Ngân hàng xanh: 'Bắc thang lên trời tìm vốn'

Nguyễn Hoài - 08/11/2018 20:22 (GMT+7)

(VNF) - Một số ngân hàng đang mon men làm “ngân hàng xanh”: cấp tín dụng cho các dự án xanh sạch và các dự án tuân thủ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi kênh ODA dần khép lại, quy định “vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn” chưa được bóc tách, những người trong cuộc đang lân la tìm đến những kênh vốn mới.

VNF
Ảnh minh họa

Ngày 8/11, Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị chuyên đề “Định hướng phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”.

Ông lớn cầm đèn chạy trước

Theo đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), gần đây, ngân hàng bắt đầu chú ý cho vay đối với một số dự án liên quan đến bảo vệ môi trường như điện gió, điện khí thải, điện mặt trời, sinh khối, xử lý rác thải.

Hiện tại, BIDV đã phê duyệt 9 dự án, trong đó 2 dự án điện gió ở Quảng Trị và Ninh Thuận đã đi vào hoạt động, năng lực thực tế vượt trội so với tính toán ban đầu.

Ngoài ra, có khoảng 6 dự án điện mặt trời đang trong quá trình phê duyệt. Tuy nhiên, theo chỉ đạo mới nhất của các bộ ngành liên quan, nếu các dự án này không đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn tất thi công để đến tháng 6/2019 đưa vào hoạt động thì phải dừng để chờ hướng dẫn mới. Bởi, nếu sau mốc thời gian này, đầu ra của nhà máy không được áp giá thành theo quy định, dự án có thể lỗ và ngân hàng dễ bị rủi ro.

Về vấn đề này, đại diện BIDV nói: “Rất nhiều vấn đề có thể phát sinh gây lỗ cho ngân hàng, ví như tính toán về tốc độ gió thực tế khi vận hành có thể khác với tính toán ban đầu sẽ tác động mạnh đến sản lượng điện. Theo quy định thì phải khảo sát 12 tháng nhưng trong điều kiện thời tiết thất thường, biến đổi khí hậu, số liệu đó chưa hẳn đã đúng như thực tế vận hành sau này”.

Cũng theo ông này, việc tài trợ các dự án nêu trên hiện gặp một số khó khăn: nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài (khoảng 15 năm) nên không khuyến khích nhà đầu tư tham gia, mặc dù Nhà nước cam kết mua hết sản lượng điện với giá 7,8% cent/kWh.

Chưa kể, phần lớn kỳ hạn vốn ở các ngân hàng là ngắn và trung hạn, tỷ lệ dài hạn rất thấp. Song song, việc tài trợ các dự án dạng này còn bị “vạ lây” bởi quy định khống chế “vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn” (từ 1/1/2019, chỉ được phép sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn – Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 16/2018/TT-NHNN – Người viết).

Để giảm bớt áp lực với chủ đầu tư, BIDV cũng hỗ trợ khách hàng về lãi vay; đàm phán với bên bán thiết bị về giá và chốt lãi suất USD mức 5% - 5,5%/năm, thấp đáng kể so với vay VND ở mức 10%/năm.

“Chính phủ nên có một gói giải pháp tổng thể để hỗ trợ chủ đầu tư, bao gồm: giảm chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đến tận chân công trình, mua điện ngay tại nhà máy để tránh chi phí đầu tư đường dây 110 KV cho dự án, cộng với một số ưu đãi khác biệt khác”, đại diện BIDV giãi bày.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách bóc tách để các dự án “ngân hàng xanh” không nằm trong quy định “vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn”, bởi dư nợ tín dụng trong lĩnh vực này như thống kê của Vụ Tín dụng chỉ ở mức 235 nghìn tỷ đồng (quá thấp so với tổng dư nợ 6 – 7 triệu tỷ đồng hiện nay – Người viết).

Thêm vào đó, những ngân hàng đầu tư trong lĩnh vực này cũng nên được ưu tiên tái cấp vốn, thậm chí giảm dự trữ bắt buộc đối với nguồn vốn huy động ở phần tương ứng với mức tài trợ tín dụng trong lĩnh vực này.

Một ngân hàng khác cũng đang quan tâm đến “ngân hàng xanh” là Vietcombank. Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Phòng Quản lý rủi ro tín dụng (Vietcombank) cho biết, “tăng trưởng tín dụng xanh” là một trong những nội dung chiến lược của Vietcombank nên ngân hàng đã triển khai khá nhiều dự án; cùng đó, tìm hiểu, tiếp xúc các đối tác trên thị trường tài chính quốc tế để đa dạng nguồn vốn tài trợ.

"Tín dụng xanh" chiếm tỷ trọng quá nhỏ nhoi so với quy mô tín dụng toàn hệ thống. Nguồn: Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước.

Tìm vốn ở đâu?

Câu chuyện vốn ở đâu cho “ngân hàng xanh” hiện khá nan giải và điều này được bà Nguyễn Thu Nga (chuyên gia của GIZ) gợi mở: “Các ngân hàng có thể phát hành 'trái phiếu xanh' để tài trợ cho chính các dự án 'ngân hàng xanh' mà không sợ vướng phải quy định “vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn”.

