'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tại hội thảo Xử lý nợ xấu: Nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật do Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức mới đây, chuyện "đứng cho vay, quỳ thu nợ" lại một lần nữa nóng lên như là vấn đề nhức nhối nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay. Đặc biệt là khi Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, từ khi Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 có hiệu lực, số vụ việc xử lý thông qua cơ quan tòa án và thi hành án là rất lớn.
"Ngay như Vietcombank, vốn được cho là ngân hàng có nợ xấu thấp trong ngành ngân hàng, nhưng chỉ riêng trong thời gian gần đây, chúng tôi đã có 790 vụ chuyển qua tòa án. Vậy cả nền kinh tế, mấy chục tổ chức tín dụng (TCTD) thì tôi nghĩ các cơ quan tòa án nay mai xử lý các vụ việc này sẽ mất rất nhiều thời gian", ông Nghiêm Xuân Thành bày tỏ.
Ông Thành cho biết thêm, ngoài 790 vụ đã chuyển qua cơ quan tòa án, hiện Vietcombank còn đến 98 vụ đã gửi qua tòa án, tòa đã thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử.
"Thực tiễn qua thực hiện, chúng tôi đã thống kê thời gian bình quân khoảng 2 năm qua tòa thì mới giải quyết xong vấn đề tranh chấp chứ chưa nói đến vấn đề thi hành án. Thậm chí, có những vụ việc mà chúng tôi đã theo đuổi đến 7 năm, nhưng vẫn chưa xử lý thi hành án được, chưa xử lý được tài sản bảo đảm", vị chủ tịch Vietcombank chia sẻ.
Vẫn theo ông Thành, sau khi quyết định của tòa có hiệu lực thì quá trình thi hành án cũng mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Trong thực tế, thi hành án cũng mất từ 2 – 3 năm.
"Có những vụ, chẳng hạn như công ty An Phúc ở trong Bình Dương, đến năm nay là năm thứ 4 thứ 5 rồi mà vẫn chưa thi hành án được. Ngược lại, tòa lại phúc tra lại và rất nhiều nội dung rất dích dắc", ông Thành nêu một ví dụ thực tế tại Vietcombank.
Chủ tịch Vietcombank trăn trở rằng, trong khi tòa án thực hiện các thủ tục giải quyết các vụ án thì tài sản bảo đảm bị xuống cấp, như vậy, nguồn thu của các ngân hàng tiếp tục hao mòn, mất đi, tổn thất của ngân hàng lại càng lớn.
Một vấn đề khác ông Thành đặc biệt nhất mạnh, là trong thời gian tiến hành tố tụng, do quy định thu giữ tài sản không còn nên một phần nào đó đã tạo sự ỉ lại, lợi dụng của một số khách hàng không tốt, cố tình chây ì, giữ tài sản bảo đảm để khai thác cho thuê.
"Có trường hợp khách hàng tại Vietcombank, vay để sở hữu một khách sạn ở Nha Trang hơn 1.000 tỷ, mà tài sản bấy giờ nếu ngân hàng thu giữ và bán thì lập tức sẽ thu được đủ gốc. Nhưng khách hàng không bàn giao cho chúng tôi qua tòa, đến nay 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên, chưa nói đến hòa giải thành.
Thế tại sao khách hàng giữ tài sản này? Bởi vì mỗi năm khai thác được 70 – 100 tỷ, không chuyển tiền vào ngân hàng. Vậy chỉ cần chây ì 3 - 5 năm, khách hàng thu sẽ được 300 – 500 tỷ, trong khi khách sạn phải khấu hao, giảm đi giá trị của ngân hàng", ông Nghiêm Xuân Thành bày tỏ bức xúc.
Ông Thành bày tỏ nghi ngại rằng, 5 năm nữa thì không biết liệu Vietcombank có còn thu được 50% nợ gốc đối với trường hợp này hay không.
"Đây là thực tiễn đặt ra. Quyền thu giữ nếu không có thì sẽ tạo ra sự chây ì, cố tình không bàn giao tài sản vì không có quy định là ngân hàng được thu hồi", ông Thành nêu quan điểm.
Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC chỉ ra thực trạng rằng, cam kết của khách hàng với ngân hàng trong việc cho vay là trả nợ trong vòng 1 năm thì trên thực tế là 5 năm, gấp 5 lần cam kết.
"Tôi cho rằng điều kiện để thu giữ tài sản bảo đảm vô cùng khó khăn. Thực tế, ở đây có đại diện Ngân hàng Nông nghiệp, tôi đã từng trao đổi thì các bạn pháp chế ở đấy nói rằng gần như không thu giữ được trường hợp nào, một số ngân hàng thu giữ nhưng đấy là gây sức ép rất lớn để cho khách hàng có thể thực hiện", Luật sư Trương Thanh Đức cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, người sắp tham gia tái cơ cấu một TCTD yếu kém là Sacombank bày tỏ rằng, trong suốt thời gian vừa qua, ngân hàng đang từ chủ nợ thành con nợ "đứng để cho vay nhưng quỳ để thu nợ", tức là phải đi xin, đi gõ cửa.
Ông Hưởng cũng bày tỏ sự không hài lòng với dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội, bởi nếu quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của TCTD là "đồng thuận thì cho là giữ, cãi cùn thì trình ra tòa" như nghị quyết thì sẽ không có trường hợp 1 xảy ra, luôn là trường hợp 2. Như thế, theo ông Hưởng, là "cuối cùng vẫn như cũ".
"Mong muốn của cá nhân tôi là làm sao nghị quyết xử lý nợ xấu đừng biến ngân hàng thành người hành khất, phải có tầm nhìn xa, xuyên suốt, đừng cuộn nợ xấu lại gửi cho con cháu sau này", ông Nguyễn Đức Hưởng nhấn mạnh.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.