Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc: Ngành bất động sản vẫn ổn định, Evergrande chỉ là ‘trường hợp cá biệt’

Thanh Tú - 15/10/2021 19:43 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết “bom nợ” Evergrande chỉ là trường hợp cá biệt, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đều đang hoạt động ổn định.

VNF
Evergrande đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng xuất phát từ nợ quá hạn

Trong thông báo phát ra hôm nay (15/10), PBoC khẳng định “hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động ổn định và có các chỉ số tài chính tốt, và ngành bất động sản nhìn chung là lành mạnh”.

PBoC cũng tuyên bố “các vấn đề của tập đoàn Evergrande trong ngành bất động sản là một hiện tượng riêng lẻ và có thể kiểm soát được”.

Ông Trâu Lan (Zou Lan), trưởng bộ phận thị trường tài chính của PBoC, cho biết hiện tại, theo quy định của pháp luật và nguyên tắc thị trường, các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương đang làm mọi việc để loại bỏ các rủi ro liên quan đến Evergrande, đồng thời hỗ trợ tài chính để các dự án xây dựng được tái khởi động trở lại.

Ông Trâu Lan lưu ý rằng Evergrande đã quản lý kém trong những năm gần đây và chưa kinh doanh thận trọng trước những thay đổi của tình hình thị trường, mà thay vào đó đã đa dạng hóa và mở rộng một cách thiếu suy nghĩ, và "điều đó đã làm suy giảm nghiêm trọng hoạt động tài chính của công ty".

Từng là niềm tự hào quốc gia, được công nhận là doanh nghiệp bất động sản có giá trị bậc nhất toàn cầu, thế nhưng trong những tháng gần đây, Evergrande đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng xuất phát từ nợ quá hạn. Tổng số nợ phải trả lên đến 300 tỷ USD (tương đương 2% GDP Trung Quốc) đã khiến Evergrande trở thành tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới.

Việc “bom nợ” này có nguy cơ phát nổ đã gây chấn động trên thị trường khu vực và quốc tế, đồng thời châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ trên các lĩnh vực quản lý tài sản và bất động sản mà một số nhà phân tích gọi là "thời điểm Lehman Brothers" của Trung Quốc.

Vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers Holdings Inc vào năm 2008 với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ khiến thị trường chao đảo, đẩy 80 chi nhánh trên toàn thế giới của ngân hàng này phải đóng cửa, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ nhất thế giới trong vòng một thế kỷ.

Quay lại với Evergrande, một số trái chủ hồi đầu tuần cho biết họ đã không nhận được khoản lãi trái phiếu trị giá 148 triệu USD đến hạn thanh toán ngày 12/10 (với các trái phiếu có giá trị đến tháng 4/2022, 4/2023 và 4/2024) của Evergrande.

Trong tháng 9, họ cũng đã không nhận được 2 đợt trả lãi trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc. Điều này không chỉ khiến các trái chủ của tập đoàn này lo lắng, mà còn khiến sự bất an lan tràn trên khắp thị trường trái phiếu Trung Quốc và khiến nhiều tên tuổi khác trong ngành bất động sản thêm tuyệt vọng.

Modern Land và Sinic Holdings, hai nhà phát triển bất động sản khác của đất nước tỷ dân cũng đang đứng trước bờ vực phá sản, vì không thể thanh toán các khoản lãi suất trái phiếu chuẩn bị đến hạn.

Trong khi Modern Land đề nghị các nhà đầu tư gia hạn thêm 3 tháng cho khoản thanh toán trị giá 250 triệu USD đến hạn vào ngày 25/10 để tránh vỡ nợ, thì Sinic Holdings cũng thông báo nguy cơ vỡ nợ trong tuần tới vì họ không còn đủ nguồn lực tài chính để thanh toán các khoản nợ trái phiếu trong năm nay.

Nhà phân tích của dịch vụ tài chính JPMorgan cho biết ảnh hưởng xấu từ Evergrande đang bao trùm nhiều lĩnh vực khác, khiến các nhà đầu tư quốc tế hiện yêu cầu mức phí bảo hiểm cao nhất từ ​​trước đến nay cho việc mua hoặc nắm giữ các khoản nợ bị coi là "rác" của Trung Quốc.

Một nhà phân tích táo bạo khác thậm chí còn nhận định rằng thế giới đang và sẽ chứng kiến phần còn lại của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, trị giá tới 5 nghìn tỷ USD, dần dần sụp đổ. 

Dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải cho thấy, 5 trái phiếu giảm giá mạnh nhất trong số các trái phiếu được trao đổi trên thị trường thời gian gần đây đều do các công ty bất động sản phát hành.

Xem thêm >> Ngân hàng Thế giới kêu gọi Trung Quốc đóng góp nhiều hơn để hỗ trợ nước nghèo

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.