Trước ý kiến này, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Phòng Quản lý rủi ro tín dụng (Vietcombank) cho rằng, hiện không rõ các tiêu chí cụ thể về “trái phiếu xanh” nên các ngân hàng chưa có cơ sở để thuyết phục các nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Chưa kể rằng, nguồn vốn từ kênh này cũng chỉ đáp ứng tỷ lệ nhỏ cho các dự án xanh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia kinh tế cao cấp của GIZ phân tích: “Cánh cửa vốn ODA cho các dự án nói chung và tín dụng xanh nói riêng từ nay trở đi đang dần khép lại; thậm chí, rất khó khăn bởi những quy định ngặt nghèo trong tiếp cận cũng như mức lãi suất”.

Ông Hải gợi ý, hiện trên thế giới có nhiều quỹ, chẳng hạn: “Quỹ khí hậu xanh” quy mô không nhỏ, danh mục quỹ này có 3 loại. Loại thứ nhất là “quỹ tài chính khí hậu xanh” gồm 13 – 14 quỹ, trong đó có quỹ lớn nhất là “Quỹ Khí hậu Xanh – GCF” theo quyết định của 195 nguyên thủ quốc gia. Họ đề nghị đến 2020 đặt mục tiêu huy động 100 tỷ USD, hiện tại đã có 13 – 14 tỷ USD tiền mặt, nhu cầu giải ngân của họ rất cấp bách.

“Do áp lực giải ngân lớn mà từng có một lãnh đạo quỹ này bị thay chức do không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân. Đây là nguồn lực rất lớn và Việt Nam đã có 2 dự án hưởng lợi từ kênh vốn này, chúng ta nên tận dụng”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là Việt Nam chưa có một cơ quan độc lập để tự mình trình dự án xanh lên GCF.

Ngoài ra, còn hơn 10 quỹ khác, quy mô ước 10 – 12 tỷ USD; hiện nay đã có một số dự án nhỏ được vay ở các quỹ này.

Loại thứ hai là quỹ của các định chế tài chính, huy động nhiều nguồn, trong đó một kênh đầu vào rất lớn là “trái phiếu xanh”.

Theo ông Hải, 10 năm qua, thị trường “trái phiếu xanh” đạt tốc độ tăng trưởng 30% – 50%/năm. Các ngân hàng, định chế tài chính phát hành nhiều "trái phiếu xanh", lãi suất thấp (0,65%/năm), kỳ hạn dài. Theo ông Hải, nếu Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn này cho các dự án xanh thì mức lãi suất phải trả cũng chỉ 1,6%/năm.

Loại thứ ba là các quỹ tài chính khí hậu xanh tư nhân, rất nhiều ở Mỹ và châu Âu, hình thức đầu tư vốn linh hoạt và chỉ chuyên vào lĩnh vực xanh và khí hậu. Hiện tại, họ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và đã tiếp cận với một số dự án xanh của BIDV và Vietcombank. Hiện tại, các quỹ này có kế hoạch dành 2 tỷ USD “đầu tư thăm dò” tại Việt Nam.

“Đây là 3 nguồn vốn lớn, dài hạn, tương đối hợp lý về lãi suất để tài trợ cho các dự án xanh; đặc biệt là trong bối cảnh vốn ODA đang khép dần”, ông Hải chốt lại.

"Trái phiếu xanh" để tạo đầu vào cho "tín dụng xanh" có phải là "thêm chút muối vào đại dương"?. Ảnh: sưu tầm.

“Ngân hàng xanh” là khái niệm rộng, bao gồm hoạt động “xanh hoá ngân hàng” (tiết kiệm giấy, giao dịch trực tuyến giảm giao dịch vật chất); tiếp đó là “xanh hoá khách hàng” (áp dụng tiêu chuẩn môi trường khi cấp tín dụng, thúc đẩy tài trợ tài chính cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo).

- Các tiêu chí đo lường tín dụng xanh/ngân hàng xanh tại Việt Nam còn ít và chưa rộng rãi, chưa áp dụng nhất quán. Có tới 88% ngân hàng Việt Nam coi “tín dụng xanh” là mảng kinh doanh tiềm năng; trong đó, 68% có kế hoạch mở rộng kinh doanh mảng này trong ngắn và trung hạn.

- 26% số ngân hàng đã xây dựng và triển khai quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

- 50% ngân hàng đã áp dụng công cụ đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Nguồn: Viện Chiến lược ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước

Để hiện thực hoá chiến lược “ngân hàng xanh”, cần có một đầu mối giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất; đặc biệt là khi làm việc với các định chế quốc tế. Hiện tại, một tổ chức quốc tế đã có một bộ tiêu chuẩn chấm điểm “tín dụng xanh” và đã chấm điểm với các ngân hàng Việt Nam, số liệu họ lấy từ các báo cáo thường niên các ngân hàng.

Tuy nhiên, trong các các báo cáo thường niên này, việc đề cập các thông tin liên quan đến “ngân hàng xanh” còn mờ nhạt, hoạt động tuyên truyền “ngân hàng xanh” trong hệ thống ngân hàng Việt Nam còn thiếu chuyên nghiệp, chưa được chú trọng nên khi họ chấm, điểm các ngân hàng Việt Nam thường thấp hơn các ngân hàng trong khu vực.

Các tổ chức này cũng đang có xu hướng tiếp cận các ngân hàng thương mại Việt Nam; do đó, việc truyền thông tốt cũng như cung cấp số liệu đầy đủ, chi tiết về hoạt động “ngân hàng xanh” sẽ cải thiện hình ảnh trong con mắt các nhà tài trợ.

Nguồn: Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Phòng Quản lý rủi ro tín dụng (Vietcombank)

Cùng chuyên mục
Tin khác