(VNF) - Trong số 27 ngân hàng thương mại, có tới 8 ngân hàng lựa chọn cùng một phương án mang tính đánh đổi: "lỏng tay" hơn trong xử lý và dự phòng nợ xấu để chạy theo tăng trưởng lợi nhuận.
Chu kỳ nợ xấu mới đang bắt đầu, gối đầu với hồi kết của chu kỳ nợ xấu cũ.
Số liệu nợ xấu 9 tháng năm 2020 đang minh chứng cho điều này khi tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng thương mại (*) tăng tới 31%, tương đương tăng gần 25.100 tỷ; nợ tái cơ cấu theo Thông tư Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày càng tăng, đến ngày 28/9/2020 đã chiếm tới 3,8% tổng dư nợ toàn hệ thống. Trái ngược, tổng giá trị trái phiếu đặc biệt tại VAMC của 27 ngân hàng giảm 22%, tương đương giảm gần 23.800 tỷ (xem thêm: Thực hư chuyện nợ xấu ngân hàng tăng mạnh).
Chu kỳ nợ xấu mới kéo theo mối lo về lợi nhuận ngân hàng, bởi khi phát sinh nợ xấu, ngân hàng phải trích lập dự phòng theo quy định và nghiệp vụ này làm bào mòn lợi nhuận. Mức độ trích lập dự phòng sẽ tùy thuộc vào nhóm nợ (nợ nhóm 3, nợ nhóm 4 hoặc nợ nhóm 5) và giá trị tài sản bảo đảm của khoản nợ.
Mặc dù quy định về hạch toán nợ xấu cũng như trích lập dự phòng đã khá chặt chẽ nhưng không tránh khỏi những "lỗ hổng" giúp ngân hàng có không gian để "điều tiết" mức độ trích lập dự phòng, điển hình là việc xác định giá trị tài sản bảo đảm. Đối với một khoản nợ xấu đã xác định nhóm nợ, giá trị tài sản bảo đảm càng thấp thì mức độ trích lập dự phòng càng cao, nhờ vậy mà ngân hàng có thể "điều tiết" lượng trích lập dự phòng thông qua việc "điều tiết" giá trị tài sản bảo đảm, bởi việc xác định giá trị tài sản bảo đảm phụ thuộc không ít vào các yếu tố định tính.
Ngân hàng có thể "điều tiết" trích lập dự phòng, cũng nghĩa là có thể "điều tiết" lợi nhuận. Tuy nhiên, quy mô nợ xấu thì khó "điều tiết" hơn do quy định hiện hành khá rõ ràng và phần đông các ngân hàng đã sử dụng hệ thống phân loại nhóm nợ tự động.
Việc theo dõi sự biến động của 3 yếu tố lợi nhuận - dự phòng - nợ xấu có thể giúp hình dung được những sự "điều tiết", xoay xở khác nhau của các ngân hàng, chẳng hạn ưu tiên tăng trưởng lợi nhuận hay xử lý nợ xấu. Tương ứng với 3 yếu tố này là 3 chỉ tiêu: biến động lợi nhuận trước thuế - biến động tỷ lệ bao phủ nợ xấu - biến động tỷ lệ nợ xấu.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu = số dư dự phòng/quy mô nợ xấu, được ví như chỉ tiêu phản ánh "bộ đệm" rủi ro nợ xấu. Tỷ lệ này càng cao thì mỗi đồng nợ xấu càng được dự phòng nhiều, đồng nghĩa mức độ an toàn càng cao. Ví dụ, tỷ lệ này là 50% thì mỗi đồng nợ xấu được dự phòng bởi 0,5 đồng dự phòng; tỷ lệ này là 200% thì mỗi đồng nợ xấu được dự phòng bởi 2 đồng dự phòng.
Quan sát cho thấy, trong số 27 ngân hàng thương mại trong diện thống kê, có tới 8 ngân hàng lựa chọn cùng một phương án mang tính đánh đổi: chấp nhận tăng tỷ lệ nợ xấu, giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu để gia tăng lợi nhuận (trong đó, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu nội bảng và giá trị trái phiếu đặc biệt tại VAMC). Nói cách khác, các ngân hàng này "lỏng tay" hơn trong xử lý và dự phòng nợ xấu để chạy theo tăng trưởng lợi nhuận.
