'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra, số lượng giao dịch online tăng đột biến, nhiều thời điểm khiến cho ngay cả những ngân hàng có hệ thống máy chủ vật lý “hùng hậu” cũng bị gián đoạn giao dịch. Tình hình có lúc còn tồi tệ hơn khi Covid-19 khiến việc bổ sung thêm máy chủ vật lý trở nên khó khăn do ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng lượng giao dịch online quá nhanh kéo theo nhu cầu nâng cấp tương ứng về năng lực xử lý của hệ thống, không chỉ cực kỳ đắt đỏ về tiền bạc mà còn cả về thời gian.
Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng với việc số lượng giao dịch online tăng hàng chục lần trong những năm qua, thêm vào đó, lượng giao dịch trong thời gian đỉnh điểm có thể gấp nhiều lần thông thường, thì việc chạy đua gia tăng máy chủ vật lý để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong tương lai là “không khả thi”.
Ngoài ra, hệ thống của ngân hàng hiện nay liên kết với rất nhiều hệ thống khác, không chỉ trong nội bộ ngành ngân hàng mà còn có ngành bảo hiểm, ngành chứng khoán… Nếu hệ thống ngân hàng trục trặc, cả hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, hệ sinh thái liên kết với ngân hàng đang ngày càng “nở ra” với tốc độ nhanh hơn.
Điện toán đám mây cung cấp lời giải cho những bài toán hóc búa trên, bởi nó cho phép ngân hàng gia tăng công suất xử lý dữ liệu theo nhu cầu thông qua hệ thống máy chủ ảo (hay còn gọi là “đám mây”). Năng lực lưu trữ và xử lý dữ liệu của hệ thống này vượt trội hoàn toàn so với hệ thống máy chủ vật lý mà các ngân hàng tự xây dựng.
Trong một chia sẻ nhân sự kiện hợp tác chính thức với “ông lớn” ngành điện toán đám mây AWS, Tổng giám đốc Jens Lottner cho hay Techcombank coi điện toán đám mây không phải là một đề xuất hay lựa chọn, mà là điều bắt buộc mà ngân hàng phải ứng dụng.
Điện toán đám mây quan trọng tới mức Giám đốc Ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng gọi đây là “con đường độc đạo” để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, tức là không còn con đường nào khác.
Khi bài toán hạ tầng được giải quyết, tiềm năng dữ liệu lớn (Big Data) được khai mở, ngân hàng sẽ am hiểu khách hàng hơn, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn, nhanh hơn, đơn giản hơn và ổn định hơn với trải nghiệm tốt hơn, khác biệt hơn và chi phí thấp hơn. Không gì khác, đó chính là “chuyển đổi số”.
Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc VIB, nhấn mạnh thêm rằng sự hỗ trợ của điện toán đám mây trong thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu còn góp phần đẩy mạnh văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu (data-driven culture) của ngân hàng.
“Với ngành ngân hàng, điện toán đám mây (Cloud) không còn là khái niệm mang tính công nghệ mà thực sự là một chiến lược có thể giúp các ngân hàng bứt phá về đổi mới, sáng tạo. Chúng tôi tin rằng việc sử dụng các giải pháp dựa trên Cloud là xu thế tất yếu trên toàn cầu, không ngoại lệ với doanh nghiệp Việt và là điều thiết yếu cho tương lai của ngân hàng”, Phó tổng giám đốc VIB Trần Nhất Minh chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính.
“Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2025, 60% ngân hàng Việt Nam có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây và đến năm 2030, 100% ngân hàng Việt Nam có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Ra đời sau đó, Thông tư 09 tạo ra bước ngoặt khi cho phép các ngân hàng đưa dữ liệu quan trọng lên “đám mây” nếu đảm bảo những quy định kèm theo.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với lộ trình hết sức cụ thể. Đặc biệt, tháng 12, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập riêng Ban chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, trong đó, đích thân Thống đốc Nguyễn Thị Hồng làm Trưởng ban chỉ đạo; Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng làm Phó trưởng ban thường trực, đồng thời là Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo; Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin là Tổ phó thường trực.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực tạo ra hành lang pháp lý để ứng dụng điện toán đám mây trong lĩnh vực ngân hàng nhưng cho đến nay, Luật An ninh mạng chưa có nghị định hướng dẫn chi tiết, hẳn nhiên khiến một cơ quan cấp Bộ như Ngân hàng Nhà nước e dè khi ban hành văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề an ninh thông tin.
Tại một cuộc tọa đàm do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì diễn ra gần đây, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh Toán cho hay đối với việc ứng dụng điện toán đám mây, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ về mặt chủ trương nhưng khi triển khai, cần tìm ra cách thức cân bằng giữa quy định pháp lý và thực tiễn, giữa lợi ích và rủi ro.
