ ra thêm yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh toàn ngành là sự sụt giảm thu nhập ngoài lãi ở hầu hết các hoạt động chính so với cùng kỳ. Các hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán, thu hồi nợ xấu ngoại bảng đều gặp khó khăn.

Trong đó, thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (bancassurance), vốn chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ, bị ảnh hưởng do việc các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra và thu nhập của người dân giảm sút.

Cùng với đó, áp lực từ việc tăng lãi sất huy động đã phản ánh vào biên lãi ròng (NIM) - chỉ số phản ánh tốc độ tăng trưởng thu từ lãi so với tốc độ tăng chi phí. NIM dự kiến tiếp tục thu hẹp khi nguồn vốn huy động giá cao vẫn chưa được hấp thụ hết, trong khi nguồn vốn giả rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lại giảm mạnh. Lãi suất giảm nhưng tín dụng cũng giảm mạnh nên lợi nhuận các ngân hàng đang hao hụt.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - cho rằng, năm 2023 sẽ là năm khó khăn, thách thức hơn với nền kinh tế và ngành ngân hàng. Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 dự báo sẽ tăng ở mức thấp hơn (khoảng 13-15%).

Theo ông Lực, nguyên nhân lợi nhuận ngân hàng tăng thấp là do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dẫn tới nhu cầu tín dụng chậm lại, ảnh hưởng tới nguồn thu từ tín dụng; biên lãi ròng (NIM) của các tổ chức tín dụng chịu áp lực giảm do mặt bằng lãi suất cho vay và huy động có xu hướng giảm trong năm 2023; thu nhập từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối sẽ chậm lại do chính sách miễn phí chuyển tiền số, thanh toán số được duy trì và tỷ giá cơ bản ổn định hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác