Ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chính cho cơ sở hạ tầng

Minh Tâm (Tổng hợp) - 22/12/2016 08:41 (GMT+7)

(VNF) – Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, nguồn lực huy động chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện nay vẫn đến từ khu vực ngân hàng nên nếu không kiểm soát tốt, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nên những hệ lụy bất lợi cho công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương.

Trong hai ngày 19 và 20/12/2016, tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức tọa đàm về tài trợ cơ sở hạ tầng chất lượng cho đầu tư dài hạn và huy động vốn từ khu vực tư nhân. 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đã có nhiều nghiên cứu, báo cáo đánh giá của quốc tế chỉ ra rằng, phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng là điều kiện tiền đề giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, giúp xóa đói giảm nghèo không chỉ nội bộ một quốc gia mà cả trong liên kết phát triển kinh tế vùng hay trên bình diện hợp tác quốc tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu

Ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam nên nếu không kiểm soát tốt, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây bất lợi cho công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tin rằng, Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới đang phải đối mặt với một số nguy cơ hiện hữu trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Một là, thiếu hụt đáng kể nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng; Hai là, thiếu cơ chế chính sách thích hợp để huy động được các nguồn lực ngoài Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng; Ba là, hiện trạng đầu tư cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ và thiếu quy hoạch có chất lượng để từ đó có được các công trình đầu tư sinh lời bền vững, đem lại sức lan tỏa cho cộng đồng; Bốn là, năng lực quản trị, điều hành, vận hành các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng còn có nhiều hạn chế; Năm là, việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn chưa chú trọng đúng mức tới các tác động về môi trường và xã hội.

Từ những nhận định này, Phó Thống đốc cho rằng cả 6 nội dung mà Hội thảo đề cập sẽ là cơ hội tốt để các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để từ đó đúc kết những bài học riêng cho mình.

Đối với Việt Nam, một trong những trọng tâm ưu tiên trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, coi đây là nền tảng vững chắc phục vụ cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước. Hàng năm, Việt Nam cần đầu tư nhiều tỷ USD vào các công trình, dự án mới, đồng thời vẫn phải chi thường xuyên cho việc duy tu, bảo trì các công trình, dự án hiện tại.

Với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trong khoảng từ 5% - 7%/năm cho một nền kinh tế với quy mô GDP chưa đến 200 tỷ USD thì hàng năm, Chính phủ Việt Nam chỉ có thể tự tài trợ một phần rất khiêm tốn so với nhu cầu đầu tư khổng lồ này từ nguồn tiết kiệm và tích lũy nội tại. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam buộc phải vay các tổ chức quốc tế và phát hành nợ trong nước để đầu tư mới và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng.Điều này dẫn đến nợ công đã tăng nhanh, tạo nguy cơ mất cân đối vĩ mô tổng thể.

Đầu năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định về Hợp tác công tư và đã triển khai nhiều dự án có sự tham gia của khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, so với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng hàng năm khoảng 30 tỷ USD thì những kết quả ban đầu như trên còn rất khiêm tốn. Ngoài ra, nguồn lực huy động chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện nay lại đến từ khu vực ngân hàng nên nếu không kiểm soát tốt, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nên những hệ lụy bất lợi cho công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận 6 nội dung cơ bản sau: Thúc đẩy cơ sở hạ tầng chất lượng cho đầu tư dài hạn - Dẫn chứng và tác động; Phối hợp với khu vực tư nhân: Vai trò của các thị trường vốn cho đầu tư dài hạn; Tài trợ cơ sở hạ tầng xanh và hợp tác khu vực tăng trưởng xanh; Tăng cường tác động phát triển của đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực Châu Á mới nổi; Tài trợ kết nối cơ sở hạ tầng – Các sáng kiến chính ở khu vực; Hướng tới vai trò Chủ tịch APEC của Việt Nam trong năm 2017 – Một chương trình nghị sự tiềm năng cho đầu tư cho cơ sở hạ tầng chất lượng.

Cùng chuyên mục
Tin khác