“70% dân số Việt Nam thường xuyên sử dụng dịch vụ số nên vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân đặt ra rất lớn. Khi lọt lộ dữ liệu, không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng mà còn ảnh hưởng đến ngân hàng. Một mặt thúc đẩy nhưng một mặt chúng tôi cũng rất thận trọng khi ban hành các quy định”, ông Dũng nói.
An ninh thông tin không phải là đòi hỏi của riêng Nhà nước, mà bản thân các ngân hàng cũng có những băn khoăn nhất định khi đưa dữ liệu lên “đám mây”. Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank, ví von: “Để dữ liệu ở trong nhà lâu lâu vẫn gặp khiếu nại của khách hàng, chẳng hạn vì sao rò rỉ thông tin qua giao dịch viên, giờ đưa lên Cloud thì thông tin rò rỉ đi từ đâu?”.
Mặc dù có lo ngại nhất định, nhưng ông Tuấn cho biết ban lãnh đạo Vietcombank có quan điểm “Cloud First”, nghĩa là dù giải pháp nào cũng luôn nghĩ đến Cloud đầu tiên, nếu không thể ứng dụng Cloud thì mới xem xét tới giải pháp khác.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV, không chỉ Việt Nam mà ở một số quốc gia, người ta vẫn nghi ngờ về Cloud với nỗi sợ lớn nhất là rủi ro bị mất quyền kiểm soát khi đưa dữ liệu lên nền tảng của tổ chức khác, đem lại cảm giác “không thể tự quyết định số phận của mình”.
Đó là rào cản về niềm tin.
Ông Thắng cho rằng các mô hình phát triển Cloud hiện nay như Private-Cloud, Hybrid-Cloud hay Multi-Cloud thực chất cách để bên cung cấp dịch vụ Cloud tiếp cận và dần dần hình thành sự tin tưởng của khách hàng cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, thay vì đưa dữ liệu lên “đám mây” công cộng ngay, bên cung cấp dịch vụ Cloud sẽ tạo ra một “đám mây trong nhà” giúp cho ngân hàng yên tâm hơn bởi dữ liệu được “khoanh vùng” lại, đó chính là Private-Cloud.
Hoặc như Multi-Cloud, thay vì chỉ đưa dữ liệu lên một “tầng mây” hoặc phụ thuộc vào một nhà cung cấp, ngân hàng sẽ phân tán dữ liệu ra nhiều “tầng mây” hoặc nhiều “đám mây” của nhiều nhà cung cấp với mức độ bảo mật khác nhau nhằm phân tán rủi ro phù hợp với tầm quan trọng của mỗi loại dữ liệu. Với Hybrid-Cloud, ngân hàng sẽ lựa chọn loại dữ liệu nào đưa lên “đám mây” công cộng, loại dữ liệu nào vẫn giữ ở hạ tầng truyền thống; các ngân hàng lớn, đã đầu tư nhiều vào hạ tầng công nghệ thông tin, thường chọn giải pháp này để không phí phạm hạ tầng hiện có.
Tuy nhiên, tất cả các hình thức Cloud trên chỉ mang tính “quá độ” nhằm xóa bỏ những rào cản về niềm tin, bởi vì bản thân các hình thức này vẫn không thể đồng bộ hóa hoàn toàn, giống như “đặt một thành phố thông minh trong một thành phố không thông minh”, các hạ tầng liên đới với nhau khó có thể kết hợp nhịp nhàng, ổn định. Hành trình đi đến thống nhất hạ tầng Cloud là hành trình dài, trong đó, điều kiện tiên quyết là các nhà cung cấp nền tảng Cloud, kể cả trong nước lẫn nước ngoài, phải đảm bảo được tính bảo mật và an toàn thông tin, đồng thời giữa người sử dụng và người cung cấp nền tảng Cloud phải có cam kết chặt chẽ về mặt pháp lý cũng như kỹ thuật để có thể hoàn toàn tin cậy kể cả khi xảy ra rủi ro.
Trước mắt, một số ngân hàng trong nước đã triển khai lộ trình đám mây hóa phù hợp với các quy định hiện hành. Chẳng hạn, VIB chia lộ trình ra làm 3 giai đoạn: thử nghiệm (cloud experiement), dịch chuyển (cloud migration) và chuyển đổi (cloud transformation).
“Chúng tôi đã khởi động kế hoạch lên cloud từ nhiều năm trước với việc chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố về nguồn lực và nhân sự công nghệ. Từ năm 2020, chúng tôi bắt đầu giai đoạn thử nghiệm. Đầu năm 2021, chúng tôi đã đưa một số ứng dụng lên Cloud AWS. Với thỏa thuận hợp tác cùng Microsoft vừa công bố vào tháng 12/2021, VIB sẽ đẩy nhanh việc chuyển và lưu trữ các ứng dụng và nền tảng kinh doanh của ngân hàng lên Cloud Microsoft Azure.
Trong vòng 3 năm tới, VIB sẽ thiết kế và đẩy mạnh triển khai dịch chuyển các ứng dụng lên nền tảng đám mây, đồng thời hiện đại hóa và chuyển khối lượng công việc tính toán của ngân hàng bao gồm các ứng dụng kinh doanh cùng nhu cầu điện toán của người dùng cuối trên nền tảng mới này”, Phó tổng giám đốc VIB Trần Nhất Minh cho biết.
Nhìn chung, đa số các ngân hàng, theo chiến lược riêng, đã có chuẩn bị nhất định về công nghệ, nguồn lực và con người để đón đầu các quy định pháp lý mới theo hướng mở đường hơn nữa cho điện toán đám mây.
Có một thực tế là ngay cả khi các nhà cung cấp nền tảng Cloud trong nước có lợi thế hơn về mặt pháp lý thì các ngân hàng vẫn có xu hướng chọn nhà cung cấp nền tảng Cloud nước ngoài. Bên cạnh năng lực phòng vệ, các “ông lớn” như AWS, Microsoft hay Google tỏ ra vượt trội về sản phẩm, hệ sinh thái và kinh nghiệm triển khai Cloud.
Trên thực tế, Cloud không chỉ tạo ra sự thay đổi về hạ tầng mà còn làm thay đổi toàn diện cách thức ngân hàng vận hành.
Trong quá trình này, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho rằng điều quan trọng nhất, cơ bản nhất cần làm chính là phải đầu tư phát triển nhân tài. “Đó là lý do vì sao sau khi hợp tác với AWS, chúng tôi không thảo luận nhiều về công nghệ mà về việc làm thế nào để xây dựng được đội ngũ nhân sự tài năng, làm thế nào để chúng tôi có thể chuyển đổi mà không gặp phải trục trặc giữa chừng vì không đủ nhân sự”, Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ.
Theo tiết lộ của Techcombank, để phục vụ cho tiến trình đám mây hóa, đã có khoảng 900 đến 1.000 nhân viên của ngân hàng này tham gia khóa đào tạo trực tuyến và dự kiến có những chương trình đào tạo để nâng cao trình độ cho hơn 2.000 lượt nhân viên. Trong khi đó, VIB cho biết đã tổ chức hàng trăm lượt học về lĩnh vực điện toán đám mây trong vòng 18 tháng trở lại đây cho đội ngũ kỹ sư công nghệ và đội ngũ này đã tiếp tục đăng ký gần 1.000 lượt học để đáp ứng kế hoạch chuyển dịch lên Cloud của ngân hàng.
Giám đốc Ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng nêu quan điểm rằng ngân hàng nào ứng dụng điện toán đám mây gắn liền với sự thay đổi toàn diện về quản trị, chiến lược, mô hình kinh doanh… thì sẽ đi nhanh; còn ngân hàng nào chỉ làm công nghệ trước thì “không ăn thua”. Ông Thắng cũng cho rằng vấn đề nhân lực là rào cản khiến các ngân hàng khó có thể dịch chuyển “lên mây” trong thời gian ngắn, bởi ngay cả các kỹ sư công nghệ cũng phải học rất nhiều nhằm làm chủ và khai thác được môi trường Cloud để phát triển sản phẩm, ứng dụng, chứ chưa nói đến những nguồn nhân lực khác.
Ngoài ra, môi trường Cloud có thể làm thay đổi hoàn toàn cách tổ chức và quản trị nhân lực. “Trước đây để phát triển một ứng dụng, đội ngũ lập trình có thể bắt buộc phải làm việc trên hệ thống nội bộ, có những đơn vị có thời kỳ phải thuê mặt sàn cả trăm người ngồi, nhưng nếu trên môi trường Cloud, lập trình ở Việt Nam cũng giống như ở Mỹ, từ đó có thể khai thác triệt để nguồn lực. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi về tư duy, cơ chế quản trị con người, không còn ngồi tập trung tại một địa điểm mà là làm việc “trên mây” ở bất cứ nơi nào trên thế giới”, ông Thắng ví dụ.
Tựu trung, dù còn những rào cản về pháp lý, niềm tin và nhân lực nhưng xu hướng ngân hàng “trên mây” đã rất rõ ràng. Ngân hàng nào không sớm đầu tư và tiến hành dịch chuyển “lên mây” thì sẽ bị bỏ lại phía sau.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.