Các ngân hàng có xu hướng chạy theo tăng trưởng lợi nhuận này bao gồm ACB, VPBank, HDBank, VIB, TPBank, OCB, ABBank. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 9 tháng năm nay của 8 ngân hàng này lên đến 24% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Lựa chọn ưu tiên tăng trưởng lợi nhuận hơn là xử lý nợ xấu không phải là lựa chọn tồi nếu như quy mô nợ xấu của ngân hàng ở mức thấp hoặc/và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, đồng nghĩa có đủ dư địa để tiếp nhận thêm nợ xấu nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được mức độ an toàn. Nếu không có các điều kiện trên, lựa chọn này có phần mạo hiểm.
Một số ngân hàng thì thận trọng hơn khi chỉ giữ lợi nhuận đi ngang hoặc tăng nhẹ, thay vào đó, ưu tiên giảm tỷ lệ nợ xấu (như Eximbank và LienVietPostBank) hoặc tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (như MB), hoặc tích cực hơn là đồng thời giảm tỷ lệ nợ xấu và tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (như BIDV).
Thận trọng hơn nữa thì có Vietcombank và BacABank. Đây là 2 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất cao, nghĩa là có nhiều dư địa để chạy theo tăng trưởng lợi nhuận mà vẫn kiểm soát tốt mức độ an toàn. Tuy nhiên, 2 ngân hàng này lại chọn cách hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để gia tăng hơn nữa tỷ lệ bao phủ nợ xấu, nhằm tăng cường "bộ đệm" an toàn cho nợ xấu. Lựa chọn này cho phép Vietcombank và BacABank có thể nhanh chóng tái cân bằng sau khi lượng nợ xấu tái cơ cấu theo Thông tư 01 dần dần được ghi nhận vào báo cáo tài chính.
Không phải ngân hàng nào cũng có nhiều sự lựa chọn, điển hình là các ngân hàng như Kienlongbank, Saigonbank, VietBank... 9 tháng năm nay, không những lợi nhuận giảm mà tỷ lệ nợ xấu của 4 ngân hàng này còn tăng, thêm vào đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm. Các tín hiệu kém khả quan này phần nào phản ánh vấn đề về sức khỏe tài chính và sức mạnh cạnh tranh của 4 ngân hàng trên.
Có phần tương tự là câu chuyện ở SCB, Sacombank, PGBank. Tỷ lệ nợ xấu quá cao khiến các ngân hàng này buộc phải hy sinh lợi nhuận để mạnh tay giảm nợ xấu. Nhờ giảm mạnh quy mô nợ xấu nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng được cải thiện dù mức độ cải thiện khá khiêm tốn, tuy vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức rất thấp, từ 25 - 50%, cho thấy "bộ đệm" an toàn vẫn mỏng.
Trong số 27 ngân hàng thương mại, số ít ngân hàng gồm SeABank, VietCapitalBank, MSB và Techcombank đồng loạt ghi nhận 3 tín hiệu tốt: lợi nhuận tăng, tỷ lệ nợ xấu giảm và tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng. Kết quả này càng đặc biệt hơn trong bối cảnh ngành ngân hàng đang chịu tác động tiêu cực rõ rệt của dịch Covid-19.
Về nguyên nhân, SeABank, VietCapitalBank và MSB là 3 trường hợp đã sạch nợ VAMC trong năm nay, vì vậy gánh nặng nợ xấu đã nhẹ hơn nhiều, cùng với đó, mức nền lợi nhuận thấp của năm ngoái (do phải dành nguồn lực xử lý nợ xấu VAMC) cũng tạo điều kiện ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm nay.
Riêng với Techcombank, các tín hiệu tích cực trên cho thấy sức khỏe tài chính và sức mạnh cạnh tranh của ngân hàng này là vượt trội so với mặt bằng chung.
(*) 27 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietCapitalBank, VietBank, Vietcombank, VietinBank, VPBank; trong đó, riêng HDBank và VPBank là số liệu báo cáo tài chính riêng lẻ (do tỷ lệ nợ xấu hợp nhất chịu tác động lớn của công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc), còn lại là số liệu báo cáo tài chính hợp nhất.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.